Chưa chốt tỷ lệ ký quỹ giao dịch chứng khoán phái sinh

(ĐTCK) Thông tin về tỷ lệ ký quỹ ban đầu 10% khi giao dịch chứng khoán phái sinh hiện nay chưa được quy định chính thức và không phải tất cả các sản phẩm phái sinh đều áp dụng chung một tỷ lệ ký quỹ.

Theo kế hoạch, khi mở cửa thị trường chứng khoán phái sinh sẽ có hai sản phẩm đầu tiên được giao dịch là hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu và hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ.

Dựa trên 2 sản phẩm này, đơn vị tổ chức giao dịch là Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ đưa vào giao dịch 3 mẫu hợp đồng tương lai gồm: hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30, hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu HNX30 và hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ 5 năm.

Hiện tại, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phê duyệt 2 mẫu hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30 và HNX30 do HNX xây dựng. Đây sẽ là những sản phẩm mà nhà đầu tư, thành viên thị trường sẽ giao dịch trong thời gian tới.

Không phải các sản phẩm đều áp dụng một tỷ lệ ký quỹ

Liên quan đến tỷ lệ ký quỹ, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) là đơn vị có thẩm quyền quy định về tỷ lệ ký quỹ đối với từng sản phẩm phái sinh cụ thể do đơn vị này thực hiện bù trừ và thanh toán cho các giao dịch phái sinh theo mô hình đối tác trung tâm (CCP).

Ông Dương Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc VSD cho biết, hiện VSD chưa công bố thông tin tỷ lệ ký quỹ đối với các sản phẩm hợp đồng tương lai cụ thể. VSD đang phối hợp với đơn vị thiết kế sản phẩm là HNX rà soát thông tin, phân tích và đánh giá các yếu tố rủi ro đặc thù về từng sản phẩm để xác định tỷ lệ ký quỹ trước thời điểm giao dịch ít nhất 2 ngày làm việc.

Ký quỹ ban đầu là nguồn tài chính quan trọng giúp đảm bảo phòng tránh rủi ro cho các bên tham gia khi nhà đầu tư, thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán, nên việc xác định tỷ lệ ký quỹ phù hợp rất có ý nghĩa đối với thị trường. Không phải tất cả các sản phẩm phái sinh đều áp dụng chung một tỷ lệ ký quỹ.

Chẳng hạn, đối với các sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu, do yếu tố biến động giá của chính sản phẩm này, cũng như biến động của chỉ số cơ sở thường cao hơn biến động giá của hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ, nên tỷ lệ ký quỹ sẽ cao hơn.

Mặt khác, tỷ lệ ký quỹ không phải là con số cố định, mà tùy theo diễn biến của thị trường như thời gian đáo hạn đối với sản phẩm phái sinh, yếu tố biến động giá giao dịch trong từng thời kỳ. Từ đó, VSD sẽ tính toán lại và công bố tỷ lệ ký quỹ mới theo quy định.

Tỷ lệ ký quỹ ban đầu theo tính toán sơ bộ hiện nay của VSD đối với hợp đồng tương lai chỉ số VN30 vào khoảng trên dưới 10%, VSD chưa chốt tỷ lệ cụ thể. Do đó, tỷ lệ ký quỹ 10% như một số ý kiến đưa ra gần đây chỉ mang tính tham khảo tương đối để giúp thị trường, nhà đầu tư hiểu rõ hơn về cách thức nộp ký quỹ đối với một sản phẩm khi tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh.

3 ngưỡng cảnh báo

Theo ông Tuấn, khi giá chứng khoán phái sinh biến động khiến tỷ lệ sử dụng ký quỹ tăng vượt mức quy định, nhà đầu tư phải nộp thêm tiền vào tài khoản (tỷ lệ sử dụng ký quỹ được tính bằng cách lấy giá trị ký quỹ duy trì yêu cầu chia tổng giá trị tài sản ký quỹ).

Hệ thống của VSD có chức năng tính toán và cảnh báo thành viên bù trừ khi giá trị ký quỹ yêu cầu trên từng tài khoản nhà đầu tư chạm mức 80% và 90% giá trị tài sản ký quỹ.

Cụ thể, cảnh báo mức độ 1 khi tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ chạm ngưỡng 80%. Khi đó, VSD sẽ gửi thông tin cảnh báo cho thành viên bù trừ để thành viên này kiểm soát tỷ lệ ký quỹ của khách hàng chặt chẽ hơn. Cảnh báo mức độ 2 khi tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ chạm ngưỡng 90%.

Trường hợp tỷ lệ sử dụng ký quỹ đạt ngưỡng 100%, VSD sẽ gửi thông báo cho Sở giao dịch đề nghị tạm ngừng giao dịch đối với tài khoản vi phạm; gửi thông báo cho thành viên bù trừ yêu cầu không cho tài khoản đó mở vị thế mới (trừ giao dịch đối ứng để đóng vị thế) và/hoặc bổ sung ngay tài sản ký quỹ để làm giảm xuống dưới giới hạn 100% trong vòng 1 ngày làm việc.

Do nhà đầu tư thường có mong muốn giao dịch với giá trị vượt quá giá trị tài sản ký quỹ nộp ban đầu, nhất là trong những lúc thị trường diễn biến sôi động, ảnh hưởng bởi hiệu ứng đám đông, nên công cụ cảnh báo trên sẽ hữu ích để thành viên bù trừ điều chỉnh hành vi giao dịch của nhà đầu tư, tránh rơi vào tình trạng giao dịch vượt quá khả năng tài chính dẫn đến rủi ro cho nhà đầu tư và chính thành viên bù trừ.

“Thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam còn rất mới đối với nhà đầu tư, nên để phát huy những yếu tố tích cực của thị trường và hạn chế những khía cạnh rủi ro đối với nhà đầu tư, việc thiết lập các tiêu chí an toàn về tỷ lệ ký quỹ và giao dịch của nhà đầu tư là mục tiêu ưu tiên đối với thị trường trong giai đoạn đầu thành lập. Các cơ quan vận hành thị trường như VSD, HNX sẽ bám sát diễn biến của thị trường để có những đề xuất và điều chỉnh các quy định về giao dịch, bù trừ thanh toán, trong đó có tỷ lệ ký quỹ phù hợp với thực tiễn thị trường”, ông Tuấn nói.

Giá trị ký quỹ ban đầu = giá hợp đồng x hệ số nhân x số lượng hợp đồng x (1+biên độ dao động) x tỷ lệ ký quỹ ban đầu x 1/ngưỡng cảnh báo tối thiểu.

Giá hợp đồng biến động hàng ngày sẽ kéo theo sự biến động của tỷ lệ sử dụng ký quỹ (giá trị ký quỹ duy trì yêu cầu chia tổng giá trị tài sản ký quỹ), tỷ lệ này dưới mức 80% sẽ không bị cảnh báo; từ mức 100% trở lên, nhà đầu tư phải bổ sung tài sản ký quỹ (tiền, chứng khoán), hoặc buộc phải đóng vị thế.

Trường hợp giá trị tài sản ký quỹ cao hơn giá trị ký quỹ duy trì yêu cầu, nhà đầu tư được rút bớt tài sản ký quỹ.

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục