Chủ tịch Thiên Minh Group: Mở cửa cho ngành du lịch sau Covid-19 cần tránh quyết định “mì ăn liền”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Chủ tịch Thiên Minh Group, chính phủ cần có một lộ trình mở cửa rõ ràng dựa trên những hiểu biết tốt nhất mà Việt Nam có được, cùng những bài học kinh nghiệm từ các nước trong khu vực và thế giới
Ảnh Lê Toàn Ảnh Lê Toàn

“Trong vòng 3 tháng qua, hầu như Việt Nam không còn hoạt động du lịch. Doanh thu dự kiến của Tập đoàn Thiên Minh vào năm 2020 là 3.000 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận khoảng 300 tỷ đồng, nhưng do ảnh hưởng sâu rộng của đại dịch, doanh thu thực tế sụt giảm còn có 656 tỷ đồng và lỗ gần 350 tỷ đồng. Số nhân viên cũng giảm từ 2.000 người xuống còn 1.300 người ở thời điểm hiện tại”, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Thiên Minh Group chia sẻ tại Chương trình Talkshow Nguy cơ tập 18 - Du lịch Việt Nam khi nào phục hồi? tổ chức ngày 28/10.

Ông Kiên nhận định, cơn “đại hồng thủy” Covid-19 càn quét trong 2 năm vừa qua đã để lại cảnh “hoang tàn” chưa từng có trong vòng 50 năm phát triển của ngành du lịch.

Ngành du lịch thế giới sụt giảm tối thiểu đến 80% trong thời gian vừa qua, hàng trăm triệu người lao động bị mất việc làm. Việc hạn chế đi lại đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng tỷ người dân toàn cầu. Đây cũng là lần đầu tiên ông Kiên chứng kiến sự sụt giảm về doanh thu và số người lao động trong suốt gần 27 năm phát triển của Tập đoàn Thiên Minh. Tuy nhiên, trong khó khăn lớn nhất lịch sử, ông Kiên không hề từ bỏ hy vọng.

Ông cho biết, Tập đoàn Thiên Minh đã sớm chuẩn bị 4 trụ cột để đối phó với khủng hoảng khi đại dịch vừa mới tràn vào Việt Nam. Cụ thể, đảm bảo sự an toàn cho toàn bộ khách hàng, nhân viên và cộng đồng; Giảm chi phí lược bỏ các kế hoạch không khả thi trong giai đoạn 24 tháng tới; Quản lý dòng tiền đảm bảo dòng tiền lâu dài để trả lương; Tìm nguồn doanh còn lại chuyển hướng đầu tư vào thị trường nội địa...

Để có thể sớm đưa ngành du lịch Việt Nam trở lại đường đua, Chủ tịch Thiên Minh Group nêu ý kiến, Chính phủ cần có một lộ trình mở cửa rõ ràng dựa trên những hiểu biết tốt nhất mà Việt Nam có được, cùng những bài học kinh nghiệm từ các nước trong khu vực và thế giới. Qua đó, các doanh nghiệp cần chuẩn bị hành trang sẵn sàng để có thể mở cửa được trong thời gian tới. Hiện tại, Việt Nam có điều kiện tương đối cao về mặt vận hành nhưng vẫn chưa sẵn sàng về chính sách cũng như truyền thông.

Ảnh tác giả

Nghị định 138 của Chính phủ vừa ban hành ngày 1/10 sẽ mang “niềm vui Giáng sinh” đến sớm với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, nếu các thông tin về việc mở cửa trở lại được công bố sớm thì doanh nghiệp Việt sẽ có nhiều thời gian chuẩn bị hơn là quyết định “mì ăn liền” nay thông báo, mai mở cửa

Ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch Thiên Minh Group

Bên cạnh các tiềm năng nội tại, Việt Nam cũng có thể học hỏi từ các khuyến cáo của tổ chức như Liên Hiệp quốc, các nước châu Âu, Anh, Mỹ và đặc biệt là Singapore và Thái Lan. Theo đó, quan trọng nhất là vai trò chủ trì của Chính phủ, phải có tổ công tác đặc biệt.

Tiếp theo, vấn đề dịch tễ là một trong những điều kiện tiên quyết đánh giá mức độ an toàn để mở cửa. Cuối cùng, phải có nền tảng tiêm chủng tốt, tỷ lệ tiêm chủng trên 70% thì các nước nói trên mới mở cửa.

Một bài học khác mà Việt Nam có thể học hỏi từ Singapore là năng lực xử lý sự cố về y tế như số bệnh viện, số giường ICU, lượng oxy, độ sẵn sàng. Cụ thể, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ Singapore đã đưa ra nhiều biện pháp trợ giúp doanh nghiệp, nhất là trong ngành du lịch như mở các khoản vay giải cứu từ 1 - 5 triệu SGD, hỗ trợ đến 30% tiền thuê mặt bằng tư nhân, miễn phí thuê mặt bằng do nhà nước sở hữu hoặc quản lý, hỗ trợ lương thông qua các chương trình hỗ trợ việc làm và tiền lương…

Thêm vào đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần cập nhật thông tin sớm, đầy đủ, chính xác và giao tiếp thường xuyên với các thị trường đối tác. Ông Trần Trọng Kiên nêu ví dụ về việc các doanh nghiệp Singapore gửi thông tin cho tất cả các đối tác vẫn còn hoạt động, một tuần một lần, để cập nhật tình hình về chính sách cũng như các thay đổi.

Theo chiến lược mới, phát triển bền vững là tiền đề cực kỳ quan trọng cho phát triển tương lai. Tuy nhiên, ông Trần Trọng Kiên cũng lưu ý: “Tùy theo từng giai đoạn phát triển, có những sản phẩm của Việt Nam chưa đủ bền vững, chưa tuân thủ các quy định về 4 trụ cột về môi trường, bảo tồn, người dân địa phương và biến đổi khí hậu - trái đất”.

Do đó, theo ông Kiên, Chính phủ cần có những chính sách khuyến khích hoặc những điều kiện cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai hoạt động du lịch bền vững. Singapore là một ví dụ trong việc Chính phủ khuyến khích và chế tài rất cao để buộc tất cả các doanh nghiệp tham gia vào ngành du lịch một cách bền vững và hệ thống nhất.…

Ông Trần Trọng Kiên nhận định, Việt Nam, Nhật Bản và Singapore là 3 nước sẽ có sự phục hồi tốt nhất trong năm 2022. Để có được cơ hội này, Việt Nam cần đầu tư vào 2 việc: chính sách của Chính phủ và sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp trong ngành du lịch Việt Nam. Ông hy vọng năm 2022 sẽ là cột mốc đánh dấu sự “trở lại và lợi hại hơn xưa” của ngành du lịch Việt Nam và chúng ta sẽ nằm trong Top 50 các quốc gia có năng lực cạnh tranh lớn nhất thế giới.

Mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết lộ trình mở cửa đón khách quốc tế đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ. Việc đón khách quốc tế dự kiến được triển khai vào tháng 11 tới, kéo dài từ 3-6 tháng. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả việc thí điểm sẽ triển khai thêm một số địa phương khác trên cả nước.

Đối tượng khách quốc tế sẽ đi theo hình thức "hộ chiếu vắc-xin", phải hoàn thành việc tiêm chủng, test RT-PCR…; tham gia du lịch trọn gói với các chuyến bay thuê bao tới Việt Nam. Ngành du lịch đề xuất ưu tiên đón khách ở những thị trường tiềm năng đối với du lịch và có độ an toàn cao về phòng chống dịch Covid-19 như Đông Bắc Á, châu Âu, Mỹ, Trung Đông, châu Úc...


Ngọc Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục