Liên quan đến nguyên nhân giá cổ phiếu TIG thấp (chốt phiên giao dịch ngày 25/9 có giá 3.700 đồng/cổ phiếu), ông Long cho hay, do lãnh đạo tập trung kinh doanh, không để ý đến giá cổ phiếu, đồng thời, TIG thiếu các nhà đầu tư tổ chức, dài hạn, mà đa phần là nhà đầu tư nhỏ lướt sóng.
Ngoài ra, ảnh hưởng chung thị trường bởi giai đoạn giảm giá của nhiều cổ phiếu đầu cơ, cũng khiến cho giá cổ phiếu TIG rơi dần.
“Lãnh đạo không thể đứng ra mua đỡ giá cổ phiếu khi nhận thấy chưa đúng thời điểm để đảm bảo khả năng sinh lời. Chúng tôi nỗ lực kinh doanh hiệu quả để hỗ trợ cho giá cổ phiếu tăng trưởng bền vững…”, ông Long nói.
Hé lộ kết quả kinh doanh quý III/2019, lãnh đạo TIG cho hay, dự kiến trong kỳ TIG đạt 80 tỷ đồng doanh thu, 23 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tuy lợi nhuận 9 tháng mới đạt hơn 50% so với kế hoạch đề ra, nhưng TIG dự báo sẽ hoàn thành mục tiêu lợi nhuận đề ra cho năm nay.
Trong đó, doanh thu và lợi nhuận chủ yếu đến từ mảng kinh doanh bất động sản, mà trọng tâm là dự án Vườn Vua, một phần đến từ dự án Khu nhà vườn liền kề TIG Đại Mỗ và mảng kinh doanh hàng điện gia dụng. Diện tích Dự án Vườn Vua và khu vực khoáng nóng Thanh Thuỷ, Phú Thọ đã tăng từ 85 ha lên hơn 100 ha thông qua phương thức mua đất của dân.
Trả lời câu hỏi vì sao tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của TIG những năm trước thiếu ổn định, ông Long cho biết điều này xuất phát từ đặc thù hoạt động của một công ty đầu tư. Khi rơi vào giai đoạn triển khai dự án, có khi phải mất 2-3 năm mới có doanh thu, nhưng khi có doanh thu thì tương đối ổn định; và khi có lợi nhuận lại triển khai dự án khác, nên đương nhiên ảnh hưởng đến tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.
Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo cũng trả lời thắc mắc về việc nhiều dự án bất động sản triển khai chậm, gồm cả cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhất là các biến động về cơ chế, chính sách, khiến cho thủ tục triển khai dự án phải thay đổi nên mất khá nhiều thời gian.
Về vấn đề vốn đầu tư cho hai dự án điện gió mà TIG đang có kế hoạch triển khai ở Quảng Trị là Dự án Nhà máy điện gió Thăng Long Hướng Sơn 1 và Nhà máy điện gió Thăng Long Hướng Sơn 2 có tổng vốn đầu tư lên tới hơn 4.000 tỷ đồng, ông Long cho biết, Công ty không gặp nhiều khó khăn về thu xếp vốn.
Theo ông Long, vì đặc thù của lĩnh vực đầu tư này là các đơn vị cung cấp thiết bị đã cơ bản hỗ trợ kinh phí mua sắm thiết bị lắp đặt, đồng thời các ngân hàng sẵn sàng cho vay vốn, nên TIG chỉ phải thu xếp một lượng vốn đối ứng không nhiều.
Để có nguồn vốn đối ứng này, TIG đã làm việc với công ty chứng khoán tư vấn phương án phát hành 350 tỷ đồng trái phiếu. Tuy nhiên, do lãi suất huy động lên khoảng 12- 13% là khá cao, nên TIG chưa triển khai phát hành, mà vẫn đang sử dụng các nguồn vốn có chi phí rẻ hơn. TIG sẽ thực hiện huy động vốn trái phiếu và vay khi đến thời điểm cần sử dụng.
“Hiện thủ tục triển khai hai dự án đã hoàn thành 70-80%, nên dự kiến năm 2020 sẽ thi công, để đưa vào vận hành trong năm 2021 - 2022…”, ông Long nói. Thời gian qua việc triển khai dự án chỉ gặp vướng mắc về quy hoạch của ngành điện, nay đã được tháo gỡ.