Chủ trương giảm lãi suất: Đã đồng thuận trong... phòng họp

(ĐTCK-online) Mới có thêm sự đồng thuận giảm lãi suất của các ngân hàng phía Nam sau cuộc họp ngày 1/7. Theo đó, các nhà băng đều hứa sẽ giảm dần lãi suất huy động tiền gửi xuống mức khoảng 11%/năm kể từ 5/7, để từ đó hạ lãi suất cho vay xuống 12%/năm.
Chủ trương giảm lãi suất: Đã đồng thuận trong... phòng họp

Đã có hợp đồng tín dụng đạt được điều này, nhưng số lượng và tổng giá trị các hợp đồng là quá ít để nói đến sự giảm xuống tương ứng của mặt bằng lãi suất.

Sáng 1/7, các ngân hàng thành viên khu vực phía Nam đã có cuộc họp với Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) để đi đến đồng thuận giảm lãi suất sau cuộc họp của các ngân hàng tại Hà Nội ngày 29/6. Các ngân hàng phía Nam cũng có đồng thuận giống các thành viên phía Bắc là sẽ điều chỉnh giảm lãi suất huy động xuống khoảng 11%/năm. Từ đó, có điều kiện giảm lãi suất cho vay thỏa thuận xuống mục tiêu của chủ trương, thấp nhất là 12%/năm dành cho 3 đối tượng mục tiêu, xuất khẩu, nông thôn và các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Trao đổi với ĐTCK sau cuộc họp với các thành viên ngân hàng khu vực phía Nam, bà Dương Thu Hương – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, hầu hết các nhà băng đã đồng thuận giảm lãi suất huy động tiền gửi xuống mức khoảng 11%/năm kể từ ngày 5/7, thay vì xoay quanh mức 11,5%/năm như trước. Còn lãi suất cho vay thỏa thuận VND cũng sẽ giảm dần kể từ tháng 7/2010. Trong đó, với 3 đối tượng mục tiêu là phát triển nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, lãi suất sẽ giảm xuống còn 12%/năm đúng với mục tiêu của Chính phủ đưa ra tại Nghị quyết 18.

Song theo bà Hương, trong cuộc họp, không ít ngân hàng đưa ra khó khăn là tình trạng “mặc cả” lãi suất vẫn còn. Trong đó, phải kể đến là các khách hàng doanh nghiệp có lượng tiền gửi tương đối đều. Một số doanh nghiệp thậm chí yêu cầu lãi suất huy động 13%/năm. Đó cũng là một khó khăn cho các ngân hàng trong việc thực hiện giảm lãi suất cho vay xuống đúng mục tiêu đưa ra.

Các NHTM có nhiều vốn nhà nước đã tiên phong hạ lãi suất cho vay VND về mức mục tiêu (khoảng 12%/năm) và bắt đầu áp dụng ngay từ ngày 1/7. Trong đó, 3 ngân hàng đã thông báo điều chỉnh giảm lãi suất cho vay VND là Ngân hàng Đầu tư phát triển (BIDV), Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) và Ngân hàng Công thương (Vietinbank). BIDV đã yêu cầu các chi nhánh áp dụng lãi suất cho vay tiền đồng ngắn hạn đối với phát triển nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DNVVN tối đa là 12%/năm. Vietcombank quyết định điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực và đối tượng tương tự xuống mức 12,3%/năm (ngắn hạn) và 13%/năm (với khoản vốn cho vay trung và dài hạn). Còn tại Vietinbank, đối với những khoản vay tiền đồng ngắn hạn áp dụng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu và DNVVN, lãi suất được kéo xuống mức tối đa là 12,5%/năm và cũng bắt đầu áp dụng kể từ ngày 1/7/2010.

Đại diện DongA Bank cũng cho hay, sẽ xem xét động thái của thị trường để điều chỉnh giảm lãi suất huy động về khoảng 11%/năm, nhằm có điều kiện giảm thêm lãi suất cho vay theo chủ trương của Chính phủ. Sacombank đã mở rộng hình thức tài trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu điều, thủy sản, với lãi suất cho vay xuống đến 12,5%/năm. Theo Chủ tịch HĐQT Sacombank, Ngân hàng sẽ từng bước điều chỉnh giảm lãi suất (cả huy động và cho vay) theo đúng mục tiêu đưa ra.

Việc giảm lãi suất là nhằm giảm mặt bằng giá vốn, kích thích tăng trưởng dư nợ tín dụng. Sáu tháng đầu năm 2010, dư nợ tín dụng toàn ngành được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức trên 10%. Nửa năm còn lại, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng dư nợ đề ra cho năm 2010 là không dễ. Tại ACB, 2 quý đầu năm nay, Ngân hàng mới chỉ thực hiện được 1/3 mục tiêu của cả năm (mục tiêu tín dụng cho năm 2010 của ACB là tăng 60% so với năm trước), nhưng ngân hàng này cho biết có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2010. Một phần, do nhu cầu vốn của khách hàng sẽ được cải thiện trong 2 quý cuối năm. Đồng thời, mặt bằng lãi suất cho vay VND sẽ giảm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mạnh dạn vay vốn để sản xuất - kinh doanh.

Tuy nhiên, theo các ngân hàng, lãi suất cho vay giảm xuống mức 12%/năm không hẳn đã áp dụng phổ biến cho mọi đối tượng khách hàng. Trước mắt, chỉ áp dụng cho 3 đối tượng mục tiêu là phát triển nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DNVVN. Sau đó, nếu chi phí đầu vào giảm được thêm, nhà băng sẽ hạ tiếp lãi suất cho vay.

Việc các ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất huy động xuống khoảng 11%/năm vào đầu tuần tới được xem là giải pháp tốt để hạ lãi suất đầu ra. Song theo một cán bộ trong ngành, các ngân hàng có quyết liệt thực hiện hay không còn là câu hỏi phải chờ thời gian trả lời. Vì thực tế, trong một vài cuộc họp trước đây với VNBA, các ngân hàng thành viên cũng đã đồng thuận, nhưng vẫn không quyết liệt cắt giảm chi phí khuyến mãi để tạo điều kiệm giảm lãi suất cho vay.

Thuỳ Vinh
Thuỳ Vinh

Tin cùng chuyên mục