Chủ tịch Standard Chartered Bank: Đặt niềm tin lớn vào triển vọng kinh tế Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)“Tôi có niềm tin rất lớn vào triển vọng trung hạn của nền kinh tế Việt Nam, dù rằng trong ngắn hạn Việt Nam còn đối mặt một số thách thức liên quan đến tỷ giá hối đoái, lạm phát và một số biến động địa chính trị quốc tế gần đây”. Đó là chia sẻ của ông José Viñals, Chủ tịch Tập đoàn, Ngân hàng Standard Chartered trong chuyến thăm chính thức Việt Nam. Hồng Dung ghi nhận.
Ông José Viñals, Chủ tịch Tập đoàn, Ngân hàng Standard Chartered. Ông José Viñals, Chủ tịch Tập đoàn, Ngân hàng Standard Chartered.

Ông có nhận định gì về triển vọng các nền kinh tế châu Á mới nổi và câu chuyện tài chính khí hậu?

Thứ nhất, chúng ta đang trong một triển vọng tốt khi kinh tế toàn cầu năm 2024 được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 3% và các nền kinh tế châu Á mới nổi được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 5%. Điều này cho thấy hai điều: thứ nhất, tốc độ tăng trưởng cao hơn; thứ hai, kinh tế toàn cầu đang ngày càng xoay trục về phía châu Á, hay nói cách khác, châu Á sẽ tiếp tục là trung tâm của tăng trưởng toàn cầu trong nhiều năm và thập kỷ tới.

Một xu hướng phát triển rất thú vị đã xảy ra ở châu Á là vài năm trước đây, châu Á chỉ có câu chuyện về Trung Quốc nhưng bây giờ không còn mỗi trường hợp đó nữa.

Châu Á vẫn nổi bật câu chuyện về Trung Quốc bởi quy mô khổng lồ của nước này, với tốc độ tăng trưởng vẫn tốt khoảng 5%, nhưng chúng ta cũng có câu chuyện về Ấn Độ - nền kinh tế khác trong khu vực có tốc độ tăng trưởng rất đáng kể, khoảng 7%.

Và còn có thêm câu chuyện của ASEAN, bởi nếu ASEAN là một nền kinh tế duy nhất, sẽ là nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới; bên cạnh đó, lại có tiềm năng tăng trưởng trung hạn rất đáng kể.

Vì vậy, hiện tại có ít nhất ba động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng ở châu Á đang nổi lên. Tôi cho rằng, điều này mang lại nhiều sự ổn định hơn. Tôi cũng thấy có rất nhiều cơ hội đáng kể ở châu Á khi tại Standard Chartered, 70% thu nhập và lợi nhuận được tạo ra ở khu vực này. Vì vậy, điều này cũng rất tuyệt vời đối với chúng tôi.

Thứ hai, câu chuyện tài chính khí hậu. Tài chính khí hậu là vấn đề tồn tại của thế giới vì chiến đấu chống lại biến đổi khí hậu là vấn đề tồn tại hay không tồn tại. Standard Chartered cam kết cung cấp tài trợ tài chính bền vững lên tới 300 tỷ USD tới năm 2030.

Điều này có nghĩa, Standard Chartered sẽ huy động khoảng 30 tỷ USD mỗi năm. Và việc này này khó đến mức nào? Nếu nhìn vào các năm 2021, 2022 và 2023, Standard Chartered đã huy động trung bình 30 tỷ USD mỗi năm, nghĩa là chúng tôi đã thành công. Nếu chúng tôi có thể làm được, người khác cũng có thể làm được.

Câu hỏi tiếp theo có lẽ là bí quyết thành công trong việc huy động là gì? Tôi muốn chia sẻ là, trước hết Standard Chartered khẳng định rất rõ ràng trách nhiệm đóng góp vào việc tài trợ tài chính cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, cả về mặt giảm thiểu và thích ứng. Standard Chartered làm điều đó thông qua cam kết tài chính đã được đề cập và đang thực hiện.

Tiếp theo, bằng cách làm việc chặt chẽ (24/7) với khách hàng của chúng tôi và cùng với đó là một loạt sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ khách hàng trong quá trình chuyển đổi và giảm khí thải các-bon, cùng với đội ngũ nhân viên có chuyên môn nghiệp vụ và tính chuyên nghiệp cao. Điều này có nghĩa, chúng tôi cung cấp tài chính, cung cấp kiến thức và làm việc với khách hàng để cùng tiến lên.

Trong trường hợp của Việt Nam, Standard Chartered là ngân hàng hàng đầu trong việc phối hợp hỗ trợ của Liên minh tài chính Glasgow cho Net Zero. Ngoài ra, Standard Chartered đã ký các biên bản ghi nhớ với Chính phủ Việt Nam để hỗ trợ 11,5 tỷ USD cho quá trình chuyển đổi sang Net Zero ở Việt Nam. Chúng tôi không chỉ nói suông mà còn hành động thực tế.

Về triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, ông có bình luận gì?

Dù thế giới có phức tạp đến đâu, tôi nghĩ rằng kinh tế Việt Nam năm 2024 sẽ tốt hơn năm 2023. Năm 2023, Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng khoảng 5%. Trong nửa cuối năm 2024, chúng ta kỳ vọng tăng trưởng sẽ cao hơn 6%, vì vậy, tính chung trong cả năm, Việt Nam sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng 6%.

Tôi cho rằng, Việt Nam có thể và nên đặt mục tiêu cao hơn vì có tiềm năng và sức hút để tăng trưởng nhanh hơn. Nhưng hãy xem xét rằng so với hầu hết các nền kinh tế khác trên thế giới, việc có tỷ lệ tăng trưởng 6% trong năm nay là một tin khá tốt, bởi mức này cao hơn hầu hết các nền kinh tế khác.

Nếu nhìn vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay chỉ cao hơn 3% một chút và với việc Việt Nam có thể đạt 6% là gần như gấp đôi. Không những vậy, nó cũng cao hơn so với các thị trường mới nổi khi các thị trường này dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 4% trong năm nay, trong đó thị trường mới nổi châu Á sẽ tăng trưởng 5%. Vì vậy, Việt Nam vẫn đứng đầu trong “Liên minh tăng trưởng” trên thế giới.

Tôi nghĩ rằng điều này là đáng để vui mừng. Nhưng đừng bao giờ tự mãn vì tăng trưởng giống như cây cối cần được tưới nước và có chính sách tốt mỗi ngày để có nền tảng kinh tế, tài chính tốt, môi trường hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài như hiện nay trong bối cảnh đối mặt với sự cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng.

Nhưng tôi có niềm tin rất lớn vào triển vọng trung hạn của nền kinh tế Việt Nam, dù rằng trong ngắn hạn, Việt Nam còn đối mặt với một số thách thức liên quan đến tỷ giá hối đoái, lạm phát và một số biến động địa chính trị trên thế giới.

Nhưng đó là điều xảy ra ở tất cả các nền kinh tế. Điều quan trọng là duy trì triển vọng và chính sách đúng đắn để tiếp tục làm cho Việt Nam trở thành một nền kinh tế tăng trưởng theo hướng ngày càng bền vững và xanh. Đây là điều vô cùng quan trọng.

Standard Chartered Việt Nam chính thức được chỉ định là tổ chức tư vấn và trực tiếp phối hợp làm việc với Bộ Tài chính trong việc hỗ trợ Chính phủ Việt Nam cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia. Ông có thể cho biết, việc nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia gần đây của Việt Nam lên BB + có ý nghĩa gì?

Khi xếp hạng tín nhiệm tăng lên, quốc gia đó có thể thu hút nhiều hơn dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư danh mục với các điều kiện tốt hơn. Điều này mang lại lợi ích kép cho nền kinh tế Việt Nam - một nền kinh tế mở cửa và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu cần có đầu tư quốc tế để tiếp tục phát triển và tăng trưởng.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, niềm tin là một yếu tố rất quan trọng. Khi các cơ quan xếp hạng cải thiện thứ hạng, đó là dấu hiệu của sự tin tưởng, điều này tác động rất tốt đến các nhà đầu tư. Đó là lý do tại sao việc đưa Việt Nam vào nhóm đầu tư chất lượng cao là rất quan trọng. Chúng tôi đang làm việc rất chặt chẽ và nỗ lực với các cơ quan chức năng Việt Nam để biến điều này thành hiện thực vào năm 2030.

Liên quan đến câu chuyện cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là tại khu công nghiệp cũng như chiến lược ESG của các công ty Việt Nam giữa làn sóng FDI lần thứ tư, ông có lời khuyên gì?

Tôi nghĩ rằng trên thế giới, ESG (môi trường, xã hội và quản trị) đang trở thành một yếu tố ngày càng quan trọng đối với các công ty phải xem xét, hoặc hoàn toàn chấp nhận ESG hoặc sẽ gặp rắc rối. Việt Nam đã hiểu rất rõ vấn đề này và chấp nhận theo dòng chảy ESG để có thể tiếp tục trở thành một nền kinh tế bền vững hơn từng ngày cũng như tiếp tục thu hút đầu tư trực từ tiếp nước ngoài.

Trong bối cảnh đó, chúng tôi đã hợp tác với Chính phủ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Tại COP 26, chúng tôi đã trao 3 biên bản ghi nhớ (MOU) trị giá 8,5 tỷ USD cho các doanh nghiệp Việt Nam để hỗ trợ các dự án phát triển bền vững. Và gần đây, tại COP 28, Standard Chartered đã trao 5 biên bản ghi nhớ trị giá 3 tỷ USD cho 5 doanh nghiệp để hỗ trợ các dự án phát triển bền vững. Như vậy, tổng cộng là 11,5 tỷ USD đã được ký kết và đang thực hiện.

Chúng tôi cũng rất tích cực hợp tác với Chính phủ Việt Nam, không chỉ về mặt môi trường thông qua những vấn đề vừa đề cập, mà còn trong việc phát triển những vấn đề rất quan trọng như thị trường các-bon, tín chỉ các-bon - các khía cạnh khác về môi trường của ESG. Bên cạnh đó là những vấn đề xã hội như đa dạng và hòa nhập, hỗ trợ cộng đồng, cung cấp các khoản vay vi mô và các khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tại Standard Chartered, chúng tôi đã có 17,6 tỷ USD tài sản bền vững được sử dụng để tài trợ cho các vấn đề môi trường và xã hội trên toàn thế giới. Chúng tôi rất tự hào về điều này và khoản tiền trên sẽ còn tiếp tục tăng hơn nữa. Việt Nam là một đối tác rất quan trọng trong việc phát triển hơn nữa trong cam kết này.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục