Với việc cấp phép khai thác, sử dụng nước, luật đang quản lý chủ yếu bằng giấy phép, theo Chủ tịch Quốc hội phải quản lý bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn để cho tất cả người dân người ta tham gia vào quản lý, khai thác, sử dụng.
Sáng 14/8, mở đầu phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tiếp thu, giải trình dự án Luật Tài nguyên nước sửa đổi, sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ sáu (tháng 10/2023).
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án luật), ông Lê Quang Huy cho biết, liên quan tới đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể đối tượng, điều kiện, quy mô phải đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên nước.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã đã bổ sung 4 điều quy định cụ thể về nguyên tắc cấp phép, đối tượng phải đăng ký, cấp phép khai thác sử dụng nước, điều kiện cấp phép.
Đối với đề nghị quy định cụ thể quy mô phải đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên nước, Thường trực Ủy ban thẩm tra cho rằng, nước là đối tượng quản lý đặc biệt, luôn luôn biến động theo không gian và thời gian, điều kiện tự nhiên và nhu cầu khai thác, sử dụng..., với tác động của biến đổi khí hậu ngày càng trở nên hiện hữu, việc quy định cụ thể về quy mô phải đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên nước trong Luật sẽ khó khả thi.
Vì vậy, Thường trực Uỷ ban đề nghị không bổ sung quy định này trong Luật mà giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với thực tiễn của đối tượng.
Tham gia thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cơ bản đồng ý với các trường hợp không phải đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng nước mặt, song với các trường hợp nước ngầm thì cần "cân nhắc nghiên cứu thêm, phải chặt chẽ hơn".
Đồng tình quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị rà soát kỹ quy định về đăng ký, cấp phép sử dụng, khai thác nước cho phù hợp, thống nhất.
Theo ông Tùng cần quản lý hết sức chặt chẽ với nước ngầm. "Như đồng bằng sông Cửu long khai thác không kiểm soát chặt chẽ, diễn ra khá phổ biến. Đây là lý do dẫn đến sạt lở bờ sông, bờ biển do nước ngầm dưới đất khai thác quá mức", ông Tùng nhìn nhận.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý rà soát lại các điều khoản quy định chi tiết để luật hóa những gì có thể luật hóa được.
Cần phải "tránh chuyện kéo hết các thứ quyền hạn về các bộ", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Ông Huệ nói thêm, "chúng ta vẫn nói chuyện phải chống lợi ích nhóm, tiêu cực trong xây dựng pháp luật. Phải rà lại cái này để tránh và hạn chế chuyện xin cho. Thường bộ nào làm cũng "quàng" trách nhiệm về cho mình nhưng cuối cùng làm không nổi, lại ảnh hưởng các bên khác", Chủ tịch Quốc hội phát biểu.
Liên quan đến quy định cấp phép khai thác, sử dụng nước, Chủ tịch Quốc hội nhận xét, luật đang quản lý chủ yếu bằng giấy phép. Nên chăng tăng thêm các quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí để quản lý, hậu kiểm, ông Huệ nêu vấn đề.
"Nước nó bao la bể sở thế này thì ngành tài nguyên, Chính phủ, chính quyền từ Trung ương địa phương có ngồi trông coi được hết không? Phải quản lý bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn để cho tất cả người dân người ta tham gia vào quản lý, khai thác, sử dụng", Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Theo Chủ tịch Quốc hội, có những giấy phép là cần thiết nhưng dự thảo Luật Tài nguyên nước chưa chú trọng tới quy chuẩn, tiêu chuẩn. "Nếu mà Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cái gì thì nên chăng là quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn và phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ làm cái này để quản lý", Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Dự thảo Luật Tài nguyên nước quy định:
Các trường hợp không phải đăng ký, không phải có giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước
a) Khai thác, sử dụng nước cho sinh hoạt của hộ gia đình;
b) Khai thác, sử dụng nước cho các hoạt động văn hóa, tôn giáo, nghiên cứu khoa học, tưới cây và rửa đường phục vụ mục đích công cộng;
c) Khai thác, sử dụng nước biển để sản xuất muối hoặc phục vụ các hoạt động trên biển, đảo;d) Khai thác, sử dụng nước để phòng cháy, chữa cháy, phục vụ mục đích quốc phòng và an ninh;
d) Khai thác, sử dụng nước để cấp nước sinh hoạt tại các khu vực trong thời gian xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn hoặc các sự cố ô nhiễm, dịch bệnh do cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định;
e) Khai thác, sử dụng nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nuôi trồng thuỷ sản trên đất liền với quy mô nhỏ;
g) Khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất phục vụ cho các mục đích khác quy định tại điểm b, điểm d với quy mô nhỏ;
h) Công trình ngăn sông, suối, kênh, rạch có quy mô nhỏ với mục đích tạo nguồn, ngăn mặn, tạo cảnh quan.
Các trường hợp phải đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước
a) Khai thác, sử dụng nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nuôi trồng thuỷ sản trên đất liền với quy mô vừa;
b) Khai thác, sử dụng nước dưới đất quy định tại điểm a, điểm b, điểm g khoản 1 Điều này nằm trong danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố;
c) Khai thác, sử dụng nước mặt cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với quy mô vừa;
d) Sử dụng nước dưới đất tự chảy trong moong khai thác khoáng sản để tuyển quặng mà không gây hạ thấp mực nước dưới đất hoặc bơm hút nước để tháo khô lượng nước tự chảy vào moong khai thác khoáng sản;
đ) Công trình ngăn sông, suối, kênh, rạch có quy mô vừa với mục đích tạo nguồn, ngăn mặn, tạo cảnh quan.