Quan hệ chính trị ngày càng gắn bó và tin cậy thông qua trao đổi đoàn, tiếp xúc thường xuyên ở các cấp, ngành; các cơ chế hợp tác song phương được duy trì thường kỳ và ngày càng hiệu quả như các phiên họp của Hội đồng Tự do thương mại song phương, Tham khảo chính trị cấp thứ trưởng ngoại giao. Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên gặp song phương bên lề các hội nghị quốc tế, đặc biệt tại Liên Hợp Quốc, APEC...
Những năm qua, Chile thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cùng với việc đẩy mạnh quan hệ kinh tế-thương mại với các nước trong khu vực, những năm gần đây Chile tích cực triển khai chính sách hướng sang châu Á-Thái Bình Dương, một khu vực kinh tế giàu tiềm năng và đang phát triển năng động. Chile là thành viên tích cực tham gia các hoạt động tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế lớn, như: Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), Phong trào Không liên kết (NAM), Diễn đàn APEC, Diễn đàn hợp tác Ðông Á-Mỹ latinh (FEALAC)...
Tháng 11/2011, Việt Nam và Chile đã ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) bên lề Hội nghị cấp cao APEC tại Hawaii, Hoa Kỳ. Ngày 1/1/2014, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Chile chính thức có hiệu lực. Tháng 11/2014, hai bên tổ chức phiên họp lần I Hội đồng Thương mại tự do Việt Nam-Chile tại Santiago de Chile và phiên họp lần II tại Hà Nội từ ngày 14-15/7/2016.
Việt Nam và Chile đều là nền kinh tế thành viên của APEC, vì thế triển vọng hợp tác của hai nước rất đa dạng và phong phú. Quan hệ thương mại hai chiều duy trì đà tăng trưởng cao, năm 2016 đạt trên 1 tỷ USD. Trong 9 tháng năm 2017, trao đổi thương mại giữa Việt Nam - Chile đạt 955 triệu USD, đưa Chile vào nhóm 4 nước ở khu vực Mỹ Latinh có trao đổi thương mại song phương với Việt Nam đạt trên 1 tỷ USD/năm... Một số nhà đầu tư hàng đầu của Chile đang thăm dò khả năng đầu tư tại Việt Nam.