Ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch MSH cho biết, khó có doanh nghiệp nào có thể tồn tại với mức thuế đối ứng 46% mà Mỹ đưa ra trước đây. Không chỉ các nhà sản xuất Việt Nam, nhà cung cấp nguyên phụ liệu cho chuỗi dệt may mà cả các nhà nhập khẩu Mỹ cũng phá sản.
Bởi thế, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Dệt may Việt Nam đặt niềm tin vào năng lực thương thuyết của Chính phủ. Về phần mình, May Sông Hồng cũng chủ động thích ứng, trong bối cảnh hiện nay phải điều chỉnh, tổ chức sản xuất thế nào, tiết kiệm chi phí ra sao, có chiến lược đầu tư nguyên phụ liệu...
|
Ông Bùi Đức Thịnh trao đổi với các cổ đông trong giờ giải lao |
“MSH đang tính toán liên doanh đầu tư cả lĩnh vực dệt vải để tự chủ một phần nguyên liệu. Với chuỗi cung ứng dệt may gồm nhà cung cấp – nhà sản xuất - nhà nhập khẩu, chúng tôi đang làm việc để thống nhất chia sẻ rủi ro tăng thuế. Mỗi nhà sẽ cần giảm đi một phần lợi nhuận, san sẻ khó khăn dù theo hợp đồng, nhà nhập khẩu phải gánh tất cả. Tôi tin, chúng ta sẽ vượt qua cơn bĩ cực này.
Lịch sử MSH có nhiều giai đoạn vô cùng gian truân song cùng nhau, chúng ta đã vượt qua. Chắc chắn lần này cũng vậy, tôi hoàn toàn tin tưởng vào Ban điều hành Công ty”, ông Thịnh trao đổi với các cổ đông.
Ông Thịnh cũng nhấn mạnh quan điểm rằng, dù thương trường có khắc nghiệt đến đâu, May Sông Hồng cũng ưu tiên giữ được công nhân, đảm bảo công ăn việc làm và thu nhập cho họ. Còn công nhân là còn nhà máy.
Hiện MSH có 12.000 công nhân, lương trung bình, theo chia sẻ của Chủ tịch Công ty, đã tăng bình quân 10% trong vòng 6 tháng qua, lên mức trên 10 triệu đồng/người/tháng. Bởi vậy, cam kết trên đòi hỏi nỗ lực rất lớn của Ban điều hành.
Theo chia sẻ của ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc MSH, trong “nguy có cơ”, cơ hội với MSH là nhiều khách hàng nhập hàng từ Trung Quốc bắt buộc phải dịch chuyển sang Việt Nam. Hiện các đơn hàng dành cho Trung Quốc sang Việt Nam khá nhiều nên cũng là cơ hội tốt cho MSH.
Hiện khách hàng Mỹ chiếm 70% thị phần MSH, trong khả năng của mình, Công ty có thể hỗ trợ 1-2% phần thuế đội lên. Hiện MSH phát triển thêm khách hàng châu Âu, nhưng họ cũng là những nhà phân phối lớn vào Mỹ nên việc dịch chuyển thị trường khó có thể nhanh. Chưa kể, dung lượng các thị trường khác cũng như tỷ suất lợi nhuận không thể tốt bằng thị trường Mỹ.
|
Ông Bùi Việt Quang báo cáo tại đại hội |
“Nếu xuất hàng sang các thị trường mới như Trung Đông, MSH đặc biệt coi trọng tính thanh khoản, khả năng thanh toán. Cụ thể, khách hàng có tình hình tài chính ra sao, khả năng thanh toán thế nào, nếu xuất hàng mà không nhận được tiền kịp thời, rủi ro sẽ rất lớn”, ông Quang thận trọng.
Cũng có cổ đông đặt câu hỏi về việc liệu có khả năng chuỗi cung ứng dệt may dịch chuyển khỏi Việt Nam nếu mức thuế suất không thuận lợi, ông Quang cho rằng, điều này là khó bởi Việt Nam có lực lượng lao động chăm chỉ, thông minh, khéo léo, chính trị và môi trường đầu tư ổn định.
“Chuỗi sản xuất như hiện nay MSH mất gần 10 năm xây dựng. Ngay như chúng tôi đầu tư nhà máy tại Ai Cập giai đoạn 1 mới tuyển được 800 công nhân đang phải đào tạo, nhanh cũng mất vài ba năm mới ổn định”, ông Quang chia sẻ.
Bối cảnh có nhiều biến số khó đoán định song HĐQT MSH quyết định không điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm. Mục tiêu lợi nhuận 600 tỷ đồng, kế hoạch chia cổ tức 30-45% bằng tiền mặt vẫn được giữ nguyên, để đại hội thông qua. MSH cũng dự kiến tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 2:1 trong năm 2025.
Năm 2024, doanh thu thuần của Công ty đạt 5.280 tỷ đồng, tăng 16,3%; lợi nhuận trước thuế đạt gần 543,8 tỷ đồng, tăng 77% so với kết quả thực hiện 2023. Công ty đã trả cổ tức bằng tiền mặt 35% cho năm 2024 vào cuối tháng 12 vừa qua.
Mục tiêu lớn nhất được HĐQT Công ty quyết tâm thực hiện, đó là xây dựng MSH vững mạnh, hiệu quả trở thành nhà cung cấp sản phẩm dệt may thời trang lớn và có uy tín trong chuỗi cung ứng hàng dệt may toàn cầu, tiếp tục đứng trong top đầu các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.