Chủ tịch Hòa Phát (HPG) Trần Đình Long: "Tháo gỡ về thể chế chính sách nếu làm nhanh hơn nữa rất có lợi cho doanh nghiệp"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (HPG) kiến nghị 3 vấn đề nhằm tháo gỡ khó khăn chung của cộng động doanh nghiệp tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước diễn ra ngày 21/09.
Chủ tịch Hòa Phát (HPG) Trần Đình Long: "Tháo gỡ về thể chế chính sách nếu làm nhanh hơn nữa rất có lợi cho doanh nghiệp"

Ông Long cho biết, tinh thần chung và đặc biệt mấy tháng nay cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi, bởi những khó khăn về thể chế chính sách đã được tháo gỡ rất nhiều, theo hướng tốt hơn. Nhưng đề xuất đầu tiên của ông Long để đất nước phát triển, hoạt động sản xuất - kinh doanh tốt hơn là “cần đặc biệt tháo gỡ về thể chế chính sách”.

“Tôi nói có thể hơi ngược, luật do con người làm ra và có thể điều chỉnh được. Việc này cần làm nhanh hơn, nhanh hơn và nhanh hơn nữa. Chúng tôi chỉ mong muốn như vậy thôi. Nếu làm nhanh thì rất có lợi cho doanh nghiệp. Ví dụ nhỏ là quy hoạch cảng biển ảnh hưởng rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Riêng với Hòa Phát có nhu cầu bốc xếp 70 triệu tấn/năm, nếu không xong các cảng theo quy hoạch thì không thể hoạt động hiệu quả được. Quy hoạch cảng biển Việt Nam có 3 loại nhưng triển khai thực tế hiện chưa đáp ứng yêu cầu. Cứ chậm là thiệt hại cho doanh nghiệp và người dân. Thể chế cần tháo gỡ thật nhanh. Hay như đề xuất của Hiệp hội Thép Việt Nam về quy chuẩn kỹ thuật sản phẩm thép 10 năm nay chưa xong”, ông Long dẫn chứng.

Đề xuất thứ 2 của Chủ tịch Hòa Phát là cần có văn bản thể hiện rõ ràng việc ủng hộ, bảo vệ sản xuất trong nước. Tất cả các nước đều quan tâm, thậm chí dựng hàng rào bảo vệ sản xuất nội địa. Ông Long chia sẻ, gần đây các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ có nhiều chỉ đạo khiến doanh nghiệp thấy ấm lòng vì nhận được sự quan tâm kịp thời. Rất mong Chính phủ, các Bộ ban ngành có chính sách quy định cụ thể, ủng hộ, bảo hộ hợp lý chính đáng theo các quy định của Việt Nam và thế giới cho sản xuất trong nước để doanh nghiệp yên tâm đầu tư.

Đề xuất thứ 3 là nếu Nhà nước muốn có các doanh nghiệp Việt Nam phát triển lớn mạnh như Pohang, Posco của Hàn Quốc thì cần có chính sách đặc biệt, đặc thù để nuôi dưỡng được các doanh nghiệp đủ lớn. Mong là trong quy hoạch, chiến lược phát triển ngành thép có biện pháp cụ thể để nuôi dưỡng phát triển được doanh nghiệp sản xuất thép lớn. Khi đó, ngành công nghiệp phụ trợ cũng sẽ phát triển, hạn chế phụ thuộc hàng nhập khẩu.

Hàng năm, từ năm 2025 doanh nghiệp cần 4 tỷ USD Mỹ nhập nguyên liệu, nếu các bộ ngành cho phép khai thác mỏ Quý Xa sẽ đỡ cho doanh nghiệp phải nhập khẩu nhiều, hạn chế chảy máu ngoại tệ, tốt cho đất nước. Chính phủ có thể đấu giá công khai, làm nhanh các thủ tục để đưa vào khai thác mỏ quặng sắt này.

Trả lời câu hỏi của lãnh đạo Chính phủ về khả năng cung cấp đường ray cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, ông Long cho biết: “Từ hai ba năm nay chúng tôi đã nghiên cứu dòng sản phẩm này. Tôi khẳng định việc sản xuất thép đường ray hoàn toàn nằm trong khả năng của Hòa Phát. Dây chuyền Khu liên hợp tại Dung Quất của Hòa Phát áp dụng công nghệ hiện đại nhất của châu Âu và các nước G7, thậm chí hiện đại hơn rất nhiều nhà máy thép của Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhưng để làm đường ray có đặc thù, rất khó khăn trên thực tế. Trước đây Việt Nam làm đường sắt ray dài 20-25m, còn đường ray tàu cao tốc 150 - 200 km/h thì ray cần dài 50m. Vừa qua Trung ương quyết định đầu tư đường sắt tốc độ cao tới 350km/h thì đường ray bắt buộc phải dài 100m. Các nhà máy sản xuất thép ray ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc họ làm nhà máy thép đường ray ngay cạnh dự án vì khâu vận chuyển sản phẩm này rất khó khăn, nếu như nhà máy ở xa dự án, tương tự như vận chuyển cột điện gió. Về kỹ thuật là không khó nhưng có 1 số điều kiện thực tế là khó khăn. Nếu Chính phủ, Thủ tướng giao cho doanh nghiệp làm, thì Hòa Phát có thể làm nhiều loại thép cung cấp cho dự án, không riêng thép đường ray”.

Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á, tương đương Top 50 doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất thế giới. Số cán bộ công nhân viên của Tập đoàn hiện là trên 32.000 người.

Hiện nay, Hòa Phát có Khu liên hợp sản xuất thép lớn nhất tại tỉnh Quảng Ngãi với vốn đầu tư khoảng 7 tỷ USD. Nếu đánh giá một doanh nghiệp thuần sản xuất công nghiệp thì Hòa Phát đang là doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Khi dự án Dung Quất 2 ổn định, doanh thu hàng năm của Tập đoàn từ 150 - 250 nghìn tỷ đồng đóng góp ngân sách khoảng 15 - 20 nghìn tỷ đồng/năm. Lũy kế trong hơn 10 năm qua, Hòa Phát đã đóng góp vào ngân sách nhà nước 100 nghìn tỷ đồng.

Năm 1995, Việt Nam tham gia Hiệp hội Thép Đông Nam Á, đứng thứ 5 với sản lượng rất thấp. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đã vươn lên Top 12 quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới đứng đầu Đông Nam Á với sản lượng 20 triệu tấn thép thô (năm 2023), theo báo cáo của Hiệp hội thép thế giới.

Thu Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục