Trước hết, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các vị đại biểu hiến kế làm sao để tăng trưởng năm nay đạt được 6-6,5% như Quốc hội đã quyết định.
Năm trước khi báo cáo Quốc hội thì GDP tăng 2,91% nhưng sau đó báo cáo chính thức là 2,58% thôi, trong khi ngân sách tăng gấp 9 lần số dự toán, còn tăng trưởng thì giảm đi, Chủ tịch Quốc hội nói.
Năm nay, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là tăng trưởng đạt được 6,5% và cao hơn (nhờ hỗ trợ của Chương trình phục hồi), vì thế "rất muốn đại biểu hiến kế ở đây".
Vấn đề đã cũ cần giải pháp mới, theo Chủ tịch Quốc hội là năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế và chi tiêu ngân sách rất đáng lo, khi mà một năm chuyển nguồn đến 600 - 700 nghìn tỷ.
Theo Chủ tịch Quốc hội thì Quốc hội "phải bàn vì sao mà lại thế này, phải chăng là không chuẩn bị đầu tư. Ai lại một năm chuyển nguồn tới hơn 600-700.000 tỷ. Không tiêu được tức là có của năm đó rồi nhưng không tiêu được phải chuyển sang năm sau, rồi lại năm sau nữa, chứ không phải không có tiền. Cái này là cái hiện nay Chính phủ cũng băn khoăn, Quốc hội cũng băn khoăn", Chủ tịch Quốc hội chia sẻ với các đại biểu cùng tổ thảo luận (gồm các đoàn Bắc Ninh, Hải Phòng, Kiên Giang).
Chủ tịch Quốc hội sốt ruột vì năm trước giải ngân đầu tư công chỉ đạt có hơn 70%, danh mục dự án phân bổ vốn của gói kích thích kinh tế 347 ngàn tỷ Quốc hội quyết định ở kỳ họp bất thường thì hôm qua mới có, nhưng cũng chỉ có tên, trong đó 14 ngàn tỷ đầu tư cho y tế còn chưa có danh mục. Rồi chương trình sóng và máy tính cho em có tiền rồi mà cũng không tiêu được .
Trong phát biểu, ông Vương Đình Huệ cũng chia sẻ với ý kiến đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) về thuốc điều trị cho người bệnh trong lĩnh vực y tế không đáp ứng được yêu cầu. Danh mục thuốc được Bộ Y tế quy định cụ thể nhưng bác sĩ, cơ quan điều trị nói không có, người dân đi mua ở ngoài nhưng không thanh toán được.
Đại biểu Kim Bé cho rằng ngành y tế chưa phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan từ việc đấu thầu thuốc, dẫn đến bức xúc của người dân khi tham gia bảo hiểm y tế. Vận động người dân tham gia mua bảo hiểm y tế nhưng chăm sóc chăm lo cho người tham gia gặp rất nhiều khó khăn như thế, đại biểu Kim Bé phản ánh.
"Thuốc thì như đại biểu Kim Bé nói, không chỉ thuốc trong chống Covid-19 đâu mà thuốc thông thường khác cũng không. Ngân sách thì có nhưng không dám mua. Cần phân tích cái này. Ngay cả vấn đề mua sắm liên quan phòng chống dịch, Quốc hội, Chính phủ đã có nghị quyết cho mua theo cơ chế đặc thù, đặc cách, đặc biệt nhưng xuất hiện 2 trạng thái một số nơi không dám mua, một số nơi mua thì sai. Không hiểu lý do vì sao. Giờ thuốc thông thường cũng thiếu, vậy phải làm rõ xem vướng cái gì, Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Lấy thêm ví dụ quỹ khoa học công nghệ của các doanh nghiệp nhà nước mười mấy ngàn tỷ vướng 1 cái thông tư cũng không tiêu được, Chủ tịch Quốc hội cho rằng "cần giải pháp mới cho những vấn đề đã cũ, thế giải pháp mới là gì, nếu không bàn thì họp xong vẫn tắc, băn khoăn nhất là như thế chứ không phải không có nguồn lực".
Đề cập vấn đề một số ý kiến trước đó về gói kích thích 347 ngàn tỷ, chưa phân bổ được đồng nào, Chủ tịch Quốc hội lại nhấn mạnh "lo nhất là cái này".
"Trong mua sắm có tỉnh mời cả đại diện Ban Nội chính, thanh tra, công an vào hội đồng, nhưng mời thế có khi chả hợp lý đâu, ý là muốn cho minh bạch nhưng vẫn không chi tiêu được. Có tiền mà không tiêu được, cái này là băn khoăn nhất của Trung ương", Chủ tịch Quốc hội phát biểu.
Khái quát lại, Chủ tịch Quốc hội nói, "thể chế không vướng, trong mua sắm thì đã ban hành cơ chế đặc thù, đặc cách, đặc biệt, cho cả chỉ định thầu trong xây lắp là hết cỡ rồi, không còn gì mà mở nữa, mở hết sạch rồi (Bộ trưởng Bộ Tư pháp ngồi bên nói thêm là trong dự án giao thông thì đến mỏ đất cũng cho nhà đầu tư tự đào lên mà làm đường ) vậy mà sao tiền vẫn không tiêu được.
Cùng tổ thảo luận với Chủ tịch Quốc hội, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Trần Lưu Quang cũng sốt ruột cho biết, có nội dung về cơ chế đặc thù đã qua đến 6 tháng, địa phương nhiều lần đề nghị mà Trung ương vẫn chưa có hướng dẫn.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) thì phản ánh, gói phục hồi kinh tế sau đại dịch khai rất chậm, vì vậy, địa phương rất lo và lãnh đạo địa phương phản ánh thủ tục giải ngân từ trên xuống rất khó khăn, địa phương rất tâm tư lo cho vấn đề này.
Đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm, sớm triển khai thực hiện cho tốt gói hỗ trợ đó, để thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Theo nghị trình, trong hai ngày 1 và 2/6/2022 Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế, xã hội.