Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Cơ chế đặc thù không phải là ưu ái mà thực tế đang đòi hỏi

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tán thành với ý kiến cần có một cơ chế mới cho TP.HCM. Khung chính sách này cần giúp Thành phố tháo gỡ được ngay những nút thắt về cơ sở hạ tầng, tắc nghẽn đô thị…
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao đổi tại buổi làm việc. Ảnh: TTBC Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao đổi tại buổi làm việc. Ảnh: TTBC

Phát biểu tại buổi làm việc của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM với UBND thành phố, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, vị trí, vai trò đầu tàu tăng trưởng của Thành phố đối với phía Nam và cả nước đang suy giảm dần do tốc độ tăng trưởng giảm mạnh.

Đặc biệt, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ngày càng bất cập so với yêu cầu phát triển giai đoạn mới, đặc biệt là công tác quy hoạch. Hạ tầng giao thông đang rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng…

Thành phố cũng chưa phát huy được thế mạnh của một trung tâm khoa học - công nghệ trong việc nâng cao năng suất và chất lượng phát triển, chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhiều công trình, dự án bị “nghẽn” nhiều năm, nhất là các dự án bất động sản. Tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp...

Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước cho rằng, bên cạnh việc đề xuất Trung ương dành cho Thành phố một cơ chế tự chủ về tài chính ngân sách ở mức độ cao hơn so với hiện nay, nhiều ý kiến cũng góp ý với Thành phố tăng cường mở cửa, hội nhập, thu hút đầu tư nước ngoài, rà soát, loại bỏ quy hoạch treo.

Đặc biệt, nhiều ý kiến đề nghị Thành phố tăng cường đầu tư cho phát triển khoa học - công nghệ, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo để theo kịp các nước trong khu vực; coi đây là hướng phát triển trọng yếu trong thời gian tới.

Về việc tổng kết Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, Chủ tịch nước nhận xét thời gian qua, Thành phố đã thực hiện nhiều nội dung, nhưng có chính sách triển khai chậm, chưa phát huy đồng bộ, nên sự phát triển bị kìm hãm.

Do đó, chính sách mới cần tháo gỡ được các rào cản hiện tại, đồng bộ pháp lý, bãi bỏ nội dung không phù hợp và bổ sung cơ chế đột phá mới, áp dụng giao quyền mạnh mẽ hơn.

“Cơ chế mới sẽ phân cấp trên nhiều lĩnh vực như tự chủ tài khoá, thí điểm đánh thuế bất động sản, bán đấu giá quyền phát triển dự án, phát triển trung tâm tài chính, tạo quỹ đất xây nhà ở xã hội...”, Chủ tịch nước nói và lưu ý khung chính sách mới cần giúp Thành phố tháo gỡ được ngay những nút thắt về cơ sở hạ tầng, tắc nghẽn đô thị, ngập lụt, ô nhiễm môi trường.

“Việc ban hành cơ chế đặc thù không phải là ưu ái mà thực tế đang đòi hỏi để phát huy vai trò, tiềm năng và gắn trách nhiệm của Thành phố đối với cả nước. Đồng thời, tạo ra thế và lực để giải quyết dứt điểm các vấn đề bức xúc của người dân”, Chủ tịch nước nói.

Ngoài ra, Chủ tịch nước đề nghị Thành phố đặc biệt lưu ý đến yêu cầu giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân. Trong đó, tập trung xử lý những bất cập về quy hoạch; xây dựng Thành phố thành mô hình kiểu mẫu về không xả rác bừa bãi; huy động sự vào cuộc của mọi người dân, coi đây là trách nhiệm thường xuyên của chính quyền cơ sở.

“Có thể lấy Thành phố Thủ Đức làm mô hình thí điểm thành phố không có rác, thành phố an ninh, an toàn”, Chủ tịch nước gợi ý và đề nghị các lực lượng chức năng, nhất là Công an Thành phố cần xử lý tốt, kịp thời hơn mọi loại tội phạm. Cùng với đó là tiếp tục nâng cấp các nhà sinh hoạt cộng đồng, trung tâm văn hóa để đáp ứng tốt hơn đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Tiếp thu góp ý, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, sự mất đà, chậm nhịp thời gian qua có thể được giải quyết bằng cơ chế vượt trội, mang tính đột phá, và là nơi thí điểm các vấn đề mới để Trung ương rút kinh nghiệm.

"Chỉ cần đủ nhiên liệu và một đường ray an toàn cho tốc độ cao, thì chuyện tăng tốc của “đầu tàu” kinh tế Thành phố là hoàn toàn có thể", Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên nói.

Trọng Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục