Việc áp dụng chế tài ngừng sử dụng hóa đơn đồng nghĩa với việc doanh nghiệp dừng mọi hoạt động kinh doanh, không còn cơ hội tạo nguồn thu và sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cả người lao động và doanh nghiệp.
Chiều 27/3, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi (Dự thảo).
Về chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và biện pháp xử lý, thảo luận tại kỳ họp thứ sáu, một số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với đề xuất như dự thảo Luật do Chính phủ trình, mở rộng các chế tài xử lý so với hiện hành.Như, ngừng sử dụng hóa đơn, tạm hoãn xuất cảnh, quy định về khởi kiện, khởi tố đối với người sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội, trốn đóng bảo hiểm xã hội nhằm khắc phục tình trạng nhiều người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội nhưng không có chế tài xử lý và vướng mắc trong khởi tố để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Nhưng, một số ý kiến khác đề nghị cần xem xét về hệ quả và chưa nên áp dụng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn và các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh tại thời điểm hiện nay do sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động của doanh nghiệp, không tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, khắc phục sai phạm.
Thường trực Ủy ban Xã hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) cho biết, Cơ quan chủ trì soạn thảo, Cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan có liên quan đã thống nhất tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chưa quy định chế tài ngừng sử dụng hóa đơn.
Bởi vì, việc áp dụng chế tài này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp dừng mọi hoạt động kinh doanh, không còn cơ hội tạo nguồn thu và sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cả người lao động và doanh nghiệp.
Dự thảo Luật do Chính phủ trình quy định việc áp dụng chế tài này nhưng không có quy định nhằm hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp từng bước khắc phục việc chậm đóng. Pháp luật về quản lý thuế còn quy định các biện pháp nhằm tiếp tục duy trì hoạt động của doanh nghiệp khi bị áp dụng chế tài ngừng sử dụng hóa đơn (như việc doanh nghiệp phải nộp ngay 18% doanh thu trên hóa đơn bán lẻ đề xuất được tiếp tục sử dụng).
Lý do nữa là chưa xử lý được vướng mắc trong mối quan hệ khi doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, trốn đóng bảo hiểm xã hội nhưng vẫn phát sinh và duy trì nghĩa vụ nộp thuế...
Về quy định chế tài tạm hoãn xuất cảnh, Thường trực cơ quan thẩm tra cho hay, dự thảo Luật đã bổ sung tại khoản 4 Điều 40 theo hướng không quy định trực tiếp mà dẫn chiếu quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (đây cũng là ý kiến của Bộ Công an).
Đồng thời, dự thảo Luật đã bổ sung khoản 2 Điều 140 để sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 28 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 47/2014/QH13: “d) Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc người đại diện cho tổ chức đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo hiểm xã hội.” để thống nhất với quy định tại khoản 5 Điều 36 của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam về trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh là“người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn”.
Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chưa quy định đối với đối tượng này, Thường trực Ủy ban Xã hội giải thích.
Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng bổ sung Điều 41 quy định cơ chế có tính chất “đặc thù” để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động bỏ trốn, không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Theo đó, cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận tạm thời thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu của người lao động làm cơ sở thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội trong trường hợp người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng quy định tại Điều 37 và Điều 38 của Luật này mà tạm ngừng kinh doanh; không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký; bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cưỡng chế về quản lý thuế; đang làm thủ tục giải thể, đã bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập; đang làm thủ tục phá sản; đã phá sản; không có người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
Tuy nhiên, theo báo cáo, có ý kiến còn băn khoăn vì đây là chính sách mới, liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cũng như quyền lợi của người lao động nên cần được nghiên cứu, đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng, rà soát từng trường hợp, điều kiện cụ thể để đưa ra giải pháp phù hợp.