Chủ xe cơ giới muốn được hỗ trợ thực chất hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông tư 14/2022/TT-BTC ban hành ngày 28/2/2022 quy định việc gia hạn đóng phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới trong mùa dịch, song hầu hết chủ xe muốn được hỗ trợ thực chất hơn.
Việc gia hạn thời gian nộp phí bảo hiểm không có nhiều ý nghĩa đối với chủ xe cơ giới. Ảnh: Dũng Minh Việc gia hạn thời gian nộp phí bảo hiểm không có nhiều ý nghĩa đối với chủ xe cơ giới. Ảnh: Dũng Minh

Mong được hoàn phí bảo hiểm xe

Sau khi đăng tải bài báo “Băn khoăn giảm phí bảo hiểm chủ xe cơ giới”, Báo Đầu tư chứng khoán tiếp tục nhận được ý kiến phản hồi từ nhiều doanh nghiệp vận tải.

Đơn cử, một doanh nghiệp đang sở hữu gần 200 đầu xe tại Hà Nội cho biết, trong 2 năm qua, có tới 2/3 số lượng xe phải ngừng hoạt động do thực hiện các biện pháp giãn cách để phòng chống dịch và đến giờ vẫn chưa khởi động lại toàn bộ, nên điều doanh nghiệp cần lúc này là được hoàn lại tiền phí bảo hiểm đã đóng, hơn là kéo dài thời hạn bảo hiểm tương ứng với thời gian xe không hoạt động như quy định mới.

Tương tự, ông Nguyễn Mạnh Tuân, chủ một doanh nghiệp vận tải ở TP. HCM với hơn trăm đầu xe cho hay, kéo dài thời hạn bảo hiểm cũng là một hình thức hỗ trợ giảm phí bảo hiểm cho chủ xe cơ giới, nhưng hiện doanh nghiệp ông không cần điều này vì đã chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác để có thể vượt qua khó khăn thời gian qua.

“Điều chúng tôi cần lúc này là hoàn trả lại phí bảo hiểm đã đóng cho quãng thời gian dài xe nằm đắp chiếu do dịch, chứ không cần kéo dài thời hạn bảo hiểm, bởi hiện tại chúng tôi đã chuyển sang lĩnh vực mới là may mặc nên không cần mua bảo hiểm cho xe”, ông Tuấn nói.

Ngoài đề xuất hoàn phí bảo hiểm thay cho việc gia hạn đóng phí, một số hiệp hội thành viên của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cũng mong muốn được cho phép giãn nợ phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới lẫn bảo hiểm thân vỏ.

Ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Đắk Lắk cho hay, hiện tại, hầu hết doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã điều chỉnh tăng giá cước vận tải (khoảng 20%), nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời, nhiều doanh nghiệp vẫn hoạt động cầm chừng, thu không đủ bù chi.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi nhận được phản ánh từ các phương tiện truyền thông về việc hỗ trợ chủ xe cơ giới trong mùa dịch, Bộ Tài chính đã báo cáo Bộ Tư pháp, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ được làm theo thủ tục rút gọn, không lấy ý kiến rộng rãi trên website của cơ quan này (do tính gấp gáp - PV). Trong quá trình triển khai, nếu không đáp ứng nhu cầu của bên mua bảo hiểm thì có thể xem xét điều chỉnh, nhưng phải phù hợp với các quy định liên quan khác…

“Hiện Hiệp hội vận tải ô tô Đắk Lắk có 52 doanh nghiệp thành viên, 500 xe khách chạy các tuyến đi các tỉnh, thành phố trên cả nước và hơn 2.000 xe taxi hoạt động trên địa bàn, nên đề nghị các nhà bảo hiểm cho phép trả chậm phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới lẫn bảo hiểm thân vỏ xe để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay”, ông Mạnh đề xuất.

Trước đó, như Báo Đầu tư Chứng khoán đã đưa tin, trong thời gian giãn cách xã hội, xe cơ giới không hoạt động, không có rủi ro, nhưng vẫn phải đóng phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Do đó, bên mua bảo hiểm đề nghị được kéo dài thời hạn hợp đồng tương ứng với thời gian thực hiện cách ly xã hội, hoặc thay đổi cách tính phí bảo hiểm ô tô theo hướng tính theo quãng đường thực chạy, thay vì theo rủi ro như hiện tại, từ đó giúp chủ xe ô tô giảm được phí phải đóng bảo hiểm thân vỏ. Đây cũng được xem như là một giải pháp hỗ trợ khách hàng giảm bớt khó khăn trong mùa dịch.

Tuy nhiên, quy định tại Thông tư 14/2022 chỉ cho phép gia hạn, mà chưa đề cập tới việc hoàn phí, nên cả doanh nghiệp vận tải lẫn chủ xe cơ giới đều mong được hoàn lại khoản phí bảo hiểm đã đóng trong thời gian xe không hoạt động do dịch bệnh để có thêm nguồn tiền trang trải.

Trên thực tế, ngoài việc không thể hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các doanh nghiệp vận tải hiện còn đối mặt với một thách thức lớn khác, đó là giá xăng dầu tăng cao, đẩy chi phí đầu vào đội thêm 20-30% so với trước. Để hạn chế thua lỗ, nhiều doanh nghiệp vận tải một mặt thu hẹp hoạt động, mặt khác phải liên tục đàm phán lại với khách hàng về mức giá mới, trường hợp không đạt được thỏa thuận thì buộc phải chuyển hướng kinh doanh. Điều này được cho là sẽ ảnh hưởng đến hoạt động bảo hiểm xe cơ giới thời gian tới.

Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến hết tháng 1/2022, bảo hiểm xe cơ giới đạt 2.153 tỷ đồng doanh thu, tăng 13% so với cùng kỳ 2021 và chiếm tỷ trọng 29% tổng doanh thu toàn thị trường; bồi thường đạt 642 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ bồi thường 30%. Doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đạt 458 tỷ đồng, tăng 8% và chiếm tỷ trọng 6% tổng doanh thu; bồi thường đạt 79 tỷ đồng (tỷ lệ 17%). Doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 1.694 tỷ đồng, tăng 14% và chiếm tỷ trọng 23% tổng doanh thu; bồi thường đạt 563 tỷ đồng (tỷ lệ 33%).

Cần có cơ chế tham vấn rộng rãi

Ông Đỗ Hồng Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam (VICS-CORP) cho hay, sau khi Thông tư 14/2022 được ban hành, ông đã có thư gửi tới VATA đề nghị được trợ giúp miễn phí các cá nhân, tổ chức nếu có nhu cầu thỏa thuận với doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện gia hạn hợp đồng bảo hiểm, bởi không phải doanh nghiệp vận tải, chủ xe cơ giới nào cũng đủ khả năng để đòi quyền lợi bảo hiểm, khi mà nhà bảo hiểm không có nghĩa vụ phải chủ động thỏa thuận với khách hàng như tại quy định mới.

Thông tư 14/2022 chỉ cho phép gia hạn, mà chưa đề cập tới việc hoàn phí, nên cả doanh nghiệp vận tải lẫn chủ xe cơ giới đều mong được hoàn lại khoản phí bảo hiểm đã đóng trong thời gian xe không hoạt động do dịch bệnh.

“Quy định việc gia hạn đối với giãn cách trong khoảng thời gian từ 1/1/2021 đến khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19, do đó Thông tư 14/2022 có thể bỏ sót quyền lợi của các chủ xe đã chịu thiệt hại từ thời điểm dịch bắt đầu bùng phát trong năm 2020, nên khi áp dụng có thể khiến các chủ xe gặp vướng mắc, bởi vậy sự hỗ trợ của một đơn vị chuyên về phụ trợ bảo hiểm như chúng tôi là cần thiết”, ông Sơn nói.

Sau đó, vào ngày 11/3/2022 vừa qua, VATA đã có thông báo gửi hiệp hội ô tô các tỉnh, thành phố và các hội viên trực thuộc về vấn đề này. Hiện tại, đã có một số thành viên VATA liên lạc để hỏi thủ tục hướng dẫn hỗ trợ dịch vụ, nhưng về cơ bản, các chủ xe vẫn mong muốn được hoàn phí, thay vì gia hạn thời gian nộp bảo hiểm.

Ông Sơn cũng cho biết thêm, về nguyên tắc, bất kỳ một văn bản pháp lý nào trước khi được ban hành thường được họp bàn, hỏi ý kiến trực tiếp hoặc thông qua hình thức lấy ý kiến bằng văn bản các bên có liên quan, nhưng Thông tư 14/2022 lại không thực hiện theo quy trình này, mà chỉ họp nội bộ các doanh nghiệp bảo hiểm với nhau nên gặp khó khăn, vướng mắc khi áp dụng trong thực tiễn.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch VATA cũng thừa nhận rằng, Hiệp hội chưa được lấy ý kiến trước khi ban hành Thông tư 14/2022. Ông Quyền cho biết, vào ngày 31/8/2020, VATA đã có công văn số 91/CV-HHVT kiến nghị Bộ Tài chính xem xét giảm phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với xe ô tô kinh doanh vận chuyển hành khách gồm xe taxi, xe buýt, xe kinh doanh vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, xe kinh doanh vận chuyển hành khách theo hợp đồng, xe kinh doanh vận chuyển hành khách du lịch… trong thời gian thực hiện phòng chống dịch bệnh. Kiến nghị này cũng được gửi tới Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính).

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục