Quý I, hoàn thành 51% kế hoạch năm
Theo ông Đỗ Xuân Chiểu, Chủ tịch HĐQT POM, kế hoạch 400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế là hoàn toàn có thể thực hiện được trong bối cảnh hiện nay và với kết quả kinh doanh quý I/2017, nhiều khả năng quý III/2017, Công ty sẽ điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận.
Theo báo cáo tài chính quý I/2017, POM đạt doanh thu hợp nhất hơn 2.747 tỷ đồng, tăng gần 24,5% so với cùng kỳ năm 2016; lợi nhuận sau thuế 204,7 tỷ đồng, gấp gần 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành hơn 51% kế hoạch cả năm.
Theo ông Chiểu, nguyên nhân khiến lợi nhuận quý I/2017 tăng mạnh là do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, khiến giá thép tăng, đạt 250-260 USD/tấn, có lúc đạt 320 USD/tấn. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, giá thép đang có dấu hiệu giảm về mức năm 2016. Dự báo xu hướng thời gian tới, giá thép có tăng nhưng tăng không mạnh, vì liên quan đến diễn biến giá quặng (hiện đang giảm) và một số doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tham gia cung cấp nguyên phế liệu.
Đại hội thông qua kế hoạch cổ tức dự kiến tỷ lệ 20%, trong đó 10% bằng tiền và 10% bằng cổ phiếu. Trong khi năm 2016 công ty không chia cổ tức do còn lỗ lũy kế.
Năm 2016 là năm POM đã chính thức xóa khoản lỗ lũy kế hơn 212 tỷ đồng trong 3 năm qua nhờ diễn biến tích cực của tình hình tiêu thụ thép trong nước và quốc tế. Theo đó, tiêu thụ thép năm 2016 của POM tăng 107% so với năm 2015, chiếm thị phần thị trường trong nước khoảng 14%.
Tại đại hội, HĐQT POM cũng trình cổ đông thông qua chủ trương đầu tư 3 dự án bao gồm dự án lò cao 580 m3 với tổng vốn đầu tư 80 triệu USD, dự án cán 500 ngàn tấn năm với tổng vốn đầu tư 50 triệu USD và dự án Tôn 600 mt năm.
Dự báo xu hướng thời gian tới, giá thép có tăng nhưng tăng không mạnh, vì liên quan đến diễn biến giá quặng (hiện đang giảm) và một số doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tham gia cung cấp nguyên phế liệu.
Theo ông Chiểu, tổng vốn đầu tư cho 3 dự án dự kiến khoảng 250 triệu USD, trong đó 60% đến từ vốn vay và 40% đến từ vốn tự có của công ty.
Theo đó, định hướng của HĐQT ưu tiên đầu tư lò cao, do giá nguyên vật liệu giảm, nên sản xuất lò cao có ưu thế về giá.
Ngoài ra, Nhà máy Pomina 1 với công suất 500.000 tấn/năm và Pomina 2 công suất 1 triệu tấn/năm nhưng chỉ là lò thấp không chuyển đổi được thành lò cao. Dự kiến, việc xây dựng lò cao sẽ thực hiện tại nhà máy Pomina 3. Việc sử dụng lò cao giúp công ty chủ động về mặt nguyên vật liệu quặng hay phế liệu.
Đối với dự án tôn mạ, dự kiến quý IV/2018 đưa vào dây chuyền đầu tiên, năm 2020 hoàn thiện cụm 600.000 tấn. Dự kiến sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng khoảng 5% thị trường cả nước. Đây là mục tiêu tương đối khiêm tốn và hoàn toàn nằm trong khả năng phân phối của POM.
Nhận định về thị trường tôn, ông Chiểu cho biết, hiện các nhà sản xuất đều chạy hết công suất, cung cầu đang khá sát nhau khiến giá bán trong nước cao, theo đó lợi nhuận tốt. Bên cạnh đó, Chính phủ vừa áp thuế tự vệ tôn mạ màu cũng được xem là một yếu tố thuận lợi.
Riêng về công nghệ, với lợi thế của người đi sau, POM sẽ cơ hội lựa chọn công nghệ tốt với chi phí phù hợp.
Về dự án cán thép, ông Chiểu cho biết, công suất cán đạt 1-1,1 triệu tấn/năm, hiện nay đã chạy hết công suất, việc đầu tư nhằm đáp ứng đủ công suất cán các sản phẩm billet, khoảng 1,5 triệu tấn/năm.
Đối với thị trường xuất khẩu, trước đây POM chủ yếu xuất sang Campuchia, hiện nay xuất thêm Canada, Mỹ, dự kiến năm 2017 xuất 160.000 tấn để phục vụ xuất khẩu, còn lại 840.000 tấn cho thị trường nội địa.
Trong 2 năm tới, khi nhà máy cán chưa đi vào hoạt động thì vẫn chưa tăng công suất đáp ứng.