Mặc dù hệ thống ngân hàng đã hoàn thành Đề án tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011 - 2015. Thế nhưng, cuộc chiến với nợ xấu vẫn còn nhiều cam go. Ông có thể khái quát đôi nét về hoạt động của VAMC từ khi được thành lập đến nay?
Kể từ khi được thành lập và đi vào hoạt động đến nay, VAMC đã phát hành 212.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt để mua 241.000 tỷ đồng nợ xấu gốc nội bảng. Như vậy, các TCTD đã trích lập dự phòng rủi ro chưa xử lý cho số nợ xấu này, khoảng 30.000 tỷ đồng.
Đến nay, VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi nợ, bán tài sản bảo đảm, bán nợ được 32.437 tỷ đồng. Trong năm nay, VAMC đặt mục tiêu thu hồi nợ được 30.000 tỷ đồng và trong 6 tháng đầu năm đã thu hồi gần 10.000 tỷ đồng, đạt 1/3 chỉ tiêu kế hoạch giao, nhiều khả năng đến cuối năm có thể đạt được chỉ tiêu thu hồi nợ. Tuy nhiên, nhiệm vụ xử lý nợ xấu vẫn còn rất nặng nề; với khoảng 180.000 tỷ đồng dư nợ trái phiếu mà các TCTD phải trích lập dự phòng rủi ro.
Theo tính toán của tôi, từ năm 2013 đến nay, các TCTD đã thực hiện trích lập dự phòng rủi ro cho lượng trái phiếu đặc biệt này khoảng 30.000 tỷ đồng, điều này đồng nghĩa với việc các TCTD vẫn phải tiếp tục trích dự phòng rủi ro số dư nợ khoảng 150.000 tỷ đồng.
Thực tế, chính tôi cũng rất sốt ruột với trách nhiệm của mình khi tốc độ xử lý nợ chưa được như mong muốn.
Ông Nguyễn Quốc Hùng
Câu chuyện xử lý nợ xấu của VAMC năm 2016 có gì khác với những năm trước?
Chắc chắn câu chuyện xử lý nợ xấu năm 2016 sẽ khác rất nhiều so với giai đoạn năm 2013 - 2015. Năm 2016, chỉ các TCTD có nợ xấu trên 3% mới phải bán cho VAMC, còn lại phải tự xử lý. Rõ ràng, với VAMC, năm 2016 không phải mua nợ là chính mà là bán nợ, xử lý tài sản đảm bảo, đôn đốc thu hồi trên cơ sở phân loại từng khoản nợ, mời khách hàng đến giải quyết… thực hiện các giải pháp đồng bộ.
Công việc chưa làm được là chuyển nợ thành vốn góp, mua nợ theo giá thị trường, bảo lãnh, tuy nhiên, nhiệm vụ này sẽ được thực hiện trong thời gian tới. Trước đây, VAMC tự biết chưa thể triển khai vì có quá nhiều việc, trong khi để thực hiện hiệu quả phải có lộ trình làm từng bước. VAMC đang xây dựng chiến lược hoạt động của mình trong giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo để tiến tới xác định mô hình, giải pháp tổ chức thực hiện, từ đó xây dựng phương án tái cơ cấu mô hình hoạt động, tổ chức của chính mình để có định hướng hoạt động phù hợp, có hiệu quả hơn.
Theo ông, liệu hành lang pháp lý hiện nay đã đủ để VAMC hoạt động?
Có thể nói đến giờ phút này, hành lang pháp lý mà Chính phủ tạo cho VAMC là khá cơ bản. Nghị định 53/2013/NĐ-CP được sửa đổi đến 2 lần qua Nghị định 34/2015/NĐ-CP, 18/2016/NĐ-CP đã tương đối hoàn thiện và đầy đủ. Bên cạnh đó, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 69/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Đây được xem là một trong những tiền đề góp phần tạo ra thị trường mua bán nợ. Tất nhiên, để bao quát hết được thực tiễn là rất khó, song theo tôi hành lang pháp lý cho hoạt động mua – bán nợ hiện là khá đầy đủ.
Trên cơ sở Nghị định 18 và Nghị định 34 sửa đổi bổ sung Nghị định 53, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành bổ sung Thông tư 14 và 08 quy định cụ thể và rõ ràng hơn, cũng như bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ của VAMC trong việc mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt và triển khai mua nợ xấu theo giá thị trường. Vấn đề làm sao triển khai các văn bản đó vào thực tế có hiệu quả nhất.
Vậy kế hoạch của VAMC thời gian tới là gì, thưa ông?
Như trên tôi đã phân tích, nhiệm vụ quan trọng nhất của VAMC trong năm 2016 cũng như những năm tới không phải là mua nợ mà là xử lý nợ xấu. Tuy nhiên để làm được điều này liên quan đến nhiều phía: một là, khách hàng; hai là TCTD; ba là với chính VAMC.
Theo đó, trước hết VAMC phải thực hiện rà soát, phân loại, đánh giá tất cả các khoản nợ đã mua. Với những khoản nợ trên 50 tỷ đồng, VAMC thực hiện trách nhiệm với tư cách chủ nợ mời khách hàng đến làm việc để đôn đốc thu hồi nợ và yêu cầu khách hàng trả nợ, biện pháp trả nợ hoặc đề xuất phương án trả nợ khả thi (nếu có) tại các buổi làm việc trực tiếp với các khách hàng đều có các TCTD tham gia cùng. Hiện nay, tất cả khách hàng mời lên làm việc đều có mặt tại VAMC để làm việc, hầu như không có khách hàng nào lẩn tránh. Sau các buổi làm việc, trường hợp khách hàng không đưa ra được phương án trả nợ, hoặc phương án không khả thi thì VAMC mới yêu cầu khách hàng bàn giao tài sản đảm bảo để xử lý thu hồi nợ. Nếu khách hàng cố tình không bàn giao sẽ có biện pháp xử lý mạnh hơn.
Thứ hai, phối kết hợp với Tổng cục Thi hành án để đẩy nhanh tốc độ thi hành án đối với những bản án có hiệu lực pháp luật và bàn giao xử lý nhằm thu hồi nợ nhanh nhất.
Thứ ba, triển khai mua bán nợ theo giá thị trường. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 69 quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, tạo tiền đề cho việc hình thành thị trường mua bán nợ. Hàng hóa đã có, “chợ” cũng sẽ có. Vấn đề là thị trường mua bán nợ hoạt động ra sao, hành lang pháp lý liên quan đến quyền của chủ nợ như thế nào trong việc xử lý tài sản bảo đảm, thể hiện ở một số luật như: Luật Dân sự, Đất đai, Kinh doanh bất động sản, Đầu tư… Hơn nữa, khi đã mua nợ theo giá thị trường thì VAMC và TCTD cùng tính toán, tuy nhiên VAMC chỉ mua nợ khi đảm bảo kinh doanh không bị lỗ, trong khi đó, TCTD chỉ muốn bán được giá cao thậm chí đòi thu đủ nợ gốc, đặc biệt là các khoản nợ xấu chưa trích hết dự phòng rủi ro, dẫn đến rất khó khăn khi mua nợ xấu theo giá thị trường đối với những khoản nợ xấu nội bảng và nợ xấu bán cho VAMC (trái phiếu đặt biệt).
Nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định 69 ra đời chưa chắc thúc đẩy nhiều DN mua nợ xấu bởi có một thực tế, DN mua nợ xấu nhìn vào tài sản đảm bảo nhiều hơn là việc tái cơ cấu khoản nợ?
Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề là phần lớn những nhà đầu tư kinh doanh mua bán nợ nhìn vào khả năng xử lý tài sản đảm bảo, ít có mục tiêu đầu tư, tái cơ cấu DN. Do đó, tôi muốn kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước nên mua nợ xấu tham gia tái cơ cấu DN nhiều hơn, từ đó xây dựng phương án để VAMC cùng tham gia hỗ trợ DN, như điều chỉnh kỳ hạn nợ, miễn giảm lãi một phần, cơ cấu lại kỳ hạn nợ... Theo đó, DN “sống”, lao động có công ăn việc làm, tạo ra sản phẩm cho xã hội, tạo lợi nhuận cho DN. Nhưng những nhà đầu tư như thế này không có nhiều.
Chưa kể, tình trạng DN mới vào tiếp quản đứng ra nhận nợ thay nhưng lại không chịu trách nhiệm gì trước pháp luật, vốn không có (mua lại doanh nghiệp với giá 1 đồng để tái cấu trúc và nhận trả nợ thay) dẫn đến chủ nợ chính bỏ đi, khiến không xác định được chủ nợ là rất nguy hiểm, trong khi tài sản đảm bảo là máy móc, thiết bị hao mòn đi mà không thu hồi được đồng nào. Hay ngay chính VAMC khi tìm sự đồng thuận của khách hàng trong việc bán tài sản đảm bảo còn khó khăn, vậy DN kinh doanh mua bán nợ làm thế nào? Đó là những thực tế chúng ta buộc phải đối diện.
Tuy nhiên, quy định cũng cho phép VAMC bán nợ dưới hình thức đấu thầu?
Đúng vậy, song việc này cũng rất khó khăn. Vừa rồi, chúng tôi đã triển khai, song nhiều khoản nợ đấu giá không thành công vì không có ai mua, hơn nữa xin ý kiến TCTD điều chỉnh mức giá để tiến hành đấu giá tiếp lần 2 (mức điều chỉnh là 1%) nhưng đến nay TCTD vẫn chưa trả lời đồng ý hay không đồng ý đấu giá tiếp như vậy. Do đó, chưa biết đến bao giờ mới đấu giá xong 1 khoản nợ.
Khi đấu giá công khai, dù không ai mua nhưng vẫn phải tiếp tục triển khai, tiếp tục hạ giá cho đến khi nào có người mua. Dù thủ tục muốn rút gọn cũng phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật: thuê thẩm định giá, tìm cơ quan đấu giá, tổ chức đấu giá… Chưa kể, tài sản của khách hàng phải đồng ý bàn giao mới thực hiện được.
Vậy ông có kiến nghị gì để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ hiện nay?
Theo tôi, đến nay, Chính phủ đã tạo hành lang pháp lý cho VAMC hoạt động về cơ bản là đầy đủ, đồng thời Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành các thông tư hướng dẫn tương ứng để tạo quyền chủ động cho VAMC trong việc xử lý nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt, cũng như triển khai mua bán nợ theo giá thị trường, song trên thực tế vấn đề vướng mắc ở đây là tầm trên nghị định. Đó là luật, mà cụ thể là Luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư...
Do vậy, để xử lý triệt để nợ xấu trong bối cảnh không sử dụng vốn ngân sách tài chính, cần có một bộ luật xử lý nợ xấu có giá trị thực hiện trong thời hạn từ 3 đến 5 năm hoặc Quốc hội ban hành một nghị quyết về xử lý nợ xấu, tạo hành lang pháp lý rõ ràng trong việc xử lý nợ xấu, nhất là phân định rõ quyền chủ nợ và con nợ trong việc xử lý tài sản bảo đảm thì mới có thể xử lý nhanh nợ xấu. Trên thực tế, cho dù có tiền thật mà không có hành lang pháp lý rõ ràng ở tầm luật thì cũng không thể mua nợ xấu theo giá thị trường được.
Tuy nhiên, tôi nhận định khoảng 2 đến 3 năm nữa, khi các TCTD về cơ bản đã trích đủ dự phòng rủi ro các khoản nợ xấu bán cho VAMC, lúc đó thị trường mua bán nợ sẽ hoạt động sôi động và việc mua bán nợ theo giá thị trường là yêu cầu bức thiết của chính các TCTD. Vấn đề là làm sao có hành lang pháp lý để thị trường có thể hoạt động có hiệu quả và đúng quy định của pháp luật.