Như vậy sau 24 năm hình thành và phát triển, 13 năm kể từ khi cổ phần hoá, Lộc Trời đã chính thức bước vào cuộc chơi mới với sứ mệnh mang lại lợi ích cho cả người dân, cho doanh nghiệp và cả xã hội.
Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, người đã sáng lập và gắn bó với công ty từ những ngày đầu, về định hướng phát triển của công ty trong thời gian tới.
Trước đây nhà đầu tư đã rất ấn tượng với tên Bảo vệ thực vật An Giang, đến năm 2015 Tập đoàn quyết định đổi tên thành Lộc Trời. Xin hỏi, tại sao ông lại chọn cái tên này và mũi nhọn của Tập đoàn trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Quá trình đi lên của Lộc Trời xuất phát từ một đơn vị nhỏ, phát triển theo chiến lược phục vụ nhu cầu của nông dân theo hướng tự phát, dân thích gì mình đáp ứng cái đó.
Có thể nói, chiến lược phát triển theo chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững hiện nay là kết tinh của quá trình phát triển từ “tự phát” sang “tự giác” ở giai đoạn cao.
Tức là, hoạch định chiến lược để không chỉ đáp ứng nhu cầu của người nông dân, mà còn dẫn dắt nông dân làm bạn đồng hành, mục tiêu cuối cùng là mang lại lợi ích bền vững cho cả các bên: nông dân, doanh nghiệp và xã hội.
Vì vậy, việc đổi tên doanh nghiệp thành Lộc Trời là tất yếu. Bởi nội hàm cái tên Bảo vệ thực vật An Giang chỉ là một phần của chiến lược mới.
Chúng tôi xây dựng và hoàn thiện cả chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, bao gồm cả thương mại nông sản và sản phẩm giá trị gia tăng, chứ không chỉ quan tâm tới sản xuất vật tư nông nghiệp.
Tại sao chúng tôi lại chọn tên Lộc Trời? Bảo vệ thực vật An Giang từ nông dân mà ra, nhờ nông dân và xã hội mà phát triển. Do vậy, Lộc Trời có trách nhiệm phục vụ lại cho xã hội. Lộc là phần mình được hưởng, Trời có nghĩa là dân.
Ông bà mình dạy: "Lòng dân ý trời, ý dân lòng trời", mang ý nghĩa nhắc nhở mình ăn lộc của dân, biết ơn dân và tìm cách trả lại cho dân. Chúng tôi tâm niệm, lợi ích của Lộc Trời gắn với lợi ích của dân. Chúng tôi hy vọng mọi người sẽ thấu hiểu, chia sẻ và ủng hộ chúng tôi.
Còn mũi nhọn của chúng tôi trong thời gian tới? Sứ mệnh tối thượng của chúng tôi là cung cấp nông sản an toàn và chất lượng, góp phần thúc đẩy chuyển hoá sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.
Do vậy, sản xuất và cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, phát triển bộ sản phẩm dinh dưỡng cây trồng theo hướng hữu cơ sinh học vẫn là một trong ba mũi nhọn của tập đoàn.
Chúng tôi tiếp tục đa dạng hoá bộ sản phẩm trên nhiều đối tượng cây trồng, mở rộng địa bàn, hợp tác với nhiều đối tác bằng nhiều hình thức, kể cả mua bán, sáp nhập.
Với định hướng chuyển từ "tự phát" phục vụ những gì nông dân cần, sang hướng dẫn dắt người nông dân, liệu ông còn đồng hành với chiến lược "3 cùng" với người nông dân không?
Chiến lược “3 Cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) chính là đỉnh cao của khát vọng đồng hành với người nông dân. Chúng tôi hiện có hơn 1.200 “sứ giả” là những kỹ sư trẻ của Lộc Trời hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân ngay trên đồng ruộng. Chúng tôi được dân thương, tin tưởng và ủng hộ nhiều cũng nhờ điều này.
Có thể nói, chúng tôi đã góp phần thay đổi tập quán sản xuất, canh tác của người nông dân.
Lộc Trời hiện là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam triển khai mô hình sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn quốc tế của SRP (Diễn đàn lúa gạo bền vững quốc tế do Uỷ ban môi trường của Liên Hợp Quốc và Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế thành lập).
Bằng cách này, chúng tôi tin rằng sẽ góp phần nâng cao thương hiệu của gạo Việt Nam trên bản đồ lúa gạo quốc tế. Từ đó, mang lại thu nhập xứng đáng cho người nông dân, cho doanh nghiệp.
Xu hướng hiện nay người ta nói nhiều đến organic, là đơn vị cung cấp thuốc bảo vệ thực vật, trong thời gian tới, Lộc Trời làm cách nào để tăng thị phần lên 30% hoặc có bị ảnh hưởng về organic như vậy không?
Thế nào là organic? Ngoài mức độ khả thi, quy mô thực hiện, còn phải trông cậy rất nhiều vào nghiên cứu của các nhà khoa học.
Về phần mình, Lộc Trời cũng không ngừng tìm kiếm và phát triển bộ sản phẩm theo hướng hữu cơ sinh học.
Chúng tôi hiện đang hợp tác với những tập đoàn hàng đầu trong lãnh vực nghiên cứu, sản xuất và cung ứng sản phẩm hữu cơ, vi sinh cho sản xuất nông nghiệp.
Mỗi năm Lộc Trời dành một khoản ngân sách cho chương trình nghiên cứu giống, giải pháp canh tác, các giải pháp vật lý kết hợp sinh học và cơ giới nhằm sản xuất nông sản chất lượng, an toàn và bảo vệ môi trường.
Trong lộ trình này, sản phẩm của chúng tôi đã và đang đáp ứng chỉ tiêu gắt gao về an toàn thực phẩm của hơn 36 nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, Nhật…
Có thể nói, organic cũng chính là định hướng phát triển chiến lược của Lộc Trời, là cơ hội để sản phẩm chúng tôi đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Còn làm gì để ngành nông dược phát triển thị phần lên 30%? Chúng tôi và đối tác chính Syngenta (tập đoàn nông dược lớn nhất thế giới) đang cùng xây dựng chiến luợc để thích ứng giai đoạn mới, tái cấu trúc mô thức kinh doanh cũ.
Như trên đã nói, chúng tôi mở rộng thị trường, đa dạng sản phẩm và cây trồng, mở rộng quan hệ hợp tác, liên doanh liên kết. Chúng tôi tiếp tục củng cố và mở rộng hệ thống phân phối.
Hiện nay, có nhiều đối tác lớn như VinEco, Hoàng Anh Gia Lai… tìm đến Lộc Trời đề nghị chúng tôi giúp họ cung cấp dịch vụ và sản phẩm bảo vệ cây trồng trên quy mô lớn.
3 năm qua nhà đầu tư nhận thấy lợi nhuận của Lộc Trời bị giảm, liệu giai đoạn tái cấu trúc Tập đoàn đã kết thúc chưa và tại sao ông lại chọn thời điểm này để niêm yết?
Trong vòng 10 năm qua (2006-2016), Lộc Trời đã có tốc độ tăng trưởng rất tốt, bình quân cho cả chu kỳ tăng trưởng 13,66% doanh thu và 18,14% lợi nhuận mỗi năm. Tuy nhiên, từ năm 2014 Lộc Trời chủ động đi chậm lại để khắc phục điểm yếu của mình.
Chúng tôi nhìn nhận lại những lỗ hổng về quản trị nội tại mà một thời gian dài mình đã bỏ qua do chỉ tập trung tăng trưởng.
Thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt, đòi hỏi Lộc Trời phải có những thay đổi lớn nếu muốn giữ vững vị thế dẫn đầu. Chúng tôi tiến hành tái cấu trúc và đã hoàn thành giai đoạn 1.
Chúng tôi chọn lên sàn vào thời điểm này trước hết là tuân thủ luật định, nâng cao tính chuẩn mực của quản trị doanh nghiệp, tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu, và sau đó là tiếp cận nhanh chóng với các kênh huy động vốn dài hạn.
Như vậy, liệu nhà đầu tư có thể kỳ vọng gì vào giai đoạn tới của Lộc Trời, thưa ông?
Như tôi đã nói ở trên, 3 năm vừa qua Lộc Trời đã xem xét, giải quyết những vấn đề phát sinh, nên tái cấu trúc để tiếp tục phát triển.
Chúng tôi đã kết thúc giai đoạn đầu tư ngành sản xuất lương thực và mảng này bắt đầu tăng trưởng trở lại.
Tháng 5 vừa rồi, chúng tôi đã ký kết hợp tác với Công ty TNHH Phát triển Khoa học Viên Thị Hồ Nam của Trung Quốc để thành lập Công ty Liên doanh Giống và Thương mại Nông sản, mở đường cho các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của Việt Nam tiếp cận với thị trường đầy tiềm năng này.
Bên cạnh đó, Lộc Trời cũng kết hợp với các đối tác như Thaco để đẩy mạnh công nghiệp hoá nông thôn, giúp “Văn minh hóa nông thôn, trí thức hóa đội ngũ nông thôn”.
Cùng với một số dự án chưa tiện công bố ở đây, chắc chắn Lộc Trời sẽ có những bước tiến ngoạn mục trong kết quả sản xuất kinh doanh sắp tới.
Trong 5 năm nữa, chúng tôi sẽ trở thành tập đoàn nông nghiệp hàng đầu tại Việt Nam với vốn hoá đạt 1 tỷ USD.
Chúng tôi là người tiên phong xây dựng, phát triển và hoàn thiện chuỗi giá trị nông nghiệp, cung cấp những sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng.
Chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ tạo ra thương hiệu gạo ngon số 1 thế giới, xây dựng chuỗi giá trị sản xuất cà phê và phát triển thêm các giống rau màu trước đây chưa phải là thế mạnh của Lộc Trời.
Bằng cách này, cuộc sống của người nông dân Việt Nam sẽ được cải thiện, và chúng tôi góp phần thúc đẩy chuyển hoá nền sản xuất nông nghiệp trong nước theo hướng bền vững.
Ở thời điểm 2017 nhà nhà làm nông nghiệp, sau 24 năm xây dựng Lộc Trời nhìn lại, ông thấy đầu tư nông nghiệp có dễ không?
Từ khá lâu rồi, rất nhiều người hỏi tôi tại sao lại chọn nông nghiệp, ngành có biên lợi nhuận thấp, rủi ro nhiều, lại luôn tiếp xúc với đối tượng người nghèo nên đôi khi sinh việc không vui (?). Nhưng mỗi người có một sứ mạng và đó là lẽ sống.
Lẽ sống của Lộc Trời từ khi sinh ra đã gắn liền với người nông dân. Và bạn thấy đó, cùng với chúng tôi, hiện nay, người nông dân đã khác xưa rất nhiều. Nông dân khi đã chịu học thì học rất nhanh.
“Hai Lúa” trong vùng nguyên liệu của chúng tôi ngày nay đã biết sản xuất lúa gạo, trái cây theo tiêu chuẩn lúa gạo bền vững quốc tế. Họ tham gia chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” của chúng tôi nhiều năm nay với ý thức tự giác rất cao.
Với cách làm này, chúng tôi đang nỗ lực lấy lại “thể diện” cho nông sản Việt.
Qua đó, hy vọng sẽ góp phần làm tăng biên lợi nhuận của ngành nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân. Muốn có quả tốt thì trước hết phải có cái nhân tốt. Lộc Trời rất tự hào và hạnh phúc khi được làm “nhân” vậy.