Chủ tịch HĐQT SSI: Niềm tin của nhà đầu tư là rủi ro lớn nhất của bất cứ thị trường nào

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều câu hỏi liên quan đến bảo mật hệ thống, an toàn trong tài khoản chứng khoán được nhà đầu tư đặt ra trong Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) của Công ty Chứng khoán SSI diễn ra chiều nay (25/4). 
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT SSI trả lời cổ đông tại ĐHCĐ Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT SSI trả lời cổ đông tại ĐHCĐ

Với giả định năm 2024 VN-Index quanh 1.300 điểm, thanh khoản bình quân thị trường 18.000 - 20.000 tỷ đồng/phiên, SSI lên kế hoạch năm 2024 với doanh thu hợp nhất đạt 8.112 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 3.398 tỷ đồng, tương ứng tăng 19% so với năm trước. Đây sẽ là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử của SSI nếu đạt được.

Theo dự báo của SSI, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết phục hồi, tăng 14,3%; lãi suất trong nước duy trì ở mức thấp. Bên cạnh đó, dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2024; các yếu tố tích cực khác như hệ thống giao dịch KRX đi vào vận hành, đặc biệt kỳ vọng FTSE thông báo nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường chứng khoán mới nổi giai đoạn 2025.

ĐHCĐ SSI cũng tiến hành thông qua các phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) năm 2024; tiếp tục thực hiện phương án chào bán, phát hành cổ phiếu đã được ĐHCĐ thông qua trong năm 2023; bầu 2 thành viên HĐQT.

Trước đó, vào cuối 2023, cổ đông SSI đã thông qua 2 phương án tăng vốn bao gồm (1) phát hành hơn 302,2 triệu cổ phiếu thưởng để tăng vốn, theo tỷ lệ 100:20; (2) chào bán hơn 151 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu giá 15.000 đồng/cổ phiếu theo tỷ lệ 100:10.

Tổng cộng SSI sẽ phát hành thêm hơn 453,3 triệu cổ phiếu mới. Vốn điều lệ của SSI dự kiến tăng từ hơn 15.111 tỷ đồng lên gần 19.645 tỷ đồng, qua đó củng cố vị trí số 1 về vốn trong nhóm các công ty chứng khoán.

Năm 2023, tổng doanh thu hoạt động của SSI đạt 7.158 tỷ, tăng 13% so với 2022. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.849 tỷ, tăng 35% so với cùng kỳ và vượt 12% kế hoạch đề ra.

Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu đạt lần lượt 68.519 và 22.584 tỷ đồng, tăng lần lượt 33% và 3% so với cuối năm 2022. Dư nợ cho vay margin của SSI đạt 14.672 tỷ đồng, tăng 35% so với cuối năm 2022.

Thảo luận tại Đại hội

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT cùng các lãnh đạo bộ phận tham gia trả lời các thắc mắc của cổ đông

SSI có làm market maker (tạo lập) để ăn chênh lệch giá không?

Ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT: SSI hiện nay chưa làm tạo lập cho cổ phiếu nào để ăn chênh lệch ở giữa. SSI chỉ có hoạt động tạo lập cho các sản phẩm như chứng quyền có bảo đảm (CW).

Ông Nguyễn Đức Thông – Phó tổng giám đốc: SSI phát hành CW thì phải làm nghiệp vụ market maker để tạo thanh khoản cho CW. SSI mong muốn nhà đầu tư có lãi khi giao dịch chứng quyền nên nghiệp vụ market maker với CW rất quan trọng để nhà đầu tư có thể giao dịch thông suốt.

Chiến lược các mảng hoạt động trong năm 2024?

Bà Nguyễn Vũ Thùy Hương– Giám đốc Tự doanh, Kinh doanh nguồn vốn: SSI có 4 khối kinh doanh chính. Bán lẻ, đầu tư nguồn vốn, IB, bán buôn (SSIAM và khách hàng tổ chức). Kế hoạch lợi nhuận 2024 tăng 19% thì Công ty đặt kế hoạch các mảng kinh doanh trên đều tăng 19%.

Tự doanh có chiến lược gì? Tỷ lệ so với VN-Index?

Bà Nguyễn Vũ Thùy Hương: Tự doanh chiếm 60% lợi nhuận. Chiến lược tự doanh SSI gồm 3 mảng chính là kinh doanh nguồn vốn, kinh doanh cổ phiếu (equity), kinh doanh phái sinh. Trong đó, Equity chiếm tổng lợi nhuận 40%, phái sinh và kinh doanh nguồn vốn chiếm 15%.

Năm 2023, tỷ suất lợi nhuận của mảng equity tăng 20%, cao hơn so với VN-Index.

Định hướng hoạt động cho vay margin như thế nào?

Bà Vũ Ngọc Anh - Giám đốc Khối bán lẻ: Cho vay margin là mối quan tâm của nhiều cổ đông. Đây là mảng giúp CTCK tăng nguồn thu và tối ưu được phần vốn, với nhà đầu tư thì giúp gia tăng hiệu quả đầu tư. Nên đây vẫn là mảng được SSI đẩy mạnh và mở rộng đối tượng khách hàng sử dụng margin.

Mục tiêu dư nợ margin 20.000 tỷ đồng. Song song đó, đồng hành trong việc quản lý rủi ro cho khách hàng

CTCK cạnh tranh thị phần bằng miễn phí và cho vay margin, thì SSI có nằm ngoài cuộc chơi?

SSI là đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính hàng đầu nên luôn phải căn cứ trên nhu cầu của khách hàng để xây dựng chiến lược cho mình, có bước đi phù hợp, thích ứng để đảm bảo lợi ích của công ty cũng như khách hàng.

Nhu cầu nhà đầu tư rất đa dạng, không phải nhà đầu tư nào cũng ưu tiên phí, mà họ yêu cầu các gói dịch vụ toàn diện, chẳng hạn để đảm bảo an toàn, hiệu suất sinh lời ổn định, thì SSI cũng sẽ cung cấp các gói dịch vụ/sản phẩm để có thể đáp ứng đa dạng các nhu cầu

SSI đáp ứng các yêu cầu với KRX chưa, hệ thống sẽ tác động vào thị trường ra sao?

Ông Nguyễn Đức Thông: SSI đã trải qua các đợt kiểm thử và không có vấn đề gì. Các cán bộ nhân viên đang làm ngày làm đêm cho đợt test 30/4 tới.

KRX vào vận hành, giai đoạn đầu SSI dự kiến không có thay đổi nhiều nhưng đây là tiền đề, điều kiện cần để có thể phát triển nhiều sản phẩm mới như daytrading, các sản phẩm khác quyền chọn bán, quyền chọn mua… Do đó, về lâu dài, KRX sẽ thay đổi bộ mặt thị trường chứng khoán.

Quản lý tài sản cá nhân thì SSI có định hướng ra sao?

Bà Vũ Ngọc Anh: 10 năm tới có 2 xu hướng chính tại Việt Nam (1) thế hệ người giàu trẻ 8x,9x và (2) chuyển dịch tài sản giữa thế hệ cha mẹ sang con cái. Các xu hướng này sẽ kích thích nhu cầu dịch vụ quản lý tài sản – đã diễn ra ở nhiều nước phát triển ở châu Á, thế giới.

Nhiều CTCK, ngân hàng đều quan tâm mảng này. SSI cũng xác định chiến lược mảng này. Năm qua và đầu năm nay, SSI đã hoàn thành giai đoạn 1 cho chiến lược phát triển mảng quản lý tài sản, và ra mắt sản phẩm đầu tiên có hơi hướng quản lý tài sản là các sản phẩm tư vấn đầu tư như iFollow.

Bà Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc SSIAM: Hiện SSIAM có tệp khách hàng hơn 90.000 cá nhân và tổ chức. SSIAM đã mở thêm mảng uỷ thác đầu tư với quy mô uỷ thác tối thiểu 50 tỷ đồng/khách hàng. Đây là những bước đi đầu tiên vào quản lý tài sản và với tệp khách hàng này thì 2-3 năm tới đóng góp quan trọng cho hoạt động quản lý quỹ.

Chi phí lãi vay dùng cho margin của SSI là bao nhiêu, mục tiêu 2024?

Ông Hưng: Nguồn vốn cho vay margin từ tự có và huy động, SSI có định mức tín nhiệm tốt nên huy động từ định chế tài chính với chi phí lãi vay rẻ hơn. Còn lãi suất margin thì phải tuỳ vào thị trường chung, hiện SSI đang có mức thấp hơn nhiều công ty trên thị trường và đang có hiệu quả từ nguồn vốn.

Sau sự cố của VNDIRECT, thì SSI có biện pháp gì tăng bảo mật hệ thống công nghệ thông tin?

Đây là sự cố không may. Nhưng không vì xảy ra sự cố thì SSI mới quan tâm bảo mật.

Đầu tư vào an toàn hệ thống, an toàn thông tin luôn được SSI chú trọng hàng đầu, đôi khi nhân viên còn cảm thấy SSI hơi quá chặt chẽ.

Chúng tôi luôn cập nhật các cách thức tấn công mới để rà soát lại hệ thống và thích ứng. Một khâu rất quan trọng là phải sao lưu và phục hồi được dữ liệu.

Phát hành cổ phiếu riêng lẻ hiện nay tới đâu?

Phát hành cho cổ đông luôn mong muốn nhưng phải đảm bảo giá phát hành (điều kiện đủ), đối tác phải đóng góp giá trị gì cho SSI (điều kiện cần). Khi nào có sẽ xin ý kiến cổ đông. Hiện hồ sơ phát hành đang chờ cơ quan chức năng phê duyệt

Đánh giá xu hướng ngành dịch vụ chứng khoán 5 năm tới? Các CTCK khác có sản phẩm ứng dụng AI thì SSI có hay không?

Bà Lê Thị Lệ Hằng, Giám đốc Chiến lược: Wealth là mảng mà SSI đánh giá chiếm tỷ trọng lớn trong ngành dịch vụ chứng khoán, là mảng mà SSI sẽ theo đuổi nhiều trong thời gian tới. Các sản phẩm đưa ra thời gian tới sẽ xoay quanh weatlh

Ông Hưng: TTCK mục đích chính là huy động vốn cho nền kinh tế, là nơi để những người có vốn tìm tới để đầu tư sinh lời. Vậy cần làm sao có công cụ tốt nhất kết nối người có tiền tới nơi có nhu cầu huy động vốn. Để hỗ trợ nhà đầu tư thì sẽ có trí tuệ bằng cơm (nhân viên tư vấn) và trí tuệ bằng điện (máy móc, AI), SSI cũng có nhưng đó chỉ là công cụ hỗ trợ nhà đầu tư.

Trên thị trường chứng khoán có cả nhu cầu đầu cơ. Theo đó, có nhu cầu nào trên thị trường thì các CTCK đều phục vụ.

Chẳng hạn, sản phẩm copy trade, thì “bản gốc” để copy là gì? Và sẽ không có danh mục nào để copy mà ai copy cũng thắng 100%. Nếu mọi người đổ xô mua danh mục và tăng, thì có lúc mọi người cùng bán thì chắc chắn giảm.

SSI phân bổ nguồn vốn ra sao để ROE lớn hơn?

Bà Nguyễn Vũ Thuỳ Hương: Tổng tài sản SSI tăng nhanh, 2023 tăng 30% đến từ mảng kinh doanh nguồn vốn và đầu tư. Với quy mô tài sản lớn, tương ứng SSI phân bổ phần vốn vào sản phẩm đầu tư tài chính và việc kinh doanh cổ phiếu là một trong các lĩnh vực phân bổ.

Tài sản FVTPL và HTM vì sao cao 2 lần vốn chủ sở hữu?

Bà Nguyễn Vũ Thuỳ Hương: Tổng tài sản 31/12/2023, 68.000 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 22.000 tỷ đồng, tương ứng chênh lệch là nợ vay ngắn và dài hạn. Nguồn vốn này tài trợ cho các nhóm tài sản, trong đó có tài sản tài chính ngắn hạn là 62.000 tỷ đồng và dài hạn 3.450 tỷ đồng. Trong tài sản tài chính thì FVTPL và AFS chủ yếu liên quan chứng chỉ tiền gửi của SSI, và nhóm liên quan đầu tư trái phiếu, một phần là đầu tư cổ phiếu và nhóm cổ phiếu hedging cho CW

SSI đề cao vấn đề quản trị rủi ro nên tài sản nào có rủi ro cao thì SSI đều đứng ngoài cuộc. Đây là cách SSI xây dựng bảng cân đối tài sản.

Thị phần môi giới SSI giảm, có kế hoạch gì tăng trưởng thị phần?

Điều này ai cũng nhìn thấy, và không riêng SSI, có thể thấy điều này các CTCK lâu đời đa phần cũng giảm. Nhưng công ty mới như VPS có đường lối riêng, đường hướng riêng. Dĩ nhiên, đây là vấn đề mà SSI phải tập trung, cân nhắc để tăng trưởng thị phần, nhưng không phải mục tiêu duy nhất mà phải tính toán cả hiệu quả và phát triển bền vững.

SSI chuẩn bị gì cho khối ngoại vay margin khi thị trường nâng hạng?

Pre-funding thì SSI là đơn vị tiên phong đưa ý tưởng tới cơ quan chức năng để giải quyết nút thắt trong việc nâng hạng. Và bản thân SSI cũng chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để vận hành.

Rủi ro lớn nhất của thị trường là gì? Có nỗi lo nào làm Chủ tịch SSI mất ngủ không?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Tôi chưa bao giờ mất ngủ. Niềm tin của nhà đầu tư là rủi ro lớn nhất của bất cứ thị trường nào. May là nhà đầu tư vẫn giữ niềm tin với thị trường chứng khoán.

Thông tin giao dịch tự doanh sao chưa tích hợp vào iboard của SSI?

Thông tin giúp gì cho nhà đầu tư không thì cần cân nhắc, ví dụ thông tin giao dịch nước ngoài, hay tự doanh tôi cho là không giúp ích được nhiều. Nhà đầu tư có thể xem thêm dữ liệu này trên các sở giao dịch.

Nhà đầu tư không nên quá chú ý tới việc mua-bán ròng của tự doanh hàng ngày, bởi bao gồm một số nghiệp vụ khác như heding cho sản phẩm CW, hay phục vụ cho ETF

Tài sản là tiền chuyển về SSI để mua cổ phiếu có được đảm bảo hay không?

Khẳng định, tài sản nhà đầu tư đặt tại SSI được SSI đảm bảo cho nhà đầu tư trong mọi trường hợp.

SSI có cho vay hay mua trái phiếu Vingroup không, có tài sản đảm bảo không?

SSI luôn luôn chắc ăn, nên các tài sản tài chính mà SSI đầu tư đều có thanh khoản cao, có tài sản đảm bảo, nên không riêng với trái phiếu Vingroup mà các khoản trái phiếu khác cũng như vậy. Tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp trong SSI cũng nhỏ.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục