Chủ tịch HNX: “Sáng tạo là chìa khóa phát triển của thị trường chứng khoán”

(ĐTCK) Trước khi đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), ông Nguyễn Thành Long là Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, người được thị trường biết đến trong vai trò chấp bút nhiều đề án, văn bản pháp lý quan trọng của TTCK. Những câu chuyện chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán của ông Long cho thấy, để xây dựng, vận hành và quản lý TTCK, sáng tạo là yếu tố đặc biệt quan trọng.
Ông Nguyễn Thành Long Ông Nguyễn Thành Long

Năm 2016, công chúng đầu tư đã chứng kiến sự bùng nổ của UPCoM. Là người đứng đầu cơ quan quản lý, vận hành thị trường này, ông nghĩ sao về sự tăng trưởng của thị trường?

Tính đến ngày 30/12/2016, tổng giá trị vốn hóa của các doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UPCoM đạt gần 356,7 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 5 lần so với cuối năm 2015. Về thanh khoản, giá trị giao dịch trung bình phiên năm 2016 là 127,28 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm 2015. Trong đó, khối nhà đầu tư nước ngoài tăng cường tham gia giao dịch, giá trị mua ròng trong năm 2016 tăng mạnh so với những năm trước đó.

Đây là những con số ấn tượng cho thấy mức độ tăng trưởng của UPCoM. Thực ra, đây là xu thế tất yếu, điều mà cơ quan quản lý thị trường đã có thể dự báo trước từ khi bắt tay xây dựng UPCoM.

Trong một, hai năm gần đây, nhờ nỗ lực bền bỉ của Bộ Tài chính, UBCKNN cùng với sự hỗ trợ của hàng loạt các chính sách như: Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của DNNN, yêu cầu doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu; Thông tư 180/2105/TT-BTC hướng dẫn đăng ký giao dịch trên UPCoM; đặc biệt là Thông tư 115/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016 của Bộ Tài chính yêu cầu gắn cổ phần hóa với niêm yết, đăng ký giao dịch trên UPCoM, thị trường UPCoM đã được tạo điều kiện để phát triển, tôi tin rằng UPCoM sẽ còn tăng trưởng mạnh. 

Thanh khoản trên UPCoM tăng mạnh, nhưng con số tuyệt đối vẫn chưa đủ lớn, ông nghĩ sao về điều này?

Tôi cho rằng, để nói về vấn đề thanh khoản thì cần nhìn trong mối tương quan giữa vốn hóa bình quân và giá trị giao dịch. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp mặc dù là công ty đại chúng có cổ phiếu giao dịch trên UPCoM, nhưng tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước hoặc tỷ lệ cổ phiếu bị hạn chế giao dịch vẫn rất lớn, có những doanh nghiệp gần như không có cổ phiếu tự do chuyển nhượng.

Chủ tịch HNX: “Sáng tạo là chìa khóa phát triển của thị trường chứng khoán” ảnh 1

Điều này, ảnh hưởng nhiều tới tính thanh khoản trên thị trường. Nếu loại bỏ phần cổ phiếu không được tự do chuyển nhượng, tương quan giá trị giao dịch trung bình phiên với vốn hóa bình quân của UPCoM tương đương với thị trường niêm yết.

Tuy nhiên, HNX vẫn chủ trương tìm các giải pháp để nâng thanh khoản UPCoM như: thu hút nhiều doanh nghiệp mới lên UPCoM, tăng cường chất lượng công bố thông tin, đưa quy định về nhà tạo lập thị trường với cơ chế ưu đãi phí cho công ty chứng khoán thực hiện giao dịch tạo lập thị trường (quy định về phí giao dịch mới vừa được Bộ Tài chính ban hành đã cho phép phí dành cho nhà tạo lập thị trường chỉ bằng 20% so với phí giao dịch tự doanh), duy trì biên độ dao động giá cao, nghiên cứu xây dựng thị trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up)… để tăng sức hấp dẫn cho thị trường.

Đặc biệt, chúng tôi đang chuẩn bị cải tiến phân bảng giao dịch trên UPCoM, sắp tới sẽ có các bảng: blue-chips, doanh nghiệp vốn hóa trên 1.000 tỷ đồng, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp lợi nhuận cao. Việc phân bảng này nhằm tăng tính hấp, hỗ trợ và định hướng tốt hơn cho các đối tượng tham gia thị trường. Theo thời gian, giống như các thị trường khác, sức hấp dẫn của UPCoM sẽ tăng lên nhiều hơn. 

Không phủ nhận sức hấp dẫn ngày một tăng của UPCoM, nhưng có ý kiến cho rằng, yêu cầu khá “lỏng” so với hai sàn niêm yết khiến đầu tư trên UPCoM có rủi ro cao?

Tôi cho rằng, chúng ta nên nhìn UPCoM ở nhiều góc độ để thấy việc ra đời, tồn tại và phát triển của UPCoM là tất yếu, chứ không phải là bẫy rủi ro cho nhà đầu tư.

Thông lệ các nước trên thế giới cũng luôn có các thị trường như vậy. Ví dụ, Nhật Bản có First Section (thị trường bảng 1) với tiêu chí niêm yết cao nhất, sau đó có Second Section (thị trường bảng 2) với tiêu chí thấp hơn và sau đó là Mothers Board tương tự như UPCoM của Việt Nam.

Tại Hàn Quốc, KOSPI là thị trường có tiêu chuẩn niêm yết cao nhất, thấp hơn một chút có KOSDAQ, còn KONEX tương tự UPCoM của Việt Nam, sắp tới là KSM cho riêng start-up, bên cạnh thị trường KRX. Tương tự như vậy, với các TTCK phát triển cũng có nhiều thị trường được lập nên để đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư.

Ở góc độ cơ quan quản lý và vận hành thị trường, UPCoM có nhiều vai trò. Trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện niêm yết, hoặc muốn niêm yết trên TTCK. Trong trường hợp đó, thông qua việc đăng ký giao dịch cổ phiếu tập trung trên UPCoM, minh bạch thông tin doanh nghiệp sẽ trở nên tốt hơn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp.

Đối với Việt Nam, điều này có cả ý nghĩa chính trị với các DNNN cổ phần hóa, bởi khi lên sàn chứng khoán tập trung, Nhà nước có thêm cơ chế giám sát hoạt động doanh nghiệp và căn cứ xác định giá khi thoái vốn. 

Nhưng nhiều nhà đầu tư đang mặc định rằng, đã lên sàn thì phải là doanh nghiệp tốt. Trong khi đó, trên UPCoM có cả những doanh nghiệp thua lỗ, thậm chí mất hết vốn chủ sở hữu?

Tôi cho rằng, theo thời gian, thị trường sẽ vận hành theo thông lệ quốc tế đó là hướng đến quản lý thị trường bằng những yêu cầu ngặt nghèo trong công bố thông tin khi chào bán ra công chúng như: đầy đủ, minh bạch, kịp thời… thay vì quản lý chất lượng hàng hóa đầu vào như tư duy truyền thống.

Tư duy này cũng rất cần thiết với các dự án khởi nghiệp, bởi doanh nghiệp mới khởi nghiệp khó có lợi nhuận ngay được. UPCoM đáp ứng được điều này khi cho phép doanh nghiệp chỉ cần là công ty đại chúng và công bố thông tin đầy đủ là được đăng ký giao dịch cổ phiếu.

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp thua lỗ ở một thời điểm nào đó không có nghĩa là họ sẽ mãi thua lỗ. Có những tổ chức hoặc nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn đầu tư vào những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nhưng minh bạch thông tin tốt, nhiều khả năng doanh nghiệp thua lỗ sẽ có lãi trở lại, chia cổ tức cho nhà đầu tư. Khi đó, UPCoM đóng vai trò “bà đỡ” cho sự hồi phục của các doanh nghiệp.

Một điều tương đối thú vị, đó là những quy định pháp lý về chứng khoán áp dụng đối với các DNNN cổ phần hóa, cụ thể là các quy định áp dụng trên UPCoM, đã tiếp cận rất gần với thông lệ quốc tế ở các quốc gia phát triển.

Thứ nhất, trong hoạt động giao dịch thứ cấp, theo Thông tư 115/2016/TT-BTC thì việc đấu giá cổ phần hóa  (thực chất là chào bán ra công chúng) các DNNN đã gắn với hoạt động giao dịch thứ cấp ngay sau khi kết thúc đợt chào bán, đây thực chất là quá trình IPO theo thông lệ quốc tế.

Thứ hai, trong hoạt động chào bán sơ cấp, thì cho tới thời điểm hiện tại, các DNNN được đấu giá công khai tại các Sở GDCK mà không yêu cầu phải đáp ứng các điều kiện về lợi nhuận…, đơn giản chỉ công bố thông tin đầy đủ cho nhà đầu tư trước khi thực hiện.

Chủ tịch HNX: “Sáng tạo là chìa khóa phát triển của thị trường chứng khoán” ảnh 2

Đây thực chất là cách tiếp cận chào bán dựa trên công bố thông tin đầy đủ (full disclosure) rất phổ biến hiện nay ở các quốc gia phát triển, thay cho phương thức chào bán sau khi được chấp thuận của cơ quan quản lý (merit review) - phương pháp mà chúng ta đang áp dụng đối với các doanh nghiệp tư nhân khi chào bán chứng khoán ra công chúng.

Tất nhiên, chúng ta cần tiếp tục quan tâm tới nhiều vấn đề khác, như chế độ kế toán, kiểm toán doanh nghiệp cũng phải chuyển sang áp dụng theo cơ chế giá trị hợp lý; chế độ công bố thông tin doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế IFRS; công tác quản lý, giám sát và đặc biệt là xử lý vi phạm, phải được nâng cao hơn nữa. 

UPCoM là nơi thử nghiệm của những thông lệ quốc tế, theo ông, cụm từ “sáng tạo” có đủ để mô tả cho quá trình xây dựng pháp lý của Việt Nam cho UPCoM?

TTCK vẫn được coi là thị trường tài chính bậc cao của nền kinh tế. Nhìn lại 20 năm qua kể từ khi ngành chứng khoán Việt Nam bắt đầu định hình, chúng ta có thể thấy rằng, bên cạnh việc học tập kinh nghiệm các thị trường đã phát triển, chúng tôi đã vận dụng một cách linh hoạt và sáng tạo phù hợp với đặc điểm, trình độ phát triển của TTCK Việt Nam.

Bản thân việc hoàn thiện các quy định pháp lý áp dụng cho UPCoM, đặc biệt việc áp dụng hầu hết các thông lệ quốc tế tốt nhất đối với việc cổ phần hóa các DNNN như các quy định về gắn đấu giá công khai với đăng ký lưu ký và đăng ký giao dịch; quy định đấu giá công khai các DNNN mà không yêu cầu các tiêu chí về lợi nhuận; các quy định về cơ chế tạo lập thị trường sắp tới áp dụng trên hệ thống UPCoM; quy định về giao dịch ký quỹ, chứng khoán phái sinh, hợp đồng tương lai, hay các cơ chế giao dịch trong ngày, giao dịch chứng khoán chờ về; hoặc các sản phẩm quỹ bậc cao như ETF, quỹ bất động sản REITS đang niêm yết tại các Sở GDCK ở Việt Nam… là những minh chứng rõ nhất cho điều đó.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, căn bản nhất vẫn là việc phải tôn trọng thị trường và tôn trọng kỷ luật thị trường. Tất cả thành viên thị trường, bao gồm cả cơ quan quản lý và các tổ chức vận hành đều cần phải tuân thủ các chuẩn mực và nguyên tắc thị trường trong vận hành thị trường.

Nghị định 60/2015/NĐ-CP có nhắc đến khái niệm UPCoM “là nơi tổ chức giao dịch cổ phiếu của công ty đại chúng chưa niêm yết, cổ phần của doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa dưới hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng”. Kết quả là, chỉ với một sự hiệu chỉnh rất nhỏ, đã tạo ra một hiệu ứng đột phá rất lớn, đó là hiện thực hóa được một cách hiệu quả chủ trương tái cấu trúc DNNN của Chính phủ, Bộ Tài chính khi yêu cầu cổ phần hóa phải gắn với đưa cổ phiếu vào giao dịch, ít nhất là trên UPCoM.

Bùi Sưởng thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục