Chú ý tới các nhóm ngành bán lẻ, chứng khoán, ngân hàng, dệt may và cảng biển

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hoạt động tái cơ cấu danh mục liên tục diễn ra khiến thị trường chứng khoán có diễn biến giằng co và chưa có xu hướng rõ ràng.
Chú ý tới các nhóm ngành bán lẻ, chứng khoán, ngân hàng, dệt may và cảng biển

VN-Index: Chờ đợi kết quả kinh doanh quý II

Trong tuần giao dịch từ ngày 8 - 12/7/2024, VN-Index có diễn biến tăng mạnh trong 2 phiên đầu tuần, nhưng bắt đầu giằng co và giảm trở lại trong các phiên sau đó. Kết tuần, chỉ số đóng cửa tại 1.280,75 điểm, ghi nhận mức giảm 0,18% so với cuối tuần liền trước.

Thanh khoản bình quân mỗi phiên trong tuần tăng mạnh, xoay quanh mức 19.000 tỷ đồng, cho thấy khả năng quay lại xu hướng tăng của nền thanh khoản giao dịch. Tuy nhiên, với ngưỡng kháng cự 1.300 điểm chưa vượt qua từ năm 2023, áp lực bán gia tăng khiến đà tăng ngắn hạn của thị trường chững lại. Mặt khác, dòng tiền có sự phân hóa rõ nét theo từng phiên, nhiều nhóm ngành thay phiên tăng trong tuần như bất động sản, chứng khoán, phân bón, ngân hàng. Mặc dù vậy, nhóm ngành dẫn dắt đà tăng để VN-Index có thể vượt qua ngưỡng 1.300 điểm chưa xuất hiện.

Với diễn biến hiện tại, VN-Index có thể tiếp tục giằng co, tích lũy trong vùng 1.250 - 1.290 điểm. Chưa có sự hưng phấn từ tâm lý giao dịch khi giới đầu tư chờ đợi kết quả kinh doanh quý II và bán niên 2024 sẽ dần được công bố trong 2 tuần giao dịch tiếp theo. Do đó, hoạt động tái cơ cấu danh mục liên tục diễn ra khiến thị trường chung giằng co và chưa có xu hướng rõ ràng.

Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư nên theo đuổi chiến lược danh mục tập trung, tránh mua đuổi hoặc bán đuổi trong giai đoạn hiện tại. Đồng thời, cơ cấu lại danh mục, giữ cổ phiếu đang đem lại lợi nhuận và tập trung giải ngân thêm vào các nhóm ngành tiềm năng để đón kết quả kinh doanh quý II. Chúng tôi duy trì sự chú ý tới các nhóm ngành bán lẻ, chứng khoán, ngân hàng, dệt may và cảng biển.

Ngành chứng khoán: Kỳ vọng mảng tự doanh

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có động thái bán ròng, nhất là các quỹ ETF, ảnh hưởng không nhỏ đến diễn biến của VN-Index. Ngoài ra, tháng 5 và tháng 6 là giai đoạn thị trường chứng khoán thiếu các thông tin hỗ trợ từ phía hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn đến tần suất giao dịch trở nên ít hơn, gây ra tình trạng sụt giảm về thanh khoản chung của thị trường trong một số phiên.

Về phía nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước, khối này trở thành động lực chính của thị trường ở đa phần các thời điểm. Nếu như trước đây, dòng tiền khối ngoại có tác động mạnh mẽ đến chỉ số chung thì hiện tại, ưu thế này thuộc về dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Trong giai đoạn quý II, các nhóm cổ phiếu có sự phân hóa, bên cạnh các nhóm ngành như công nghệ, bán lẻ có mức tăng giá cao, một số nhóm khác cho thấy sự chững lại trong đà tăng, thậm chí giảm giá. Nhìn chung, dòng tiền luân phiên chảy giữa các nhóm ngành.

Mặc dù có nhiều phiên sụt giảm về thanh khoản, nhưng tổng giá trị giao dịch quý II được cải thiện so với quý I, có thể tác động tích cực lên doanh thu mảng môi giới của khối công ty chứng khoán. Bên cạnh đó, dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) tăng khá tốt so với giai đoạn đầu năm, trong khi bộ đệm rủi ro được cải thiện khi các công ty chứng khoán đã và đang thực hiện kế hoạch tăng vốn.

Trong bối cảnh các cổ phiếu tốt có mức tăng trưởng mạnh về giá, các công ty chứng khoán có hoạt động tự doanh tích cực có thể ghi nhận một khoản lợi nhuận không nhỏ về đầu tư trong mùa công bố kết quả kinh doanh quý II này. Chứng khoán là ngành có biến động theo sát với diễn biến thị trường chứng khoán, với việc kỳ vọng hoạt động kinh doanh của ngành chứng khoán có nhiều chuyển biến tích cực trong quý II, mặt bằng giá cổ phiếu chứng khoán có thể sẽ cao hơn trong giai đoạn sắp tới.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Cổ phần Chứng Khoán KAFI

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục