Tiếp tục Kỳ họp thứ 7, sáng 30/5 Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, ngày 28/5 Chính phủ đã có tờ trình đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Việc này, theo Chính phủ là cần thiết để tiếp tục tăng cường sự quản lý nhà nước đối với việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, đi đôi với phân cấp, phân quyền và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, bảo đảm công khai, minh bạch trong sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở. Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất, nhà đầu tư chủ động trong việc thực hiện các dự án nhà ở thương mại, dự án xây dựng đô thị, góp phần thúc đẩy tiến trình đô thị hóa đất nước, giải quyết nhu cầu đất ở cho nhân dân và thuận lợi cho nhà đầu tư, giảm bớt chi phí tuân thủ, hạn chế khiếu kiện của người dân khi bị Nhà nước thu hồi đất.
Đề xuất này còn nhằm đảm bảo sự nhất quán, kế thừa quy định của Luật Đất đai năm 2013 (Điều 73) để đánh giá chính xác về tác động của chính sách thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất làm cơ sở tiếp tục đề xuất từng bước hoàn thiện pháp luật về đẩt đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chính phủ đề xuất xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở, để cho phép tổ chức thực hiện trên thực tế các chủ trương của Đảng về phát triển thị trường quyền sử dụng đất, đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất, đảm bảo chính sách, quy định của pháp luật đất đai đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tế - tờ trình nêu rõ.
Về nội dung chính sách, Chính phủ cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở và chuẩn bị các tài liệu kèm theo.
Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết đã được Chính phủ xem xét, thông qua tại Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 27/5/2024 với 2 chính sách: (1) Cho phép doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thỏa thuận nhận quyền sử dụng các loại đất theo quy định tại Điều 9 của Luật Đất đai năm 2024 mà đủ điều kiện chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai để thực hiện dự án nhà ở thương mại; (2) Cho phép doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang có quyền sử dụng đất được thực hiện dự án nhà ở thương mại đối với đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải đất ở.
Trên cơ sở hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết đã được chuẩn bị, Chính phủ đề nghị ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép bổ sung Nghị quyết của Quốc hội thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội quyết định việc xây dựng, ban hành Nghị quyết tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2024) theo quy trình xem xét, thông qua tại một kỳ họp.
Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở, là vấn đề mới, quan trọng, phức tạp, cần nghiên cứu, đánh giá tác động, thẩm tra kỹ lưỡng.
Việc gửi hồ sơ đề nghị bổ sung nội dung này vào Chương trình quá gấp nên các cơ quan của Quốc hội không có điều kiện tổ chức thẩm tra, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội. Do đó, đề nghị Quốc hội chưa bổ sung dự thảo Nghị quyết này vào Chương trình mà giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chuẩn bị kỹ lưỡng để bổ sung vào Chương trình kỳ họp thứ 8 nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.