Chủ tịch SK Group tìm cách thoát hiểm lần thứ hai

(ĐTCK) Cuối tuần qua, SK Group, tập đoàn kinh tế lớn thứ 3 Hàn Quốc (chỉ sau Samsung và Hyundai) đã quyết định thay đổi nhiều vị trí lãnh đạo trong các công ty con thuộc Tập đoàn. Động thái này nhằm củng cố vị thế của SK Group sau một số vụ bê bối xảy ra gần đây.

Cụ thể, ông Kim Se-dae, hiện là Giám đốc phụ trách marketing của SK Network (công ty chuyên cung cấp dịch vụ mạng của Tập đoàn) được bổ nhiệm làm Chủ tịch Sheraton Grande Walkerhill, công ty sở hữu và quản lý hệ thống khách sạn của Tập đoàn; ông Moon Jong-hoon đang đảm nhiệm chức trên được thuyên chuyển sang làm Giám đốc điều hành (CEO) của SK M&C; ông Lee Moon-suk, đang phụ trách mảng phát triển xanh được lên làm CEO SK Chemical. Ông Lee Joo-sik được làm CEO của SK Commmunications...

Tóm lại, đây là đợt bổ nhiệm lãnh đạo có quy mô lớn của SK Group trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, giới phân tích lại nhận xét rằng, dường như ông Chey Tae-won, 51 tuổi, Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn đang tìm cách đánh lạc hướng dư luận, hay ít nhất là phân tán sự chú ý tập trung vào cái án đang lơ lửng trên đầu ông.

Cách đây hơn 2 tuần (vào ngày 29/12/2001), Chey Jae-won, 48 tuổi, Phó chủ tịch SK Group, em trai ông Chey Tae-won đã bị bắt tạm giam, sau khi có đơn tố cáo và bằng chứng cho thấy, hai anh em ông này có hành vi biển thủ tiền công của Tập đoàn. Cụ thể, theo cáo buộc, hai ông đã biển thủ 99,2 tỷ won (tương đương hơn 86 triệu USD) trong tổng số 280 tỷ won tiền đầu tư tại 18 công ty con thông qua một công ty đầu tư trung gian có tên là Benex Investment. Ngoài ra, cả hai còn lập quỹ đen với số tiền là 13,9 tỷ won có nguồn gốc là tiền công.

Tuy nhiên, trước mắt, cơ quan bảo vệ pháp luật của Hàn Quốc chỉ bắt tạm giam Chey Jae-won, chưa muốn bắt cùng lúc cả hai người, vì một số lẽ sau.

Thứ nhất, SK Group là tập đoàn kinh tế (chaebol) lớn của Hàn Quốc, có ảnh hưởng và có đóng góp lớn cho nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á này. Hàn Quốc có được như ngày nay phần lớn nhờ vào sự đóng góp của các chaebol như Samsung, Hyundai , SK … Trong khi 2 tập đoàn Samsung và Hyundai tập trung mạnh vào các thị truờng nước ngoài, thì SK lại lấy thị trường nội địa là địa bàn hoạt động chính. Trong đó, 2 công ty con mạnh nhất là SK Telecom, công ty cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất và SK Energy, công ty năng lượng. Nói gì thì nói, hàng năm, SK cũng đóng góp nhiều tiền cho ngân sách của Hàn Quốc. 

Chính vì lý do đó, nên các cơ quan bảo vệ pháp luật ít nhiều vẫn nương tay, cho dù lãnh đạo các chaebol này có không ít “tỳ vết” trong những năm qua.

Thứ hai, ông Chey Tae-won cũng gây dựng được nhiều mối quan hệ khá thân tình với chính quyền nước này. Bản thân vợ ông là con gái cố Tổng thống Roh Tae Woo (giữ chức trong khoảng thời gian từ năm 1988 đến 1993).

Năm 2003, Chey Tae-won đã từng bị buộc tội là đầu trò trong vụ làm sai lệch sổ sách kế toán liên quan đến khoản tiền khổng lồ 1,2 tỷ USD tại SK Networks, một công ty con của SK Group. Ông đã bị kết án 3 năm tù, song cuối cùng lại hưởng ân xá, chẳng phải ngồi tù ngày nào.  Rất có thể lần này ông lại “gặp may” như trước.

Ngay sau khi em bị bắt, ông Chey Tae-won đã công bố kế hoạch đầu tư của SK Group trong năm nay. Theo đó, SK Group sẽ đầu tư 19.100 tỷ won (hơn 16,5 tỷ USD), cao gấp gần 2 lần tổng vốn đầu tư của Tập đoàn trong năm 2011 (10.000 tỷ won) và là mức cao nhất trong 1 năm kể từ trước đến nay.

“Kế hoạch đầu tư đầy tham vọng của SK Group là vì sự thịnh vượng của nền kinh tế nước nhà và tạo thêm 7.000 việc làm mới trong năm 2012”, ông Chey Tae-won nhấn mạnh. Với động thái này, ông cũng ít nhiều muốn tạo sức ép để cơ quan chức năng phải thận trọng hơn trước khi “ra tay”.

Người phát ngôn của SK Group đã khẳng định, Tập đoàn hoàn toàn ủng hộ vị chủ tịch của mình, khi tuyên bố ông này không sử dụng tiền công của Tập đoàn vào mục đích cá nhân và sẵn sàng chứng minh ông này vô tội tại toà.

SK Group cũng đã tính vụ đầu tư mới đây của SK Telecom vào Hynix Semiconductor, tập đoàn sản xuất chip điện tử lớn thứ 2 thế giới, có thể bị đổ bể vì scandal liên quan tới 2 lãnh đạo chóp bu. Tháng 11/2011, SK Telecom đạt được thoả thuận mua lại 21,05% cổ phần của Hynix Semiconductor, với giá 3.400 tỷ won.

Mọi thủ tục pháp lý của vụ mua lại cổ phần này hiện vẫn chưa hoàn tất. Nếu mọi chuyện liên quan tới Chủ tịch, Phó chủ tịch SK Group cứ lằng nhằng, thì rất có thể Hynix Semiconduct lại đổi ý hoặc cơ  quan chức năng cũng không chuẩn y.

SK Group hiện có 92 công ty thành viên có chung thương hiệu và văn hóa SK, trong đó có 8 công ty niêm yết tại Sở GDCK Seoul. Năm 2010, doanh thu của SK Group đạt hơn 80 tỷ USD. 

SK Telecom đã có mặt tại Việt Nam trong liên doanh mạng viễn thông S-fone. 


Trung Hiếu (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục