Chủ tịch Trương Gia Bình kể chuyện FPT “xuất tướng”

(ĐTCK) Gần 20 năm ra nước ngoài, FPT đã ghi danh tên tuổi Việt Nam trong làng công nghệ thế giới, trở thành đối tác của các tập đoàn hàng đầu, có gần 400 khách hàng doanh nghiệp lớn, trong đó có một số khách hàng chi tiêu cho công nghệ thông tin hàng tỷ USD mỗi năm… Thành công là vậy, nhưng ít ai biết rằng, FPT bước ra nước ngoài bắt đầu bằng nỗi sợ hãi.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: "Muốn ra ngoài, khó khăn lớn nhất là phải vượt qua chính mình". Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: "Muốn ra ngoài, khó khăn lớn nhất là phải vượt qua chính mình".

Không gian của người Việt là cánh đồng và lũy tre làng, rời khỏi không gian quen thuộc là nỗi sợ hãi cố hữu của người Việt. Nhưng FPT có một nỗi sợ hãi lớn hơn, bắt nguồn từ câu nói “khi công ty đã lên tới đỉnh cao, tự nó sẽ tan rã” của ông William Son, nguyên Tống giám đốc IBM.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT mở đầu câu chuyện toàn cầu hóa của FPT với chúng tôi vào một ngày đông cuối năm như vậy. 

Rời khỏi “lũy tre làng”

Ám ảnh bởi câu chuyện của CEO Tập đoàn IBM và sâu thẳm trong lòng luôn mong muốn FPT trường tồn, nhưng ông Trương Gia Bình chưa tìm ra được hướng đi để chế ngự nỗi sợ hãi đó. Tình cờ đọc được cuốn sách Bản sắc văn hóa Việt Nam của Giáo sư Trần Ngọc Thêm, trong đó viết: “người Việt luôn tĩnh tại trong tĩnh tại, đó chính là thái âm”, ông Bình nhận ra rằng, cần phải cân bằng “thái âm và thái dương”. Ông quyết định, FPT cần thách thức mới bằng việc đi ra nước ngoài.  

“Muốn ra ngoài, khó khăn lớn nhất là phải vượt qua chính mình”, ông Bình chia sẻ.

Bắt chước các bậc tiền bối, FPT đã tổ chức Hội nghị Diên Hồng, mời các lãnh đạo công ty bàn chuyện xuất khẩu phần mềm. Sau nhiều phân tích, thuyết phục, một số cộng sự hiểu khát vọng lớn của ông Bình và họ đồng ý cấp cho vị thủ lĩnh khoản ngân sách 1 triệu USD.

“FPT đã có 3 may mắn khi xuất khẩu phần mềm”, ông Bình đúc rút lại.

Thứ nhất, FPT may mắn được anh bạn Việt kiều giới thiệu cho hợp đồng với Winsoft và được hãng này công nhận chất lượng phần mềm của FPT làm tốt như các công ty phần mềm hàng đầu trên thế giới.

Chủ tịch Trương Gia Bình kể chuyện FPT “xuất tướng” ảnh 1
Chủ tịch Trương Gia Bình kể chuyện FPT “xuất tướng” ảnh 2

Thứ hai là hợp đồng với IBM. FPT đã từng thất bại trong đàm phán với giám đốc bán hàng người Mỹ của IBM và lâm vào tình thế “ế hàng”.

Ông Bình đã phải ra quyết định: xuất tướng (tức là ông trực tiếp đi bán hàng). Trong cuộc gặp với 20 giám đốc của IBM tại Pháp, ông Bình đã vẽ một thác nước để trả lời cho câu hỏi “Why Vietnam?” (Tại sao Việt Nam?) của đối tác”.

Ông Bình lý giải: “Nước biểu tượng cho thanh niên Việt Nam, độ cao của thác là chênh lệch trình độ và thu nhập của các lập trình viên Việt Nam so với thế giới. IBM muốn làm được nhiều tiền về phần mềm thì phải chọn Việt Nam”.

IBM đã giật mình và bị thuyết phục bởi ý tưởng “thác số” của người đứng đầu FPT. Họ cử người sang tìm hiểu và đặt hàng với FPT.

May mắn thứ ba của FPT là thâm nhập được vào thị trường Nhật Bản. Trong chuyến thăm đột xuất FPT và được biết công ty này làm phần mềm, ông Nishida, đại diện của Tập đoàn Sumitomo quyết định sẽ dắt FPT sang Nhật. Đích thân ông Bình và ông Nguyễn Thành Nam, Giám đốc FPT Software khi đó, đã sang Nhật Bản để gặp khách hàng. Trong chuyến đi này, FPT có được 2 hợp đồng và từ đó , thị trường Nhật Bản đã được khơi thông.

Trong một chuyến công tác Nhật Bản sau đó, lãnh đạo Mitsubishi Bank nói: “Chúng tôi thích phần mềm của các bạn. Nhưng để chúng tôi học tiếng Anh đã rồi bàn về phần mềm với các bạn”. Hàm ý của câu này là các bạn không có cơ hội đâu! Nhưng ông Bình đã trả lời: “Chúng tôi sẽ học tiếng Nhật và sẽ nói chuyện với các bạn bằng tiếng Nhật”.

Đó là lý do FPT cho ra đời Đại học FPT, dạy kỹ sư công nghệ thông tin bằng tiếng Anh và Nhật,  giải quyết bài toán nguồn nhân lực.

Bằng những nỗ lực đó, FPT đã vươn lên mạnh mẽ tại Nhật và trở thành 1 trong 50 công ty phần mềm hàng đầu tại quốc gia này. Doanh thu từ thị trường Nhật Bản cũng chiếm tới 50% doanh thu từ nước ngoài của FPT.

Sự liều lĩnh ngày nào của những tướng lĩnh FPT đã được đền đáp, cùng hàng loạt thành công của FPT ở nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 2014, FPT là công ty công nghệ thông tin đầu tiên của Việt Nam “dám” mua 1 công ty công nghệ của Slovakia.

Tại Campuchia, FPT đứng vị trí số 1 về cung cấp dịch vụ viễn thông. Tại Myanmar, FPT là doanh nghiệp viễn thông nước ngoài đầu tiên được nhận giấp phép triển khai hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông... Tính đến 2016, FPT đã có chi nhánh tại 20 quốc gia trên toàn cầu.

Tiên phong trong cuộc cách mạng số

Ông Trương Gia Bình nhận định, cuộc cách mạng số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. FPT đã sẵn sàng nắm bắt cơ hội này với triết lý “cùng tiên phong trong cuộc cách mạng số”.

Chủ tịch Trương Gia Bình kể chuyện FPT “xuất tướng” ảnh 3

Tại Mỹ, FPT đã được General Electric (GE) - Tập đoàn đứng thứ 26 trong danh sách Fotune Global 500 với doanh thu trên 140 tỷ USD, công nhận là đối tác khu vực trong lĩnh vực Industrial Internet (thuật ngữ riêng của GE về Industrial IoT - IIoT).

Theo đó, FPT sẽ cùng hợp tác với GE Digital (đơn vị thành viên của GE, chuyên tập trung vào Digital - kỹ thuật số) đưa IIoT và nền tảng công nghệ GE Predix của GE vào các thị trường mang tính chiến lược, trước mắt là Nhật Bản và tiếp theo là các thị trường mà FPT có vị thế lớn.

FPT cũng đã xây dựng được năng lực cung cấp giải pháp, dịch vụ theo lĩnh vực chuyên sâu. Cụ thể, trong lĩnh vực sản xuất ô tô tự lái  (automotive), FPT đã xây dựng được một đội ngũ 1.000 người. FPT cung cấp dịch vụ liên quan đến hệ thống thông tin giải trí trong ô tô và hỗ trợ lái xe tự động cho một số khách hàng tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức.

Hiện FPT cũng đã được Amazon Web Services trao chứng nhận, dành riêng cho công ty có 200 chứng chỉ AWS trở lên (AWS Partner Network Certification Distinction). Với một nguồn lực đông đảo các kiến trúc sư giải pháp được chứng nhận bởi AWS, FPT có thể chủ động giúp khách hàng chuyển đổi hệ thống công nghệ thông tin lên nền tảng công nghệ điện toán đám mây của AWS với độ bảo mật cao, nhanh chóng và tốc độ xử lý ổn định.

FPT đang hợp tác với AWS trong 6 mảng công việc gồm: giải pháp SAP, giải pháp Oracle, giải pháp Microsoft, công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), IoT (Internet of Things) và giải pháp cho khách hàng trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh (FMCG) – eMobiz của FPT Software.

Ông Bình cho biết, vào năm 2020, FPT kỳ vọng doanh thu từ thị trường nước ngoài chiếm 30%, mức tăng trưởng doanh thu từ các dịch vụ số hóa cho khách hàng bình quân trên 70% mỗi năm. Tham vọng của FPT với chiến lược toàn cầu hóa là rất lớn. Tại thị trường các nước phát triển, FPT có thể cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn lớn trên thế giới ở những thị trường lớn như Mỹ hay châu Âu.

Tại thị trường các nước đang phát triển như Nam Á, Myanmar… FPT sẽ tiếp tục mang những giải pháp đã thành công ở Việt Nam sang nước bạn, để tiếp tục đấu thầu những dự án lớn giá trị hàng chục triệu USD, tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ từ thị trường các nước đang phát triển trong mảng dịch vụ viễn thông và giải pháp công nghệ thông tin.

“FPT đang từng bước làm chủ một số công nghệ lõi của cuộc cách mạng số như Cloud, Big Data, IoT, đồng thời tham gia sâu hơn vào quá trình chuyển đổi công nghệ số cho các tập đoàn hàng đầu trên thế giới. Bên cạnh đó, với vai trò là công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam, FPT sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào cuộc cách mạng số này”, người đứng đầu FPT khẳng định.  

Theo Gartner, thị trường ủy thác dịch vụ phần mềm toàn cầu (IT Outsourcing) có quy mô khoảng 274 tỷ USD. Trong đó, Nhật Bản và Mỹ có quy mô tương ứng 28 tỷ USD và 107 tỷ USD. Tại các quốc gia đang phát triển như Bangladesh, Campuchia hay Myanmar, đang có nhu cầu rất lớn về ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ phát triển kinh tế quốc gia, nhưng hầu như chưa có công ty công nghệ thông tin nội địa nào đủ lớn để phát triển hệ thống công nghệ thông tin quy mô lớn.

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục