ĐHCĐ của CTCP Hùng Vương (HVG) đã thông qua kế hoạch 2012 với doanh thu 7.500 tỷ đồng, trong đó doanh thu xuất khẩu 250 triệu USD, lợi nhuận trước thuế 550 tỷ đồng.
Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT HVG chia sẻ, trong quý II, nhiều doanh nghiệp không đủ nguồn vốn để đầu tư nuôi trồng thì HVG vẫn đầu tư bình thường. Diện tích mặt nước nuôi trồng của HVG chiếm trên 15% diện tích nuôi trồng của cả nước. Nhờ thế, khi các nhà máy chế biến thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ hoạt động 50-60% công suất, thì nhà máy của HVG chủ động đến trên 80% nhu cầu nguyên liệu nhờ chuỗi sản xuất khép kín.
Theo kế hoạch, HVG sẽ tăng tỷ lệ sở hữu ở CTCP Xuất nhập khẩu Lâm thủy sản Bến Tre, từ 18% lên 50%, tiến tới hợp nhất thành công ty con. Từ đó, HVG sẽ đầu tư nuôi tôm tại vùng nuôi rộng trên 600 héc-ta ở Bến Tre.
Ông Minh khẳng định, HVG có vùng nuôi tôm công nghiệp lớn nhất cả nước, có cơ sở sản xuất giống quy mô. Hiện tỉnh Ninh Thuận đang hoàn thành thủ tục giao 16 héc-ta đất tại Ninh Chữ cho HVG phát triển một trại tôm giống quy mô tầm cỡ trong khu vực châu Á.
Ông Minh cho biết, HVG đã có đơn đặt hàng của các khách hàng cho đợt thu hoạch tôm trong tháng 5 tới. Tỷ suất lợi nhuận nuôi tôm của HVG là 30-60%, trong khi cá chỉ là 10%.
HVG đặt kế hoạch giai đoạn 2012 - 2015, sẽ từng bước phát triển và hợp nhất các công ty. Theo dự tính, nếu chưa hợp nhất, HVG có thể đạt được 8.000 tỷ đồng doanh số, nếu hợp nhất (ví dụ như hợp nhất với Công ty Hùng Vương miền Tây) thì doanh số sẽ tăng lên 12.000 tỷ đồng. Dự kiến năm 2013, doanh thu HVG sẽ tăng lên 13.000 tỷ đồng.
Do có lợi thế về cá tra nên HVG đặt mục tiêu 2012 chiếm 20% thị phần trong nước và với những điều kiện thuận lợi như hiện nay, lãnh đạo HVG dự kiến có thể đạt trên 300 triệu USD xuất khẩu.
Ông Minh cho rằng, giá cổ phiếu của HVG 30.000 đồng/cổ phiếu là quá rẻ, vì nếu tính riêng 500 héc-ta diện tích nuôi trồng mà HVG đang có, với đơn giá 1 héc-ta là 1 tỷ đồng thì diện tích nuôi trồng là 500 tỷ đồng. Giá trị này không được ghi nhận trong báo cáo tài chính vì đã khấu hao hết. Tổng tài sản cố định của HVG là 1.016 tỷ đồng.
“Chỉ riêng hai khoản này thôi cũng thấy khối tài sản của HVG là rất lớn, chưa kể đến những giá trị vô hình mà HVG đã xây dựng được như thương hiệu, uy tín, đội ngũ nhân sự kinh nghiệm, tay nghề cao. Nếu bỏ ra 3.000 tỷ đồng cũng không thể sở hữu HVG được”, ông Minh nói.
HVG đang có kế hoạch tăng vốn bằng cổ phiếu thưởng vào quý III nếu điều kiện thuận lợi.