Sáng 8/1/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát biểu tại Lễ phát động thi đua năm 2022 của ngành dệt may và da giày - túi xách.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương cả 2 ngành, trong điều kiện rất khó khăn vì dịch bệnh của năm 2021 nhưng đã thích ứng an toàn, duy trì sản xuất kinh doanh tốt, kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt hơn 60 tỷ USD, chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và bằng với ngành điện tử công nghệ cao, đặc biệt gần 5 triệu lao động vẫn đảm bảo được cuộc sống, với thu nhập ổn định.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng ấn tượng với ngành dệt may khi các sản phẩm sản xuất ra có 52% là do ngành tự thiết kế sản xuất. Riêng Tổng công ty May 10 có 100% sản phẩm tự thiết kế và sản xuất tại Việt Nam. Tập đoàn dệt may Việt Nam đã thể hiện vai trò dẫn dắt với hiệu quả sản xuất kinh doanh cao, có nhiều sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 và nằm trong nhóm doanh nghiệp nhà nước có tỷ suất lợi nhuận cao nhất.
Năm 2021, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu hàng dệt may vẫn duy trì đà tăng trưởng, kim ngạch ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và bằng mức thực hiện của năm trước dịch 2019.
Riêng Vinatex đạt kết quả kinh doanh cực kỳ ấn tượng, hơn 16.430 tỷ đồng, tăng 11% so với 2020 và lãi trước thuế 1.200 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ. Mức lãi này cũng cao hơn năm 2019, thời điểm trước dịch, tới 70%, thu nhập bình quân người lao động đạt 8 triệu đồng/tháng.
Ngành da giày - túi xách dù có nhiều tháng quý 3 chịu đứt gãy sản xuất do đợt dịch Covid-19 lần thứ bùng phát nhưng cũng mang về kim ngạch xuất khẩu hơn 20 tỷ USD.
Chủ tịch nước đề nghị cả 2 ngành dệt may và da giày - túi xách trong thời gian tới phải sớm xây dựng bộ quy chuẩn để thích ứng linh hoạt với các tình huống khác nhau của đại dịch Covid-19.
Cùng với đó, tập trung chuyển đổi số mô hình quản trị và sản xuất, trước mắt ngành phải chủ động được nguồn nguyên liệu và sáng tạo trong thiết kế để tạo giá trị gia tăng, khẳng định thương hiệu sản phẩm.
"Nếu Việt Nam trở thành một trung tâm thời trang, kết hợp với những thế mạnh về du lịch thì đây sẽ là yếu tố quan trọng để ngành đóng góp được nhiều hơn cho ngân sách và cải thiện thu nhập cho 5 triệu người lao động", Chủ tịch nước lưu ý.
Năm 2022, ngành dệt may đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng. Kịch bản tích cực nhất, nếu tình hình dịch bệnh được cơ bản kiểm soát trong quý I năm 2022, kim ngạch xuất khẩu kim ngạch xuất khẩu có thể sẽ đạt 42,5 - 43,5 tỷ USD; Kịch bản trung bình, nếu tình hình dịch bệnh còn phức tạp đến giữa năm 2022 kim ngạch xuất khẩu đạt 40 - 41 tỷ USD; Kịch bản kém tích cực nhất là tình hình dịch bệnh còn phức tạp kéo dài đến cuối năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của ngành dự kiến chỉ đạt 38-39 tỷ USD.