Chủ tịch HĐQT Nhựa Tân Phú Nguyễn Văn Hùng: Muốn thắng phải trọng nhân

Nhiều năm giữ vai trò lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhựa Tân Phú xác định, trọng trách lớn nhất của người lãnh đạo là vạch ra hướng đi cho doanh nghiệp, song trên hết vẫn là chiến lược con người.

Chủ tịch HĐQT Nhựa Tân Phú Nguyễn Văn Hùng: Muốn thắng phải trọng nhân

Tối kỵ làm nhân viên  hoang mang

Kết thúc một năm 2014 đầy biến động, Nhựa Tân Phú đã cán mức doanh thu trên 660 tỷ đồng, tăng 106,2% so với năm 2013; nộp ngân sách nhà nước tăng 108%; lợi nhuận trước thuế 130%; thu nhập bình quân của người lao động trong năm tăng 106% và công tác đào tạo tăng 121,5% so với năm 2013.

Điều gì đã làm nên thành tích đáng nể này của Nhựa Tân Phú? Không phải suy nghĩ lâu, ông Hùng trả lời: “Đó là do người lao động”

Nhiều năm giữ vai trò lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp, với quan điểm “muốn thắng phải trọng nhân”, ông Hùng xác định, trọng trách lớn nhất của người lãnh đạo là vạch ra hướng đi cho doanh nghiệp, song trên hết vẫn là chiến lược con người. Ngoài việc chăm lo đời sống lao động, người lãnh đạo phải biết tìm ra người đủ tài, đức để đào tạo, bồi dưỡng.

Vì vậy, tại Nhựa Tân Phú, các khóa học chuyên môn dành cho công nhân, nhân viên kỹ thuật đến các trưởng, phó ca sản xuất liên tục được tổ chức. Đồng thời, Công ty cũng làm tốt công tác quy hoạch và rà soát, bổ sung, từ đó tổ chức đưa đi đào tạo chuyên môn nghiệp vụ một cách bài bản.

23 năm làm quản lý, điều tối kỵ nhất của ông Hùng là làm cho nhân viên hoang mang. Vì vậy, dù Công ty khó khăn đến mấy, ông cũng vẫn giữ nguyên tắc không trả lương muộn. Ông bảo, đó là điều cực kỳ nguy hiểm, sẽ gây tâm lý bất ổn cho nhân viên.

“Trong kinh doanh không thể tránh những cú sốc bất ngờ, những khó khăn không lường trước. Lúc đó, người lãnh đạo phải kín đáo và phải thể hiện bản lĩnh, vì mình đứng vững thì mọi người mới nhìn vào để đứng vững”, ông Hùng chia sẻ.

Cũng với quan điểm “trọng nhân”, nên ngoài mục tiêu kinh doanh, trăn trở lớn nhất của “vị thuyền trưởng” Nhựa Tân Phú là thu nhập của người lao động. Ông chưa bằng lòng với thu nhập còn ở mức thấp của người lao động trong Công ty, bình quân chỉ khoảng 6,8 triệu đồng/tháng. “Muốn giải quyết được vấn đề thu nhập của người lao động, thì phải cải thiện được năng suất lao động một cách mạnh mẽ nhất”, ông Hùng luôn tâm niệm điều đó. 

Trăn trở bài toán năng suất

Đề cập bài toán năng suất lao động trong ngành nhựa, thì ngoài đòn bẩy là chủ trương, chính sách, quản lý, ông Hùng cho rằng, vấn đề quan trọng nhất vẫn là đầu tư, bởi điều này quyết định sự thay đổi công nghệ, thiết bị. Nói đến đầu tư là nói đến tài chính, nhưng bài toán thị trường cũng nan giải không kém. Chỉ khi nhu cầu đủ lớn, thị trường đủ rộng thì nhà máy mới hoạt động hết công suất. “Đây là bài toán không dễ giải đối với doanh nghiệp trong một thời gian ngắn” ông Hùng thẳng thắn chia sẻ.

Theo ông Hùng, một trong những khó khăn lớn của ngành nhựa Việt Nam là không có ngành công nghiệp hỗ trợ. Đa số các doanh nghiệp trong ngành là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên năng lực tài chính eo hẹp, số doanh nghiệp đi vào chuyên môn hóa mới ở mức hai con số. Chỉ có 15% nguyên liệu trong ngành nhựa là nguyên liệu trong nước, còn lại là phải nhập khẩu. Riêng về thiết bị sản xuất thì phải nhập khẩu gần 100%. Ngành khuôn mẫu thì èo uột, hầu hết công nhân ngành nhựa chưa được đào tạo bài bản.

“Nếu đầu tư vào cơ khí ngành nhựa thì thời gian lỗ ít nhất là vài năm. Đầu tư thiết bị khuôn mẫu cũng vậy, vốn lớn, rủi ro cao, nên doanh nghiệp không dám mạo hiểm. Trong khi đó, Hiệp hội Nhựa Việt Nam vẫn chưa tập hợp được sức mạnh của các doanh nghiệp trong ngành để cùng hoạt động có chiều sâu, thiếu kết nối để đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ”, ông Hùng phân tích.

Chưa dứt được mạch nói chuyện về công nghiệp hỗ trợ, ông bảo, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, ngoài những chính sách ưu đãi, cần có quy định ràng buộc tỷ lệ nội địa hóa, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phải có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nội địa. Lâu nay tỷ lệ nội địa hóa thấp, nguyên nhân đều đổ tại doanh nghiệp Việt Nam yếu kém về công nghệ, kỹ thuật, quản lý. Nhưng thực tế, theo nhiều doanh nghiệp sản xuất phụ tùng linh kiện Việt Nam thì tỷ lệ nội địa hóa thấp là do họ không thể chen chân vào chuỗi sản xuất của doanh nghiệp FDI.

“Xét về năng lực, doanh nghiệp Việt Nam cũng có hạn chế, nhưng để làm một doanh nghiệp hỗ trợ thì không phải không làm được. Vấn đề là phải cho các doanh nghiệp cần thời gian chuẩn bị đầu tư, tiền vốn”, ông Hùng trăn trở. 

Đổi mới để thành công

Được biết, để đạt được kết quả kinh doanh khả quan trong một năm 2014 đầy biến động, Nhựa Tân Phú cũng vận dụng bài toán tiết kiệm chi phí, từ đó hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

“Chúng tôi khuyến khích cán bộ, công nhân viên phát huy khả năng sáng tạo, tăng năng suất lao động, giảm các tiêu hao nguyên vật liệu, nhiên liệu, hao phí lao động trong sản xuất, tiết kiệm điện, nước, văn phòng phẩm… Kết quả là chúng tôi đã có 12 sáng kiến được áp dụng vào thực tế, làm lợi hơn 1,5 tỷ đồng”, ông Hùng hào hứng khoe.

Đồng thời, ông Hùng cùng Ban lãnh đạo Nhựa Tân Phú cũng đề ra nhiều chiến lược tập trung đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, trong đó tập trung vào khâu tiêu thụ sản phẩm, phát triển thị trường, phát huy việc xuất khẩu với các sản phẩm đã có và phát triển thêm các mặt hàng khác phù hợp với điều kiện của các đơn vị trong Công ty.

“Chúng tôi nhận thấy, quyết định đầu tư vào thiết bị, khuôn mẫu có năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm năng lượng là chiến lược quan trọng mang tính quyết định thành công trong năm 2014”, ông Hùng nói và cho biết, Nhựa Tân Phú đã mạnh dạn đầu tư 45 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng để đổi mới công nghệ, đầu tư máy móc, các thiết bị kiểm tra chất lượng sản phẩm, chủ động trong việc sửa chữa khuôn mẫu, bổ sung thiết bị cơ khí chế tạo, tiến tới chủ động thực hiện chế tạo phần lớn các loại khuôn mẫu...

Theo ông Hùng, 85% doanh nghiệp ngành nhựa đều nằm tại TP.HCM, điều này cho thấy mức độ cạnh tranh trên thị trường là rất lớn. “Ngày xưa cạnh tranh về giá, bây giờ cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã. Ngày xưa người tiêu dùng dễ dãi hơn, bây giờ khó tính hơn. Mặt hàng bao bì cũng vậy, nó như chiếc áo của sản phẩm, nên ngày xưa cần bền, bây giờ đòi hỏi phải vừa bền, đẹp và đẹp hơn nữa, không chỉ bảo quản sản phẩm, mà còn phải tôn vinh sản phẩm. Muốn vậy, chúng tôi phải liên tục đổi mới chất lượng, đầu tư nghiên cứu, sáng tạo mẫu mã. Chỉ cần lơ là, nghỉ “xả hơi” một chút là tụt hậu so với thị trường”, ông Hùng nói. Để giữ vị thế phát triển ổn định, ngoài những sản phẩm chủ lực như các loại bao bì bằng nhựa, sản phẩm nhựa công nghiệp đến sản phẩm tiêu dùng bằng chất liệu nhựa..., Tân Phú còn linh hoạt đi đầu nghiên cứu sản xuất các loại sản phẩm nhựa kỹ thuật cao như linh kiện điện tử, điện lạnh, chế tạo các loại khuôn mẫu, máy móc, phụ tùng cho các đơn vị chuyên ngành.

Ngoài ra, Tân Phú cũng là cầu nối kinh doanh mua bán nguyên liệu, vật tư, sản xuất, ký gửi hàng hóa chuyên dùng. “Để tạo ưu thế cạnh tranh, ngoài việc quan tâm đến quy chuẩn quản lý như chứng chỉ ISO, chúng tôi còn áp dụng thêm giải pháp quản lý 5S của Nhật Bản (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, sẵn sàng, săn sóc). Giải pháp này giúp nâng cao năng suất, rèn luyện tính kỷ luật của người lao động và đảm bảo chất lượng sản phẩm”, ông Hùng nói thêm.  

Nhìn nhận về cơ hội, ông Hùng cho rằng, trong tương lai, ngành nhựa vẫn còn nhiều tiềm năng, vì tốc độ phát triển khá cao, khoảng 25-30%/năm, nhất là khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết. Do vậy, sắp tới, Nhựa Tân Phú có kế hoạch đầu tư mới hệ thống tự động hóa cùng với tổ chức lại sản xuất một cách khoa học nhằm nâng cao năng suất lao động. Cụ thể, Tân Phú dự kiến đầu tư thêm gần 50 tỷ đồng cho máy móc thiết bị, phụ tùng linh kiện, đầu tư khuôn mẫu cũng như góp vốn liên doanh Công ty Việt Lào và Công ty Mekong...n

Doanh nhân Nguyễn Văn Hùng

-l Sinh năm: 1952.

- Nguyên quán: Bắc Ninh.

-Trình độ: Cử nhân Kinh tế công nghiệp.

- Từ ngày 8/1/2005 đến nay: Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhựa Tân Phú.

-Các chức vụ kinh qua: trợ lý văn hóa Quân đoàn 4, cán bộ Phòng Tổ chức - Lao động, phụ trách Văn phòng Công ty Nhựa phía Nam; Phó văn phòng Liên hiệp Sản xuất - Xuất nhập khẩu nhựa, Giám đốc Chi nhánh Dịch vụ sản xuất -

Xuất nhập khẩu nhựa; Giám đốc Công ty Nhựa Tân Thuận;

Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Tân Phú, Phó tổng giám đốc

Công ty Nhựa Việt Nam.

Minh Quân
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục