1. NextTech mới đây đã bắt tay với Visa nhằm thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh tăng cường ứng dụng các phương thức thanh toán số trên mạng xã hội cùng các nền tảng trực tuyến khác.
Thương mại điện tử hiện là lĩnh vực phát triển nhanh nhất của nền kinh tế số Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng 35% mỗi năm. Thị trường thương mại điện tử trong nước đang có hơn 46,5 triệu người dùng, tăng 15,1% so với năm 2019. Bán hàng qua mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến khác hiện chiếm 60%, song thanh toán lại rất sơ khai, chủ yếu bằng phương thức COD (trả tiền khi giao hàng) và dưới 10% chuyển khoản trước. Hoàn toàn chưa có hiện diện công cụ thanh toán hiện đại, tiện lợi. Mảnh đất giàu tiềm năng nhưng đang bị bỏ ngỏ này, dưới con mắt của doanh nhân Nguyễn Hòa Bình và NextTech, rất cần được quan tâm và khai thác.
Năm 2019, dữ liệu của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương cho thấy, giá trị giao dịch trực tuyến và trên nền tảng di động đã tăng 238%, đạt tới 9 tỷ USD.
Cho đến nay, NextTech đã trở thành một hệ sinh thái với hơn 20 công ty cung cấp các dịch vụ trên nền tảng trực tuyến, hoạt động trong ba lĩnh vực chính, gồm thương mại điện tử, công nghệ tài chính, dịch vụ hậu cần và có văn phòng ở 7 quốc gia trên thế giới. Bí quyết để mở rộng đế chế của mình được Nguyễn Hòa Bình lý giải một cách đơn giản, là liên tục khởi nghiệp.
“Phải ra các sản phẩm mới liên tục, bởi vì bất kỳ sản phẩm nào cũng có vòng đời của nó. Vòng đời của sản phẩm giống như đường đi của tên lửa, lúc đầu bay cất lên, rồi sẽ cắm đầu xuống, mà khi cắm đầu xuống sẽ rất nhanh. Để quả tên lửa liên tục duy trì được độ bổng, độ cao của nó, cần nhiều quả tên lửa con khác để phóng ra liên tục”, anh ví von.
Thực tế, kể từ khi thành lập PeaceSoft, tiền thân của NextTech vào năm 2001 đến nay, NextTech lúc nào cũng… khởi nghiệp, có năm khởi nghiệp đến 5 - 7 công ty. Bình bật mí, dịp Covid-19 vừa qua, các doanh nghiệp khởi nghiệp gặp vô vàn khó khăn, liên tục đến gõ cửa xin hỗ trợ. NextTech cũng đã quyết định đầu tư vào 6 công ty.
“Bất kể khi chúng tôi đang tốt nhất, đang đi lên nhanh nhất thì cũng phải liên tục sáng tạo và startup các sản phẩm mới, kể cả có thất bại. Tên lửa con có xịt rơi xuống luôn thì cũng phải liên tục tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, nếu không sẽ chết”, vị doanh nhân tâm niệm.
2. Con đường khởi nghiệp chẳng phải khi nào cũng thuận lợi và Nguyễn Hòa Bình không ngại kể về những “quả tên lửa xịt” của NextTech.
Năm 2012, phong trào ship hàng phát triển rất mạnh, Nextech tung ra sản phẩm Shipchung, cổng chuyển phát cho doanh nghiệp bán hàng online. Thông qua một cổng, các nhà bán hàng có thể sử dụng dịch vụ đa dạng của các hãng vận chuyển khác nhau. Nhưng khi Shipchung đang ở đỉnh cao nhất vào những năm 2014 – 2015, Nguyễn Hòa Bình và các cộng sự đã nhận ra khả năng ứng dụng này có thể sẽ chết.
“Tại sao lại như vậy? Khi các hãng chuyển phát hiện đại hóa, họ tự trang bị công nghệ, có cổng của riêng họ về đối soát, về giờ đến giờ đi, kiểm tra hàng trên đường… Nhu cầu sử dụng cổng trung gian ít đi”, anh lý giải.
Xác định rõ điều đó, cuối năm 2015, NextTech đã ra mắt giải pháp hậu cần kho vận quản lý hàng hóa thương mại điện tử cho các nhà bán hàng online. Đúng như dự đoán, năm 2018 - 2019, Shipchung không còn đất “dụng võ” cũng là lúc Boxme lại tăng trưởng tốt lên và mở rộng ra khu vực Đông Nam Á.
Bất kể khi chúng tôi đang tốt nhất, đang đi lên nhanh nhất thì cũng phải liên tục sáng tạo và startup các sản phẩm mới, kể cả có thất bại
Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech
Ví dụ thứ hai là Ngân Lượng. Ra đời từ năm 2009, đến 2015, ông Bình và các cộng sự nhận thấy, Ngân Lượng làm trực tuyến, trong khi thanh toán ngoại tuyến mới nhiều, nhưng vẫn chủ yếu dùng tiền mặt. Ngay lập tức, NextTech cho ra mắt sản phẩm mPOS. Hiện nay, doanh số qua mPOS lớn gấp 3 lần Ngân Lượng. Đây là tốc độ rất nhanh sau gần 5 năm phát triển, trong khi Ngân Lượng hiện nay đã phát triển tới 12 năm.
“Không ngủ đông và không ngủ quên trên chiến thắng”, đó là quan điểm, tư tưởng xuyên suốt để cho doanh nghiệp phát triển trường tồn theo nhìn nhận của Nguyễn Hòa Bình.
Có một điều đáng nói về hệ sinh thái của NextTech. Đó là những gương mặt trẻ măng, tự tin đứng trước các diễn đàn, sự kiện chia sẻ về các giải pháp mà họ đã phát triển. Làm thế nào để kết nối, thu hút những chất xám này cùng Nguyễn Hòa Bình bắn ra những quả tên lửa mới?
Câu trả lời từ vị doanh nhân đang bước vào độ chín về tuổi đời và trải nghiệm khá bất ngờ: Bản thân người sáng lập chỉ phong độ được một giai đoạn, sẽ đến lúc mình bắt đầu già đi, chậm đi, yếu kém đi, không giỏi bằng thế hệ trẻ. Một công ty, tập đoàn muốn phát triển thì phải liên tục có nhân tố mới. Để phát triển các nhân tố mới, NextTech có 3 con đường:
Một là trong nội bộ tìm những yếu tố, những người ở vị trí bình thường, nhưng xuất sắc, có thiên hướng để bồi dưỡng, đào tạo trở thành người lãnh đạo, trao cho họ cơ hội để trở thành một doanh nhân công nghệ. Ở NextTech, 70% lãnh đạo đi theo con đường đó. “Cần trao quyền cho thế hệ trẻ để họ tiếp tục trở thành nhân tố mới”, anh nhấn mạnh.
Con đường thứ hai là thu hút nhân tài từ bên ngoài về, mời họ cùng chia sẻ quyền lợi, làm những dự án mới, sản phẩm mới.
Con đường thứ ba là đi đầu tư vào các startup non trẻ, thu hút họ về cùng một nhà, một hệ sinh thái với NextTech.
Khái niệm về doanh nhân công nghệ mà Nguyễn Hòa Bình đề cập đến rất tự nhiên nhưng lại rất lạ ở Việt Nam vì lâu nay, nền công nghệ của chúng ta vẫn mang nặng tính gia công và bán chất xám, giá trị thu về thấp.
Thực tế đáng lưu tâm này khiến Bình rất trăn trở. Anh nói thế hệ những người lãnh đạo đi trước cần có tư tưởng mở và tin. Mở tức là sẵn sàng chào đón, chấp nhận những thứ mới, không bảo thủ. Tin là dùng người thì phải tin, không tin không dùng. Trao cơ hội cho họ mà lại cho họ làm dưới bóng của mình thì người trẻ sẽ không phát huy được năng lực, không tạo ra được các thứ mới, không ra khỏi lối mòn có sẵn.
Cái bóng của người sáng lập đang được Nguyễn Hòa Bình thu nhỏ lại bằng cách không tham gia điều hành hàng ngày, mà chủ yếu dành thời gian tham gia việc quản trị kết quả. Bên cạnh đó là tìm tòi, nghiên cứu những hướng đi mới để truyền cảm hứng cho đội ngũ. Gần đây, anh tham gia sân chơi đầu tư tài chính để liên tục tìm cách mở rộng hệ sinh thái.
3. Chuyện mở rộng không gian kinh doanh cho hệ sinh thái, vươn ra các thị trường khu vực của NextTech cũng khá đặc biệt.
Thay vì mục tiêu trở thành doanh nghiệp tỷ USD, NextTech đang mong muốn trở thành bệ phóng cho 100 doanh nghiệp công nghệ khác ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á...
NextTech hiện nay chia sẻ tầm nhìn trở thành “tập đoàn luôn điện tử hóa và thuận lợi hóa cuộc sống của con người, bằng ứng dụng công nghệ thông tin”.
“Còn bao nhiêu tỷ đô là hệ quả của việc mình thực hiện sứ mạng ấy, điều đó không hẳn là vấn đề quan trọng nhất với chúng tôi”, Bình chia sẻ.
Các sản phẩm mới như chuỗi cung ứng thương mại điện tử (netsale.asia), cổng thanh toán (nganluong.vn, alepay.vn), ví điện tử (Vimo.vn), thanh toán thẻ trên di động (mpos.global), cho vay tiêu dùng (vaymuon.vn, tienngay.vn), hậu cần - kho vận (boxme.asia), ứng dụng gọi xe (Fastgo.mobi), dịch vụ vận chuyển theo yêu cầu (heyu.vn)… đã chinh chiến ở các thị trường Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ, Myanmar.
“Bất kỳ sản phẩm nào cũng sẽ được thúc đẩy ra nước ngoài trong vòng 6 tháng khởi nghiệp và hệ sinh thái của NextTech liên tục được mở rộng. Toàn cầu hóa chính là một bệ phóng quan trọng cho sự phát triển của NextTech. Nói đơn giản, giả sử mình là một doanh nghiệp mạnh ở Hà Nội. Nếu mình không vươn ra các tỉnh, thành phố khác thì sẽ có một doanh nghiệp khác mạnh ở nhiều tỉnh, thành sẽ đến Hà Nội cạnh tranh. Chúng tôi quan niệm: Tiến công và cách phòng thủ tốt nhất. Mình không đi, họ cũng đến. Chỉ có những doanh nghiệp nào có phạm vi hoạt động rộng hơn thì mới thu hút được nguồn lực, hợp tác nhiều hơn, nếu không các đối thủ sẽ sớm đè bẹp mình”, ông chủ NextTech đúc kết.