Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi lúc này là rất cần thiết, nhưng cũng rất khó, làm sao tháo gỡ được khó khăn cho thị trường bất động sản nhưng tránh tạo ra những vướng mắc khác, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý.
Sáng 12/4 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu phiên họp chuyên đề tháng 4/2023, dự kiến kéo dài đến chiều 14/4.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết sở dĩ chương trình phiên họp diễn ra trong 2,5 ngày, trống 0,5 ngày làm việc là do dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) dù dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến nhưng đến nay vẫn chưa có hồ sơ dự án Luật.
Dù đã đôn đốc rất nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa có hồ sơ, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Đối với dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), nội dung đầu tiên của phiên họp, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thị trường bất động sản là một trong những thị trường cơ bản trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngành nghề kinh doanh bất động sản cũng là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo cho tăng trưởng của nền kinh tế và liên quan đến nhiều ngành nghề khác nhau.
Dự án Luật này đã thực hiện trong thực tế được 8 năm, đến nay đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập. Do đó, lần này Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản để tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
Ông Vương Đình Huệ cho biết, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp phản ánh đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đến tận Chủ tịch Quốc hội rằng dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi (Dự thảo) có phạm vi điều chỉnh giao thoa với các luật khác, trong đó Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, hiện nay chưa sửa được.
Rồi Luật Đất đai và Luật Nhà ở đang sửa cũng có phần liên quan đến Luật Kinh doanh bất động sản này. Trong khi đó thì mỗi bộ chủ trì soạn thảo 1 dự án luật, nếu không vì cái chung thì rất khó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra và soạn thảo nghiên cứu kỹ về tính thống nhất của Luật Kinh doanh bất động sản với các luật khác, vì cả tờ trình và báo cáo thẩm tra nói rất sơ sài về vấn đề này. Trong khi có những chuyên gia nói rất gay gắt, là nếu áp dụng theo luật này thì vướng luật kia.
Giai đoạn này sửa là cần thiết nhưng rất khó đòi hỏi sâu sát để đáp ứng yêu cầu, tránh sửa xong nhưng không giải quyết được vướng mắc hay lại tạo ra những vướng mắc khác, ông Huệ nhấn mạnh.
Ông Vương Đình Huệ cũng thông tin là chiều 11/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định trình chuyên đề giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội" đề Quốc hội quyết định giám sát tối cao trong năm 2024.
Cứ nói thị trường bất động sản vướng mắc nhưng vướng ở đâu và vướng thế nào thì cần làm rõ, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) được cho ý kiến chiều 12/4, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, dự án Luật này có ý nghĩa then chốt để thúc đẩy và tạo hành lang pháp lý cho quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam. Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Tần số vô tuyến điện và dự kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Nếu sửa đồng bộ được dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho phát triển về công nghệ thông tin cũng như quá trình chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, công dân số và xã hội số ở Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung cho ý kiến đối với sự cần thiết, phạm vi sửa đổi và những nội dung liên quan đến sửa đổi dự án Luật quan trọng này; đồng thời cũng lưu ý bảo đảm sự thống nhất với các luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA.
Về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên họp thường kỳ thứ 21 (tháng 3/2023) vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh 2023 để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Đây là dự án Luật rất là quan trọng liên quan đến đông đảo Nhân dân và cử tri.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân tích rõ thêm tính hợp lý, khả thi, sự phù hợp của quy định trong dự thảo Luật với đường lối, chủ trương của Đảng, cân nhắc kỹ lưỡng tác động của các chính sách mới được đề xuất đối với việc đảm bảo thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân.
Cũng tại phiên họp chuyên đề pháp luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến về việc trình Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đối với các dự án Luật Đường bộ, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
Luật Đường bộ, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đã được trình Quốc hội khoá XIV nhưng chưa được Quốc hội thông qua, lần này có đưa vào chương trình hay không sẽ trình Quốc hội quyết định - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn xem xét, cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án đường liên kết vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay – Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là dự án quan trọng quốc gia này vì liên quan đến chuyển đổi đất rừng. Quy mô dự án không lớn nhưng liên quan đến chuyển đổi đất rừng và quy mô về chuyển đổi đất rừng thuộc phạm vi quyết định của Quốc hội. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải chuẩn bị ý kiến để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, đánh giá rõ hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, nhất là về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án đã đủ điều kiện cơ sở pháp lý hay chưa, đồng thời đánh giá các phương án tuyến, kể cả phương án làm hầm đã là phương án tối ưu hay chưa, có hạn chế được tối đa chuyển đổi đất rừng hay không.