Trước đó, báo cáo của Chính phủ do Bô trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày nêu dự kiến sẽ điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế của năm 2020, do tác động của dịch Covid-19.
Cụ thể, Chính phủ dự kiến giảm chỉ tiêu GDP từ 6,8% xuống 4,5%, tổng số thu ngân sách nhà nước giảm 163 nghìn tỷ đồng so với dự toán, bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 4,75% GDP (tăng 1,31%), tỷ lệ nợ công bằng khoảng 55,5% GDP (tăng 3,2% so với mục tiêu cũ).
Khẳng định là Quốc hội không ngại điều chỉnh chỉ tiêu, nhưng Chủ tịch Quốc hội băn khoăn về quy trình, vì việc này cần xin ý kiến Trung ương, mà chỉ còn vài ngày nữa Quốc hội đã khai mạc kỳ họp thứ 9.
Không có việc Quốc hội không đồng ý điều chỉnh nhưng phải có cấp thẩm quyền cho phép và có thời gian để thẩm định, đánh giá, thật kỹ, Chủ tịch nói.
Hơn nữa, giờ mới là giữa tháng 5, theo Chủ tịch cũng chưa đủ cơ sở để đánh giá khả năng hoàn thành các chỉ tiêu ở mức nào, vì thế cứ đặt mục tiêu nỗ lực cao nhất. Mặc dù vậy, Chủ tịch Quốc hội cũng nhận định, tăng trưởng chắc chắn không đạt chỉ tiêu, thu ngân sách cũng giảm.
Trong khi chưa điều chỉnh các chỉ tiêu quan trọng, Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc quan tâm điều hành ngân sách, vì nguồn thu được quyết theo mức tăng GDP 6,8% và đã giao dự toán chi từ đầu năm.
Nhìn về phía Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đang có mặt tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội nêu nỗi lo về chính sách tiền tệ.
Nguy cơ tiềm ẩn nợ xấu rất cao, nhiều khoản nợ đang tốt dịch bệnh xảy ra thì tốt thành xấu, vì thế nới lỏng chính sách tiền tệ phải tính xem nền kinh tế có hấp thụ được hay không, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Lo nhất là lĩnh vực ngân hàng, đừng để quay lại thời kỳ trước, chính sách vĩ mô cần hết sức tỉnh táo, lạc quan có mức độ nhưng nỗ lực phấn đấu phải tột độ, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cứ báo cáo khả năng không đạt các chỉ tiêu với Quốc hội, nhưng chưa vội điều chỉnh chỉ tiêu, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu quan điểm.
Cho rằng giữ nguyên các chỉ tiêu Quốc hội đã quyết định và coi đó là mục tiêu phấn đấu, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng băn khoăn nếu điều chỉnh thì căn cứ chưa đủ, vì diễn biến dịch bệnh chưa thể khẳng định, nếu dịch Covid - 19 quay lại thi điều chỉnh lần nữa?
Phát biểu sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ chưa đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu năm 2020 mà đang dự báo dựa trên hai kịch bản bản xấu và tốt, với các giả định về diễn biến dịch Covid-19. Theo đó thì dự kiến điều chỉnh tăng GDP ở mức 4,5% để chủ động điều hành.
Bộ trưởng cũng thông tin thêm là ngày 14/5 đã báo cáo Bộ Chính trị đề án về chủ động ứng phó dịch bệnh và phục hồi kinh tế trong tình hình mới, có dự báo tình hình và dự báo điều chỉnh chỉ tiêu, nếu Bộ Chính trị đồng ý thì Chính phủ sẽ trình Quốc hội. Chính phủ cũng chưa tính đến gói kích cầu là bao nhiêu và làm gì, nếu tình hình xấu hơn thì sẽ tính toán và báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm.
Điều chỉnh chỉ tiêu là vấn đề lớn, Chính phủ mới nêu dự kiến sơ bộ chứ chưa đánh giá tác động, ngay kỳ họp này của Quốc hội là chưa có đủ căn cứ chính trị và pháp lý để điều chỉnh chỉ tiêu, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh khi phát biểu kết thúc phiên thảo luận.
Bên cạnh các chỉ tiêu kinh tế, một số vị uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng cần báo cáo rõ hơn về tình hình Biển Đông.
Trung Quốc họ mạnh tay lập cả đơn vị hành chính, ta phải có kịch bản ứng phó, không để tình hình trên Biển Đông ảnh hưởng đến phát triển chung của đất nước, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý phát biểu.