Trở thành “Thành phố biên giới xanh” và “Khu đô thị cửa khẩu” là định hướng mà tỉnh Lạng Sơn đề ra trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh thông qua hôm 27/10, với điều kiện có bổ sung, chỉnh sửa.
Ông Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn cho biết, “xây dựng Quy hoạch tỉnh là căn cứ pháp lý, công cụ quan trọng giúp tỉnh hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển, đảm bảo tính kết nối, đồng bộ giữa Quy hoạch tỉnh với Quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quản lý và khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát nhanh, bao trùm, bền vững”.
Theo đó, tỉnh Lạng Sơn đặt mục tiêu tiếp tục giữ vững vị thế là cửa khẩu thương mại trên bộ quan trọng nhất của cả nước, là điểm trung chuyển trên bộ quan trọng nhất trong kết nối Trung Quốc - Việt Nam - các nước Đông Nam Á, mở rộng các dịch vụ cung cấp cho hoạt động xuất nhập khẩu nói chung và chế xuất, thương mại nông sản nói riêng.
Lạng Sơn là cửa ngõ quan trọng nối Trung Quốc và các nước ASEAN, với 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu song phương và nhiều cửa khẩu/ lối mở kết nối với Trung Quốc.
Vì vậy, Lạng Sơn sẽ tập trung phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn thành trung tâm kinh tế cửa khẩu hiện đại, năng động, trung tâm dịch vụ cửa khẩu và hậu cần logistic quốc gia và quốc tế.
Phấn đấu đến năm 2025, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trở thành “cửa khẩu kiểu mẫu”, cửa khẩu Tân Thanh đóng vai trò là “trung tâm thương mại nông nghiệp”, cửa khẩu Chi Ma đóng vai trò là trung tâm kho bãi, cung ứng và phân phối đơn hàng cho thương mại điện tử, cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng sẽ trở thành một tuyến vận tải đường dài có tính cạnh tranh cao dựa trên dịch vụ logistics và các dịch vụ hỗ trợ thông minh, hiện đại…
Đồng thời, tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, tạo sự liên thông giữa các khu chức năng trong khu kinh tế cửa khẩu với các khu vực liên quan để tạo thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành của các lực lượng chức năng và nâng cao năng lực lưu thông hàng hóa. Trong đó, đầu tư nâng cấp, mở rộng thêm các tuyến ra cửa khẩu, các tuyến đường ngang đáp ứng đảm bảo nhu cầu vận tải ngày càng tăng của khu kinh tế cửa khẩu như: đường Quốc lộ 3B đoạn Tràng Định - cửa khẩu Nà Nưa, Quốc lộ 31 đoạn thị trấn Đình Lập - cửa khẩu Bản Chắt, Đường Na Sầm - Nà Hình - cửa khẩu Nà Hình, Đường Pắc Luống - Tân Thanh, Đường Cao Lộc - Cao Lâu - Ba Sơn; hoàn thành tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Quốc lộ 18, hoàn thành tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn...
Tỉnh sẽ đổi mới cơ chế, chính sách phát triển khu kinh tế cửa khẩu, nhất là về đầu tư, kinh doanh, đất đai...; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Rút ngắn thời gian kiểm hoá, kiểm soát, bốc xếp, trung chuyển hàng hoá qua biên giới, triển khai thực hiện “luồng xanh” thông quan nhanh hàng nông sản qua tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc).
Góp ý Quy hoạch, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh đồng tình với định hướng của tỉnh Lạng Sơn và cho rằng, cần xác định rõ phát triển Lạng Sơn trở thành trung tâm dịch vụ logistics cửa khẩu hiện đại của cả nước, trung tâm dịch vụ cấp vùng, trung tâm giao thương kinh tế, đối ngoại giữa Việt Nam và các nước ASEAN với Trung Quốc.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị ưu tiên đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội (Yên Viên) - Lạng Sơn từ ga Hà Nội đến ga Đồng Đăng, kết nối ga Yên Trạch với cảng cạn Yên Trạch, ga Đồng Đăng với khu trung chuyển hàng hoá và logistics cửa khẩu Hữu Nghị, đồng thời kết nối được với Trung Quốc để tăng khả năng, xuất nhập khẩu, du lịch, giao lưu văn hoá trong tương lai gần.