Chủ tịch KBC: Không nên quá lạc quan về triển vọng kinh tế 2024

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (mã KBC) chia sẻ dự cảm về triển vọng của nền kinh tế trong năm 2024 và kinh nghiệm “vượt bão”.
Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (mã KBC) Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (mã KBC)

Năm 2023 sắp qua, theo ông, đâu là những điểm đáng chú ý của cộng đồng doanh nghiệp trong nước trong một năm có nhiều biến động?

2023 là năm có nhiều biến động trên thế giới, ngoài việc xung đột Nga - Ukraine trở nên khốc liệt và tiêu tốn hơn, thì đã xảy ra xung đột vũ trang khá nghiêm trọng giữa Israel và lực lượng Hamas. Thế giới thêm chao đảo, đặt cộng đồng doanh nghiệp trước nhiều rủi ro và bất ổn.

Giữa bối cảnh toàn cầu như vậy, Việt Nam may mắn có những yếu tố thuận lợi nhất định. Đặc biệt, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã dẫn đến một làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam để tránh rủi ro hàng hóa xuất vào Mỹ bị đánh thuế cao. Điều này giúp cho đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giữ được nhịp độ nhất định. Tuy vậy, cũng chỉ một số doanh nghiệp như KBC được hưởng lợi, còn rất nhiều doanh nghiệp khác gặp khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản nhà ở.

Từ trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp ông lãnh đạo cũng như qua quan sát, ông đánh giá những kinh nghiệm “vượt bão” nào có thể tham khảo, học hỏi?

“Vượt bão” luôn luôn là một bài toán rất khó. Theo tôi, việc đầu tiên đối với một doanh nghiệp là phải xây dựng một kế hoạch khá hoàn chỉnh, trong kế hoạch đó cũng cần dự trù các tình huống xảy ra. Dù lạc quan hay bi quan, doanh nghiệp cũng phải xây dựng được những đường hướng chính sách, chiến lược một cách hết sức cụ thể. Đây là điểm mấu chốt để khi khó khăn xảy ra, doanh nghiệp có thể chủ động điều chỉnh để giảm thiểu thiệt hại.

Vấn đề thứ hai là cách thức thực hiện kế hoạch đó. Chúng ta phải chuẩn bị một nguồn nhân lực đầy đủ và khả năng tài chính lành mạnh.

Thứ ba là quyết liệt thực hiện chương trình hành động đã đề ra. Thực tế cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp chọn hướng vượt bão bằng cách không làm gì cả. Họ cho rằng không làm gì cả còn tốt hơn là triển khai một công việc gì đó không chắc chắn.

Việc này có thể bảo vệ doanh nghiệp tránh được tổn thất, nhưng xét trên khía cạnh xã hội thì lại gây ra tổn thất rất lớn. Một là, gây ra thất nghiệp. Hai là, không tạo ra sản phẩm xã hội. Ba là, khi điều kiện thuận lợi đến thì không có nhân lực và không có phương án sẵn.

Cũng có nhiều doanh nghiệp chọn giải pháp giảm quy mô hoạt động, ví dụ chúng ta thấy rất rõ nhiều mặt bằng trống được trả lại, nhiều gian hàng, nhà hàng đóng cửa. Có những doanh nghiệp lựa chọn giải pháp chuyển đổi ngành nghề, ví dụ doanh nghiệp bất động sản xây dựng nhà ở cao cấp trước kia nay chuyển hướng sang xây dựng nhà ở thu nhập thấp để phục vụ nhu cầu thực tế về nhà ở của người dân, đặc biệt là gần các khu công nghiệp. Đây cũng là hoạt động mà tập đoàn chúng tôi nhắm đến, đó là xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thu nhập thấp.

Tham dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương 2023 (APEC 2023) và gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo quốc gia, tập đoàn lớn trên thế giới gần đây, ông có dự cảm gì về triển vọng kinh tế 2024?

Thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, do vậy, việc xây dựng kế hoạch cho năm 2024 cần hết sức thận trọng; trong đó, đặt tiêu chí linh hoạt lên trên hết.

Theo đánh giá chung thì tình hình thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro biến động. Ở trong bức tranh chưa có gì là sáng sủa đó, chúng ta chứng kiến một sự may mắn lớn, đó là Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới - không rơi vào suy thoái. Chính sách nâng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã rất thành công trong việc kiềm chế lạm phát. Nhiều dự báo cho rằng, tới đây, Fed sẽ hạ lãi suất cơ bản. Điều này tạo nên không khí tích cực mà chúng ta có thể nhìn thấy ngay lập tức, đó là các thị trường chứng khoán sẽ trở nên sôi động hơn, chi phí vay vốn sẽ được cải thiện và dòng vốn đi ra thị trường sẽ dồi dào hơn. Đây là hy vọng rất lớn đối với các doanh nghiệp.

Tuy vậy, một số chuyên gia cũng vẫn còn rất e dè khi đánh giá triển vọng kinh tế năm 2024.

Chúng ta không nên quá lạc quan, mà phải xây dựng một chiến lược phòng thủ nhất định. Trên cơ sở đó, sẽ quyết định một cách linh hoạt và cần theo dõi sát sao những biến động từ chính trị, xã hội, kinh tế.

Một điểm hết sức đặc biệt là Việt Nam đã cam kết tiến tới phát thải ròng bằng 0 (Net zero) vào năm 2050. Như vậy, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp sẽ tốn thêm chi phí bảo vệ môi trường để có thể phát triển bền vững hơn.

Vấn đề tiếp theo là thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng bắt đầu từ năm 2024, việc này sẽ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, cũng như những doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu công nghiệp. Do đã chuẩn bị từ trước nên KBC vẫn có nhiều lợi thế quỹ đất sẵn sàng với chi phí vốn rẻ, nên vẫn duy trì được mức cạnh tranh và hỗ trợ được nhà đầu tư.

Hiện đang là thời điểm các doanh nghiệp hoạch định kế hoạch kinh doanh năm 2024. Theo ông, họ cần lưu ý những vấn đề gì?

Cần lưu ý rằng, khó khăn trước mắt vẫn còn nhiều. Thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, các cuộc xung đột vũ trang chưa thể chấm dứt trong ngày một ngày hai, do vậy, việc xây dựng kế hoạch cho năm 2024 cần hết sức thận trọng; trong đó, đặt tiêu chí linh hoạt lên trên hết.

Theo dự báo của các tổ chức lớn và các chuyên gia trên thế giới, tăng trưởng GDP của Việt Nam có khả năng sẽ cao hơn năm 2023. Đây cũng là một tín hiệu tích cực.

Theo ông, những xu hướng kinh doanh, đầu tư, sự dịch chuyển nào từ quốc tế đến trong nước có thể tác động đến hoạt động của doanh nghiệp trong năm 2024?

Năm 2023 là năm hết sức quan trọng đối với Việt Nam, chúng ta đã nâng cấp quan hệ với Mỹ và Nhật Bản lên mức quan hệ cao nhất. Đây là một cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam và hàng hóa Việt Nam có thể tăng trưởng mạnh mẽ về xuất khẩu đến những thị trường lớn nhất thế giới. Mỹ cũng cam kết giúp Việt Nam phát triển công nghiệp bán dẫn, giúp Việt Nam bảo vệ môi trường tốt hơn. Chúng ta có cơ sở để hy vọng rằng, sẽ có dòng đầu tư lớn từ Mỹ vào Việt Nam, đặc biệt là đầu tư tài chính, vì Mỹ là thị trường vốn lớn nhất thế giới. Như vậy, có thể kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ sôi động hơn, việc huy động vốn với chi phí rẻ cũng sẽ cải thiện rất tốt đối với hoạt động sản xuất.

Bất động sản công nghiệp chắc chắn sẽ sôi động nhờ tiếp tục đón dòng vốn FDI vào Việt Nam, đặc biệt là các nhà máy sản xuất công nghệ cao hơn.

Là quốc gia có trữ lượng đất hiếm thứ nhì thế giới, nhưng chúng ta không có công nghệ để chế biến sâu. Để không chậm chân trong việc thu hút sản xuất chất bán dẫn và chip, Việt Nam cần có những chính sách, chương trình đào tạo nguồn nhân lực đối với lĩnh vực này.

KBC vẫn tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo quỹ đất sẵn sàng để tiếp tục đón nhận sự dịch chuyển đầu tư nhà máy, đặc biệt là các nhà máy công nghệ cao như sản xuất chất bán dẫn và chip. Chúng tôi cũng có kế hoạch lắp đặt pin mặt trời trên mái nhà xưởng để cung cấp thêm 20% năng lượng sạch, tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng sạch cho các sản phẩm sản xuất từ khu công nghiệp của chúng tôi, tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ.

Anh Việt thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục