Kênh chứng khoán vẫn lép vế so với kênh tín dụng
Từ đầu năm đến nay, quy mô của thị trường chứng khoán cũng như lượng vốn doanh nghiệp huy động được qua thị trường này có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn ở mức rất thấp so với quy mô tín dụng. Các doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Theo tổng hợp của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2019, thị trường chứng khoán có nhiều đóng góp trong việc huy động vốn cho nền kinh tế, với tổng mức huy động vốn đạt 147.200 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, thanh khoản trên thị trường giảm mạnh, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu chỉ đạt 4.472 tỷ đồng/phiên, giảm 31,7% so với giá trị giao dịch bình quân phiên trong năm 2018. Ðiều này phần nào gây khó cho hoạt động gọi vốn qua thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp.
Trong khi đó, theo cập nhật của Ngân hàng Nhà nước, 7 tháng đầu năm 2019, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 7,742 triệu tỷ đồng, tăng 7,46% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp đang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết, Công ty làm ăn có lãi, nhưng kế hoạch phát hành riêng lẻ 25 triệu cổ phiếu để huy động vốn đã được Ðại hội đồng cổ đông thông qua từ năm 2017 đến nay vẫn không thể triển khai.
Do việc gọi vốn qua phát hành cổ phiếu khó khăn nên Công ty đang tính đến phát hành trái phiếu cho một số ngân hàng. Thực tế, Công ty vẫn phải tìm đến ngân hàng để có vốn hoạt động, chứ không thể trông chờ vào gọi vốn qua thị trường chứng khoán.
Liên quan đến khả năng bơm vốn của thị trường chứng khoán cho nền kinh tế cũng như doanh nghiệp còn quá nhỏ so với kênh tín dụng, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tỷ trọng tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu, trái phiếu trên GDP thấp hơn tín dụng ngân hàng; tỷ lệ này cuối năm 2018 là 109%/134%.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ tín dụng cho nền kinh tế năm 2018 chiếm 134% GDP cho thấy, kênh rót vốn chủ yếu bao gồm cả vốn trung hạn và dài hạn của nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc phần lớn vào hệ thống ngân hàng.
Trong bối cảnh đó, quy mô đóng góp của thị trường chứng khoán vào tài trợ vốn cho nền kinh tế còn hạn chế. Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tỷ trọng cung vốn từ thị trường vốn cho nền kinh tế Việt Nam tính theo giá trị phát hành thực tế năm 2018 chiếm 14% tổng cung ứng vốn.
Trông chờ Luật Chứng khoán sửa đổi
Ðể cải thiện khả năng tài trợ vốn cho nền kinh tế cũng như doanh nghiệp của thị trường chứng khoán, ý kiến từ nhiều phía cho rằng, cần triển khai các giải pháp đồng bộ thúc đẩy thị trường phát triển.
Ðiều này đang được trông đợi vào những nội dung đổi mới tại Luật Chứng khoán sửa đổi, theo kế hoạch sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp diễn ra trong tháng 10 tới.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải chia sẻ, việc hoàn thiện dựa án Luật Chứng khoán sửa đổi đang được thúc đẩy, nhằm tạo ra thế hệ luật thứ hai, đồng thời khẳng định vị thế, địa vị pháp lý mới của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong quản lý và phát triển thị trường chứng khoán.
Ðồng thời, hoàn thiện các nghị định và văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán sửa đổi để đảm bảo đồng bộ trong thực hiện khi luật có hiệu lực.
Cùng với đó, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, gắn cổ phần hóa với niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán…
Bên cạnh tiếp tục phát triển các sản phẩm chứng khoán mới phù hợp thông lệ quốc tế là triển khai hệ thống công nghệ thông tin với các tính năng mới.
Tập trung đẩy nhanh quá trình thực hiện đề án nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ hạng thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trên bảng xếp hạng MSCI và FTSE.
Nhằm gia tăng quy mô cho thị trường chứng khoán, cùng với đa dạng hóa sản phẩm, việc nâng cao chất lượng cổ phiếu, minh bạch thông tin phải được đặt lên hàng đầu, qua đó tạo niềm tin và thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư cá nhân trong và ngoài nước tham gia thị trường.
Từ kinh nghiệm quốc tế, ông Eiichiro Kawabe, Phó chủ tịch Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật Bản (JFSA) cho rằng, trên thị trường vốn, việc đảm bảo công bằng trong các giao dịch của nhà đầu tư là điều kiện tối thiếu để thị trường phát triển lành mạnh, sôi động.
Nếu nhà quản lý thiếu các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả đối với các hành vi vi phạm thì dễ làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường.
Thành công trong cải thiện niềm tin của nhà đầu tư sẽ giúp thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động nguồn tiền nhàn rỗi ngày một hiệu quả hơn, từ đó dòng tiền gửi tiết kiệm của người dân trong hệ thống ngân hàng dần dịch chuyển sang thị trường chứng khoán.
Ðể cải thiện khả năng huy động vốn của thị trường chứng khoán, không ít ý kiến cho rằng, thúc đẩy phát triển thị trưởng trái phiếu doanh nghiệp là một hướng đi mới quan trọng.
Bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu, nhất là từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính nên sớm có giải pháp phát triển thị trường định mức tín nhiệm, qua đó góp phần thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Trước đề xuất này, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang triển khai một số giải pháp như hoàn thiện chuẩn mực kế toán, kiểm toán, lập báo cáo tài chính theo thông lệ quốc tế nhằm tạo thuận lợi cho việc đánh giá, xếp hạng tín nhiệm; khuyến khích các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín trên thế giới tham gia cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu Việt Nam.
Rà soát, hoàn thiện quy định về phân biệt chính sách đầu tư vào trái phiếu có xếp hạng tín nhiệm và không có xếp hạng tín nhiệm của các doanh nghiệp bảo hiểm, các quỹ đầu tư…
Cải thiện tính minh bạch trong hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng là việc phải đẩy nhanh.
Các thành viên thị trường kỳ vọng, trên cơ sở nhiệm vụ đã được Bộ Tài chính phân giao, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội sớm đưa chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp vào vận hành trong năm nay như kế hoạch.
Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững, lành mạnh cần khắc phục một bất cập đang bộc lộ trong thực tiễn áp dụng Nghị định 163/2018/NÐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Ðó là quy định trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành.
Thời gian hạn chế, theo ý kiến từ phía thị trường là quá ngắn, trong thời gian này, tình trạng tài chính của tổ chức phát hành có thể có biến động, các nhà đầu tư cá nhân không đủ thời gian và hiểu biết để lường trước các rủi ro có thể xảy ra.
Do đó, cần sửa đổi quy định theo hướng trái phiếu phát hành riêng lẻ phải bị hạn chế giao dịch trong suốt thời hạn của trái phiếu, đồng thời loại trái phiếu này chỉ được phép chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, tránh rủi ro cho nhà đầu tư không chuyên nghiệp, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân.
Cần quyết tâm trong việc làm minh bạch thị trường, mở cửa nền kinh tế, nhất quán trong lời nói và hành động
Bà Trịnh Ngọc Hoa, Giám đốc Nghiên cứu và Đầu tư, Asam Vietnam Co
Hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể so với trước đây về tính minh bạch và khả năng huy động vốn.
Bằng chứng rõ ràng nhất là hiện tại đã có các công ty niêm yết thu hút được dòng tiền lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài, một số công ty đã phát hành thành công khối lượng lớn trái phiếu quốc tế.
Tuy nhiên, so với các thị trường khác, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Ví dụ, vấn đề giới hạn sở hữu nước ngoài, ngày giao dịch T+2, các yêu cầu về công bố thông tin người có liên quan, phát hành riêng lẻ, thư kiểm toán...
Việc này ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư do sự không rõ ràng, đặc biệt ảnh hưởng đến đến các quyết định liên quan đến đầu tư của cổ đông chiến lược. Do đó, kéo dài thời gian phân tích thẩm định đầu tư và đẩy chi phí giao dịch tăng cao.
Hiện tại, tâm lý thị trường có nhiều vấn đề lo ngại, ngoài sự không chắc chắn trong môi trường kinh doanh gây nên bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, phần còn lại do sự không chắc chắn và niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Việc cải thiện không phải một sớm một chiều, nhưng cần các nhà hoạch định chính sách thể hiện quyết tâm trong việc làm minh bạch thị trường, mở cửa nền kinh tế, nhất quán trong lời nói và hành động.
Trong ngắn hạn có thể chưa thấy được hiệu quả, nhưng về trung và dài hạn sẽ thúc đẩy được tính minh bạch và thanh khoản.
DIG lựa chọn phương án phát hành trái phiếu quốc tế
Ông Nguyễn Quang Tín, Thành viên Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG)
Mỗi doanh nghiệp sẽ có cách lựa chọn phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu để huy động vốn, tùy vào tình hình thực tế doanh nghiệp và liên quan đến bài toán tài chính của doanh nghiệp, cân đối về chi phí vốn.
Ðối với DIG, trong đợt huy động vốn lần này, Công ty lựa chọn phương án phát hành trái phiếu quốc tế, vì thấy đây là phương thức phù hợp.
Theo tôi, chọn phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn trong nhiều trường hợp sẽ gây sức ép cho cổ đông, thay vào đó có thể sử dụng đòn bẩy tài chính trong một thời gian nhất định, khi Công ty cân đối được nguồn vốn và hiệu quả mang lại.
Hiện tại, DIG đang có dư nợ vay khá thấp nên lựa chọn phương án vay thông qua hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Tổng giá trị chào bán dự kiến ở mức 100 triệu USD nhằm tăng quy mô vốn hoạt động và đầu tư mới vào các dự án như Tổ hợp du lịch DIC Star Vũng Tàu, Khu du lịch An Hải, Khu công viên văn hóa đô thị mới Bàu Trũng, Sân golf và Khu nghỉ dưỡng Hồ Tràm DIC.
Lượng trái phiếu này có lãi suất tối đa 5%/năm, kỳ hạn từ 3 - 5 năm và Công ty đang triển khai các thủ tục để sớm hoàn thành đợt phát hành.
Trong năm 2019, tổng vốn đầu tư của DIG dự kiến là 3.780 tỷ đồng. Trong đó, DIG sẽ giải ngân khoảng 1.850 tỷ đồng vào việc triển khai đầu tư, thi công hạ tầng kỹ thuật, đền bù giải phóng mặt bằng, nộp tiền sử dụng đất tại các dự án Khu đô thị du lịch Long Tân, Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên, Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu và Khu dân cư thương mại Vị Thanh, Hậu Giang.
Doanh nghiệp phải có các chiến lược huy động vốn hợp lý
Ông Lê Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn (GMC)
GMC thực hiện thành công kế hoạch tăng vốn điều lệ trong thời gian qua chủ yếu nhờ hình thức chia thưởng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận năm trước để lại.
Vấn đề vốn đối với các doanh nghiệp nói chung hiện đang rất thách thức. Việc huy động vốn trong thời gian này khó khăn, dù phát hành ra công chúng hay phát hành riêng lẻ, nếu doanh nghiệp không có hướng thuyết phục cổ đông.
Giai đoạn dễ huy động vốn đã qua, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có các chiến lược huy động vốn hợp lý. Chọn vay hay phát hành cổ phiếu đều phải được doanh nghiệp cân nhắc ở từng thời điểm.
GMC vừa thông qua phương án sử dụng vốn từ đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng trong thời gian tới cho cổ đông để phục vụ sản xuất - kinh doanh với tổng giá trị gần 134 tỷ đồng.
Ðây là đợt phát hành 8,9 triệu cổ phiếu theo Nghị quyết đại hội đồng cổ đông năm 2019, tỷ lệ 2:1, giá phát hành 15.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến thực hiện trong những tháng cuối năm.
Trong năm 2019, GMC có kế hoạch đầu tư 1.800 tỷ đồng, gồm 300 tỷ đồng cho đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh và vay ngân hàng 1.500 tỷ đồng để tài trợ vốn hoạt động.
Sau khi đổi tên từ Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại May Sài Gòn thành Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn, Công ty đang trong quá trình tái cơ cấu, ổn định lại bộ máy nhân sự.
Việc huy động vốn để mở rộng phát triển kinh doanh cũng nằm trong mục tiêu chiến lược của Công ty.
Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2024 sẽ đạt doanh số trên 200 triệu USD, để thực hiện được doanh số này, Công ty đang nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới, tổ chức chuỗi cung ứng, tăng công suất từ 18 - 25%/năm.
Cần đồng bộ quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
Ông Ðinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Nghị định 163/2018/NÐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam, cũng như phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Nghị định này không điều chỉnh việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng theo quy định của Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn.
Do đó, việc luật hoá quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng vào Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ tạo khung khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho các doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu và cho công tác quản lý, giám sát đối với các tổ chức tham gia hoạt động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.