Chủ tịch HNX: Đặt niềm tin vào sự nỗ lực

(ĐTCK) Cuối tuần qua, Sở GDCK Hà Nội (HNX) và Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) đã có buổi giao lưu, trao đổi giữa những người liên quan đến công việc  chuẩn bị cho TTCK phái sinh tại Việt Nam. Có hơn 40 người tham dự sự kiện. 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cùng Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Trung tham dự Lễ khai trương phiên giao dịch đầu năm 2016 tại HNX Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cùng Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Trung tham dự Lễ khai trương phiên giao dịch đầu năm 2016 tại HNX

“Nhìn sức trẻ và quyết tâm của các cộng sự, tôi như thấy nhiệm vụ xây dựng TTCK phái sinh nhẹ nhàng hơn cái thời xây dựng Trung tâm GDCK Hà Nội 13 năm trước. Tôi đặt niềm tin vào sự nỗ lực và khát vọng, dù thực tế, xây TTCK phái sinh là xây một thị trường mới hoàn toàn, phức tạp và thách thức”, Chủ tịch HNX Trần Văn Dũng tâm sự. 

Cuộc hành trình xuất phát từ nhu cầu thực tiễn

Chiều cuối Đông, Hà Nội mưa phùn giăng khắp phố. Không gian TTCK  Việt Nam cũng như chùng xuống trong một giai đoạn nhạy cảm: bất ổn chính trị lan rộng trên toàn cầu với sự nổi dậy của lực lượng IS và giá dầu không ngừng rơi sâu, phá vỡ mọi dự báo trước đó. Trong căn phòng làm việc được trang trí khá đơn giản, Chủ tịch HNX Trần Văn Dũng tiếp chúng tôi bằng câu chuyện mở đầu khác với mọi lần.

Dường như giá dầu rơi sâu cùng với những bất ổn chính trị trên toàn cầu đã tác động quá đà đến tâm lý nhà đầu tư Việt Nam, không ít phiên đỏ sàn, với những lệnh  bán được tung ra ồ ạt. Người đứng đầu HNX thay vì nói chuyện về sản phẩm mới, về công nghệ mới hay giải thích chính sách pháp lý mới như mọi lần, đã chọn giá dầu là câu chuyện đầu tiên.

Chủ tịch HNX: Đặt niềm tin vào sự nỗ lực ảnh 1

Ông Trần Văn Dũng
 

“Thế giới đảo lộn vì giá dầu mà nguyên nhân căn bản là sự chuyển động ngược chiều của cung cầu mặt hàng đặc biệt này”, Chủ tịch HNX nhìn nhận. Trong khi nền kinh tế Trung Quốc - nơi tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới - đang giảm tốc mạnh mẽ thì tại nơi nguồn cung dầu lớn nhất thế giới - OPEC - sản lượng vẫn liên tục tăng lên do những bất đồng nội bộ bùng phát và lan rộng. Cung tăng, cầu giảm đã làm giá dầu rơi sâu, xuống dưới 30 USD/thùng, trực tiếp khiến TTCK toàn cầu, đặc biệt là TTCK  các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Đức và một số quốc gia ASEAN suy giảm mạnh kể từ gần 2 tháng trở lại đây.

“TTCK Việt Nam phản ứng chậm hơn một chút, nhưng không thể đứng ngoài ảnh hưởng này”, ông nói. “Nếu đặt TTCK Việt Nam trong bối cảnh TTCK toàn cầu, chúng ta sẽ có  cái nhìn  bình tĩnh, kiên định thực hiện các giải pháp mang tính chiều sâu, nhằm hoàn thiện cấu phần thị trường, giúp nhà đầu tư có thêm công cụ để phòng chống rủi ro, bảo vệ tài sản trước các biến cố cũng như có thêm lựa chọn đầu tư”.

Vào  thời  điểm hiện tại, biến động của giá dầu vẫn là dấu hỏi lớn, nhưng Chủ tịch HNX tin rằng, giá mặt hàng đặc biệt này sẽ không giảm quá sâu và quá lâu.

Lý do: chi phí sản xuất dầu ở nhiều nước từ 25-30 USD/thùng, nếu giá rơi dưới mức này, sẽ có nhiều công ty, nhiều quốc gia thua lỗ. Khi chạm đến ngưỡng thua lỗ, nguồn cung sẽ tự nó điều tiết giảm, để đưa giá dầu trở về mức cao hơn. Với nhận định như vậy, ông Dũng tin rằng, TTCK Việt Nam dù đang bị ảnh hưởng không nhỏ, nhưng nhìn trung hạn sẽ thấy trong nguy có cơ. “Chỉ số chứng khoán rơi sâu so với mốc 600 điểm là lúc có thể tìm thấy nhiều cơ hội đầu tư tốt ở các cổ phiếu cơ bản”, ông đánh giá.

Nhưng ai sẽ sẵn sàng mua cổ phiếu, nhất là cổ phiếu ngành dầu khí trên TTCK Việt Nam, trong bối cảnh rủi ro về giá dầu rơi chưa có điểm dừng? GAS, PVD, PVS… những cổ phiếu tốt nhất ngành dầu khí, một năm trước, không ai có thể ngờ lại rơi về mức giá dưới 30.000 đồng/CP, dưới 50.000 đồng/CP như  hiện nay. Dù niềm tin giá dầu sẽ hồi phục có nhen nhóm, thì nhà đầu tư vẫn dè dặt mua vào vì phía sau họ không có bảo hiểm nào nếu giá dầu tiếp tục rơi sâu.

Rủi ro trên TTCK cơ sở đang đặt ra một đòi hỏi bức thiết và tiếp thêm động lực Việt Nam phải sớm tạo dựng TTCK phái sinh, nói một cách nôm na là xây dựng một TTCK mới mà chức năng chính của nó là cung cấp công cụ bảo hiểm rủi ro trên thị trường cơ sở.

Nếu như việc xây dựng thị trường cơ sở ở Hà Nội 13 năm về trước được Chủ tịch HNX khái quát là cuộc hành trình của nhận thức, quyết tâm và sáng tạo, thì nay, việc xây dựng TTCK phái sinh được ông diễn tả dung dị là “xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, nhu cầu của nhà đầu tư cần có công cụ phòng ngừa rủi ro”.

“Tại nhiều nước, TTCK phái sinh ra đời sau thị trường cơ sở từ 20 - 25 năm, nhưng ở Việt Nam, khi có sự chuẩn bị sớm, chúng ta sẽ ra đời được TTCK phái sinh sớm hơn khoảng cách này”, ông hy vọng.

“Điểm dễ của nhiệm vụ này là hiểu biết của nhà đầu tư, của các thành viên TTCK đã nâng lên nhiều so với 15 năm trước, nhưng điểm khó lại ở chỗ thị trường này chọn lọc nhà đầu tư, để tham gia thị trường, các nhà đầu tư phải tiếp tục nâng hiểu biết lên một bậc nữa. Tạo dựng được rồi cũng có thể sẽ cần nhiều thời gian để thu hút các nhà đầu tư tham gia”, ông Dũng nói. 

“Nhận nhiệm vụ xây dựng TTCK phái sinh, có người đến chúc mừng HNX, nhưng cũng có người chia sẻ với HNX về những thách thức, vất vả sắp đến”. Chủ tịch HNX tâm sự và cho biết, ông tin ở  sức mạnh và sự quyết tâm của các cộng sự. “Nhóm những người đầu tiên đi vỡ đất có khoảng 40 nhân sự nòng cốt và khát vọng, nhiệm vụ xây dựng TTCK phái sinh dù khó mấy nhưng tôi vững tin sẽ vượt qua”, ông nói.

Nhiệm vụ của tương lai

Bên cạnh nỗ lực xây dựng TTCK phái sinh, nhìn tổng thể thị trường tài chính Việt Nam sẽ thấy một điểm khuyết quan trọng: thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nếu như tại Hàn Quốc và nhiều TTCK lớn trong khu vực, quy mô vốn hóa thị trường trái phiếu  doanh nghiệp chiếm hơn 70% GDP, thì tại Việt Nam, thị trường này chưa được định hình, chưa được quản lý, dù thực tế, nhiều doanh nghiệp rất mong muốn huy động vốn qua kênh này.

Khác với thị trường cổ phiếu, nơi doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có thể huy động được vốn mới  từ các cổ đông, nhà đầu tư, thì trên thị trường  trái phiếu, nhiều năm gần đây, chỉ có một số ít doanh nghiệp lớn (BIDV, Massan, Vietcombank, Vingroup, Techcombank…) huy động được vốn. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ 3-4% GDP cho thấy, thị trường còn quá bé nhỏ so với tiềm năng và trách nhiệm cần có của nó như một cấu phần của thị trường tài chính trong nền kinh tế thị trường tại Việt Nam.

Trong Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành,  nhiệm vụ xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã được đặt ra với mục tiêu Việt Nam dần từng bước tạo dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Tại HNX, ông Dũng chia sẻ một tin vui: vào giai đoạn HNX sắp phải trình Đề án tạo lập thị trường trái phiếu doanh nghiệp lên UBCK, Bộ Tài chính thì Bộ Kinh tế Hàn Quốc đã quyết định dành cho Sở một khoản trợ giúp kỹ thuật, cụ thể là cử chuyên gia sang tư vấn giúp Sở xác định mô hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Với sự trợ giúp Hàn Quốc, HNX thêm quyết tâm hoàn tất Đề án xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, dự kiến sẽ trình cơ quan quản lý trong quý I/2016.

“Nhận nhiệm vụ xây dựng TTCK phái sinh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp - là hai thị trường mới mẻ và thách thức, có khi nào ông (HNX) cảm thấy mệt quá không?”. Chủ tịch HNX cười thật tươi như để tiếp thêm năng lượng và chia sẻ, đúng áp lực rất lớn, nhưng so với thời kỳ xây dựng thị trường cơ sở trước đây, nhiệm vụ hôm nay có lẽ nhẹ hơn ít nhiều. “Tôi tin vào đội ngũ cộng sự vì chúng tôi cùng mục tiêu, cùng khát vọng. Hạnh phúc lớn hơn áp lực khi chúng tôi cùng bước, cùng trải nghiệm và tin tưởng sẽ làm tốt nhiệm vụ được giao”, ông nói.

Không ít lần chuông điện thoại  reo giữa cuộc trò chuyện của vị Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc HNX với người  làm báo. Bận rộn với hàng loạt công việc là điều dễ hiểu, cũng bởi HNX sau 10 năm vận hành đã lớn mạnh ngoài sức tưởng tượng: là nơi tổ chức thị trường cho gần 700 doanh nghiệp niêm yết và đại chúng, là nơi vận hành thị trường trái phiếu chính phủ, là nơi mà các chủ thể (Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp…) đã huy động được trên 1 triệu tỷ đồng vốn cho đầu tư phát triển.

Theo thời gian, trên 2.500 phiên giao dịch đã được tổ chức an toàn, suôn sẻ tại HNX. Hàng nghìn, hàng vạn phiên giao dịch nữa sẽ được tổ chức an toàn nơi đây để thúc đẩy dòng chảy vốn luân chuyển nhanh hơn, hiệu quả hơn trên thương trường…

Ai đó đã đúc kết: niềm tin là sức mạnh thúc đẩy sự sáng tạo vượt bậc. Bên cạnh việc vận hành các thị trường cơ sở, hy vọng hai thị trường mới sẽ sớm định hình từ niềm tin mà Bộ Tài chính, UBCK và các thành viên thị trường đặt lên vai HNX, để nới rộng không gian kinh doanh cho các chủ thể và đón thêm hàng triệu nhà đầu tư mới đến với TTCK Việt Nam.

Tường Vi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục