Chưa bán được cổ phần theo lô vì thiếu quy chế mẫu

Sau hơn 1 tháng triển khai Quyết định 41/2015/QĐ-TTg về bán cổ phần theo lô, song hiện vẫn chưa có doanh nghiệp nào triển khai. Theo ông Trần Văn Hiền, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), việc chưa bán được cổ phần theo lô là do còn thiếu quy chế mẫu.
Ông Trần Văn Hiền, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Ông Trần Văn Hiền, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính)

Theo Quyết định 41/2015/QĐ-TTg thì chỉ được bán cổ phần theo lô trên sở giao dịch chứng khoán mà không được bán tại doanh nghiệp hay bán qua các định chế tài chính trung gian, tổ chức có chức năng bán đấu giá. Phải chăng, quy định này khiến bán cổ phần theo lô chưa đi vào cuộc sống?

Khác với bán bình thường, bán theo lô là bán với số lượng lớn, nên phải tổ chức qua sở giao dịch chứng khoán để bảo đảm công khai, minh bạch, hạn chế hiện tượng thông thầu, móc ngoặc để mua cổ phần với giá thấp, gây thất thoát tài sản nhà nước.

Khi xây dựng Quyết định 41/2015/QĐ-TTg, cũng có ý kiến cho rằng, giá trị cổ phần bán từ 10 tỷ đồng trở lên mới bán qua sở giao dịch chứng khoán, còn dưới 10 tỷ đồng có thể cho phép bán đấu giá tại doanh nghiệp hoặc định chế tài chính, nhưng cuối cùng, Thủ tướng Chính phủ vẫn quyết định chỉ tổ chức đấu giá theo lô trên sở giao dịch chứng khoán và giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quy chế mẫu bán đấu giá cổ phần theo lô. Tuy nhiên, đến thời điểm này, do chưa ban hành được quy chế mẫu, nên chưa có thương vụ nào được thực hiện.

Tại sao cứ phải bán qua sở giao dịch chứng khoán, mà không bán qua tổ chức khác hoặc bán tại doanh nghiệp, thưa ông?

Vì sở giao dịch chứng khoán là tổ chức độc lập, có kinh nghiệm và có quy chế, quy trình kiểm tra, giám sát rất chặt chẽ nhằm phát hiện ra hiện tượng móc ngoặc, đấu giá hình thức, tiêu cực. Bán đấu giá theo lô qua sở giao dịch chứng khoán có thể làm chi phí đấu giá cao hơn so với bán thông qua tổ chức khác hay bán tại doanh nghiệp, nhưng nhà đầu tư yên tâm khi bỏ tiền ra mua cổ phiếu lô lớn, tham gia quản trị, quản lý điều hành doanh nghiệp sau khi trúng đấu giá.

Ngoài ra, trên sở giao dịch chứng khoán, ngoài hệ thống kiểm tra, giám sát của sở giao dịch chứng khoán còn có sự giám sát của cả cơ quan an ninh tài chính tiền tệ nhằm hạn chế tối đa gian lận, móc ngoặc, tiêu cực trong quá trình diễn ra đấu giá cổ phần.

Nhà đầu tư tham gia mua cổ phần theo lô phải có năng lực tài chính, cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp, tiếp tục sử dụng lao động... Ông có nghĩ rằng, quy định này sẽ hạn chế việc bán cổ phần theo lô?

Mục tiêu bán cổ phần theo lô là tìm nhà đầu tư tiềm năng và sau khi trở thành cổ đông, họ sẽ tham gia quản trị, điều hành, tái cơ cấu doanh nghiệp, chứ không muốn họ mua cổ phần rồi đem bán lại. Nhà đầu tư nào muốn đầu tư vào cổ phần theo kiểu mua đi bán lại thì đã có sân chơi khác, đó là thị trường chứng khoán. Việc bán theo lô chỉ áp dụng cho doanh nghiệp chưa niêm yết, chưa đăng ký giao dịch, nên phải chọn nhà đầu tư muốn gắn bó với doanh nghiệp.

Tại sao phải yêu cầu nhà đầu tư gắn bó với doanh nghiệp, có phương án sử dụng lao động? Vì nếu không, sau khi có quyền quản lý, điều hành, chủ doanh nghiệp mới đầu tư dây chuyền, thay đổi thiết bị và sa thải lao động. Với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc, chế biến thủy hải sản, da giày sử dụng hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn lao động, việc chủ mới sa thải hàng loạt lao động sẽ tạo áp lực rất lớn trong vấn đề bảo đảm an sinh xã hội, thậm chí ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội.

Đưa ra các điều kiện nêu trên là nhằm tìm ra nhà đầu tư thực sự. Tôi cũng muốn nói thêm rằng, các quy định trên chỉ là quy định chung nhất, có tính chất nguyên tắc, còn đối với từng doanh nghiệp cụ thể, khi xây dựng phương án bán cổ phần theo lô sẽ có những điều kiện cụ thể riêng.

Những điều kiện riêng là gì, thưa ông?

Trong phương án bán cổ phần theo lô do doanh nghiệp xây dựng phải công khai, minh bạch số lô cổ phần bán đấu giá; số lượng cổ phần của mỗi lô; giá khởi điểm của lô cổ phần bán đấu giá; tiêu chí nhà đầu tư…

Trong đó, doanh nghiệp phải minh bạch tiêu chí nhà đầu tư tham gia đấu giá, giải trình với cơ quan chủ quản vì sao lại lựa chọn nhà đầu tư này mà không phải nhà đầu tư khác. Vì sao phải yêu cầu nhà đầu tư cam kết điều kiện này mà không phải là điều kiện khác…

Nhà đầu tư cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp, vậy thời gian gắn bó là bao lâu?

Thời gian gắn bó của nhà đầu tư tùy thuộc vào phương án bán cổ phần theo lô do doanh nghiệp quyết định trước khi tổ chức bán đấu giá. Với doanh nghiệp thương mại, thời gắn bó có thể là 2 - 3 năm, với doanh nghiệp sản xuất có thể lâu hơn, đặc biệt với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.

Theo tôi, thời gian gắn bó với doanh nghiệp sản xuất nên cam kết ít nhất là 3 - 4 năm, bởi khoảng thời gian này đủ để người lao động chuyển đổi công việc hoặc hưởng chế độ hưu trí, mất việc theo quy định hiện hành.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục