Tại buổi “Đối thoại gặp gỡ NĐT” do REE tổ chức tại Sở GDCK TP. HCM cuối tuần qua, lãnh đạo REE đã nhận được nhiều câu hỏi của NĐT liên quan đến vấn đề tỷ giá. Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc REE cho rằng, trong nửa đầu năm, tỷ giá được điều chỉnh trong biên độ 2%, vừa qua tăng thêm 1%, chính sách này tạo thế bất lợi nhiều hơn là có lợi. Nếu Việt Nam không có hướng điều chỉnh linh hoạt, nền kinh tế không thích ứng được thì sẽ ảnh hưởng xấu đến kinh tế quốc gia và doanh nghiệp, khi gánh nặng nợ công còn lớn.
Đối với REE, nhiều dự án mà Công ty đầu tư bị tác động bởi tỷ giá, chẳng hạn tại Nhiệt điện Phả Lại và Nhiệt điện Quảng Ninh. Cụ thể, khoảng 2 - 3 năm trước, khi đồng Yên Nhật mất giá, Nhiệt điện Phả Lại đã phải tăng trích lập dự phòng, tổng số dự phòng trên 3.000 tỷ đồng.
Trong nửa đầu năm 2015, tỷ giá chưa có ảnh hưởng nhiều đến Nhiệt điện Phả Lại, nhưng đến tháng 7 thì bắt đầu ảnh hưởng. Còn đối với Nhiệt điện Quảng Ninh, do là nhà máy xây dựng mới, tỷ lệ vay vốn nước ngoài khoảng 80% nên khi có biến động tỷ giá sẽ dẫn đến vấn đề trả nợ trong năm bị ảnh hưởng.
Theo bà Thanh, vấn đề lớn của các công ty điện hiện nay là chênh lệch tỷ giá trong năm tài chính chưa được đưa vào giá thành điện. Trong trường hợp đưa tỷ giá vào giá điện cũng sẽ có sự ảnh hưởng lớn, bởi toàn ngành điện có khoản phải trả trong năm khoảng vài ba tỷ USD, tính thêm chênh lệch tỷ giá 2 - 3% thì giá thành điện sẽ rất cao. Chênh lệch tỷ giá hiện vẫn hạch toán sau giá thành và chờ quyết định của Bộ Công thương từng kỳ.
Đó là ở góc độ vĩ mô, còn đối với góc nhìn Công ty thì khoản đầu tư vào nhà máy điện là chi phí thực và cần phải đưa chênh lệch tỷ giá vào năm tài chính, hay những khoản vay bằng ngoại tệ, lãi suất biến động cũng chưa được tính toán vào giá điện. “Đây là những rủi ro khiến lợi nhuận của nhà máy nhiệt điện trồi sụt”, bà Thanh nói.
Đáng chú ý, Nhiệt điện Quảng Ninh có khoản chênh lệch tỷ giá hơn 1.260 tỷ đồng. Bà Thanh chia sẻ, đây là khoản mà REE luôn đặt câu hỏi phải xử lý ra sao? REE đang thúc đẩy HĐQT, Ban điều hành Nhiệt điện Quảng Ninh làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để phân bổ vào giá điện hợp lý, bù trừ những khoản chênh lệch tỷ giá đang bị “treo”.
Còn Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại có 2 dây chuyền sản xuất, dây chuyền 1 có thời gian hoạt động lâu, đã đến lúc phải nâng cấp hoặc xây mới, cả hai phương án đều ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận của Nhiệt điện Phả Lại. Dây chuyền 1 đã được khấu hao hết, còn dây chuyền 2, Ban điều hành đang thảo luận để lựa chọn phương án khấu hao phân bổ hết vòng đời hoặc một số năm nhất định, hay giữ như trước để hài hoà lợi nhuận và trả nợ nước ngoài. Dây chuyền 2 hoạt động hiệu quả, nhưng với sự chênh lệch tỷ giá như hiện nay, sẽ có những ảnh hưởng nhất định.
Với REE, đối phó với biến động tỷ giá, Công ty đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc khuyến khích khách hàng tạm ứng. Theo đó, khi có hợp đồng và nhận tạm ứng, REE sẽ đặt hàng luôn, chốt giá để giảm thiểu rủi ro. “Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp giảm thiểu, không giúp Công ty hoàn toàn tránh khỏi tác động của tỷ giá”, bà Thanh nói.
Liên quan đến thông tin Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ bán đấu giá 9% cổ phần tại CTCP Nhiệt điện Hải Phòng, có nhà đầu tư hỏi: REE có ý định mua số cổ phần đó hay không? Bà Thanh cho biết, việc tăng tỷ lệ đầu tư vào lĩnh vực nhiệt điện gặp nhiều hạn chế bởi nguồn lực tài chính ít ỏi so với nhu cầu vốn của các dự án nhiệt điện.
Chẳng hạn, đầu tư nhiệt điện ở Hải Phòng cần vốn lớn, vốn điều lệ cần 4.000 - 5.000 tỷ đồng, nếu REE muốn đầu tư khoảng 20% vốn, tương đương hơn 800 tỷ đồng, là khoản tiền lớn. Do vậy, REE sẽ hạn chế đầu tư những nhà máy này, mà tập trung vào những nhà máy cỡ trung bình trong lĩnh vực thuỷ điện.