Cụ thể, trong báo cáo tài chính 2 năm vừa qua của mình, Tesco đã khai tăng lợi nhuận ảo lên thêm 263 triệu bảng Anh (423 triệu USD). Cho dù Tập đoàn kiểm toán PricewaterhouseCooper (được Tesco thuê thực hiện kiểm toán độc lập) đã phát hiện ra và lưu ý đến số liệu này, song bộ phận kiểm toán nội bộ của Tesco vẫn khẳng định là “không có vấn đề gì”.
Sự việc chỉ vỡ lỡ khi cơ quan kiểm soát về tài chính của Chính phủ Anh (Financial Conduct Authority - FCD) vào cuộc, phát hiện ra những điều bất thường và Công ty kiểm toán Deloite (được FCD thuê) sau khi kiểm toán lại đã kết luận là Tesco cố ý “xào xáo” sổ sách, khai khống thêm lợi nhuận 263 triệu bảng Anh. Đây được coi là vụ bê bối nghiêm trọng nhất trong 95 năm tồn tại của Tập đoàn.
Ngay sau đó, 8 nhà quản lý của Tesco có liên quan trực tiếp đến sai phạm này đã bị tạm đình chỉ công tác để làm rõ trách nhiệm, trong đó có Chris Bush, Giám đốc điều hành (CEO) Chi nhánh Tesco tại Anh.
Là Chủ tịch Tesco, ông Richard Broadbent chắc chắn phải biết rõ vụ việc, thậm chí có ý kiến còn cho rằng, ông là người “đầu trò” vụ này. Điều đáng nói là, trong nhiều tháng qua, chức CEO ở Tesco bị khuyết, nên người chịu trách nhiệm chính không ai khác chính là ông.
Nhiều nhà phân tích nhận xét, động cơ dẫn đến việc Tesco “làm đẹp” sổ sách kế toán chủ yếu là để trấn an các cổ đông đang rất bất bình trước tình trạng lợi nhuận giảm trong nhiều năm qua (lợi nhuận thuần năm 2013 của Tesco chỉ đạt hơn 120 triệu bảng Anh, giảm tới 95,7% so với năm 2012, mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua); thị phần tại thị trường nội địa bị co hẹp lại, kèm theo giá cổ phiếu liên tục trượt dốc… Trong vòng 5 năm qua, do giá cổ phiếu của Tesco giảm mạnh, nên giá trị vốn hoá thị trường của Tập đoàn này “bốc hơi” khoảng 17 tỷ bảng Anh, trong đó riêng từ đầu năm đến nay là 4 tỷ bảng Anh.
Theo số liệu khảo sát điều tra của Kantar Worldpanel, hiện Tesco chiếm 28,6% thị phần của thị trường Anh, giảm so với con số 30,2% năm 2013, song vẫn ở vị trí số 1. Tiếp theo là Asda nắm 17,4% thị phần; Sainsburys nắm 16,5%; Morrison chiếm 11,1%.
Ngay sau khi thông tin ông Richard Broadbent xin từ chức được loan báo, tại Sở GDCK London, giá cổ phiếu của Tesco giảm tới 6,5% xuống còn 1,71 bảng Anh/cổ phiếu, mức thấp nhất trong vòng 11 năm trở lại đây.
Sau khi đệ đơn từ chức, ông Richard Broadbent đã phát biểu rất ngắn gọn rằng: “Tôi rất lấy làm tiếc về vụ việc này. Song tôi khẳng định chắc chắn là, xét về mặt cá nhân, không một ai ở Tesco được hưởng lợi về tài chính từ sai sót này”. Tính ra, ông chỉ ngồi ở chiếc ghế Chủ tịch Tesco đúng được gần 3 năm (từ tháng 11/2011).
Tuy mất chức Chủ tịch, song thời điểm ông chính thức rời khỏi Tập đoàn vẫn chưa được ấn định cụ thể. Nhiều khả năng sẽ vào đầu năm 2015. Sở dĩ ông chưa thể đi ngay vì còn liên quan đến việc thoả thuận khoản tiền đền bù (tổng trị giá lên tới hàng triệu bảng Anh) không chỉ với riêng ông, mà cả với ông Philip Clarke rời chức CEO vào tháng 7/2014 và Laurie McIlwee cũng mất chức CFO vào tháng 4/2014.
Hơn nữa, ông Dave Lewis, 49 tuổi, CEO Tesco vừa mới “chân ướt, chân ráo” từ Tập đoàn Unilever (Anh - Hà Lan) về lãnh đạo Tesco từ đầu tháng 10/2014 nên cần có thời gian để làm quen công việc. Từ ngày 1/12/2014, ông Alan Stewart, nguyên Giám đốc Tài chính (CFO) của Marks & Spencer, tập đoàn bán lẻ lớn của Anh cũng sẽ bắt đầu chính thức làm CFO cho Tesco. Ban lãnh đạo Tesco và các cổ đông đều kỳ vọng, 2 vị lãnh đạo chủ chốt mới trên sẽ là nhân tố mới, tạo luồng sinh khí mới có thể làm xoay chuyển tình hình kinh doanh khá bết bát của Tesco trong nhiều năm gần đây.
Ông Phil Dorrell, Giám đốc Công ty nghiên cứu về bán lẻ Retail Remedy có trụ sở ở London (Anh) nhận định: “Tesco phải làm lại từ đầu. Ban lãnh đạo mới đang có cơ hội hiếm có để thực hiện cuộc cải tổ triệt để, toàn diện nhằm cứu vớt thương hiệu Tesco”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để cải thiện tình hình kinh doanh ở ngay thị trường Anh, Tesco cần khoảng 3 tỷ bảng Anh. Do đã túng về tiền mặt, nên nhiều khả năng, lãnh đạo mới của Tesco sẽ tính đến chuyện bán đứt toàn bộ các chi nhánh tại khu vực châu Á, chủ yếu tại Hàn Quốc, Thái Lan và Malaysia, với giá trị ước trong khoảng từ 8 đến 10 tỷ bảng Anh.
Tesco hiện có gần 600.000 nhân viên làm việc tại 6.784 cửa hàng, siêu thị tại 12 quốc gia ở châu Âu, châu Á.