Chủ tịch HĐQT HBC: “Mọi việc đều nằm trong tầm kiểm soát”

(ĐTCK) Mua cổ phiếu quỹ, trả cổ tức bằng tiền mặt trong khi vẫn tăng nợ vay khiến dư luận soi khả năng thanh khoản của HBC. Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT HBC khẳng định: "Mọi việc đều nằm trong tầm kiểm soát".
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HBC Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HBC

Quy mô vốn vài trăm tỷ đồng nhưng nhận thầu các dự án có tổng giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng nên việc mua cổ phiếu quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt lần này, CTCP Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC) bị dư luận soi khả năng thanh khoản. Báo ĐTCK trao đổi với ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HBC về vấn đề này.

Thưa ông, việc HBC mua cổ phiếu quỹ, trả cổ tức bằng tiền mặt trong khi vẫn tăng nợ vay, có lợi gì cho Công ty và cổ đông và có ảnh hưởng đến thanh khoản của HBC hay không?

Lợi ích rõ ràng nhất khi mua cổ phiếu quỹ là tránh cho Công ty không bị thâu tóm khi giá cổ phiếu quá rẻ so với giá trị Công ty, đặc biệt vào thời điểm giá cổ phiếu HBC bị rớt xuống dưới 50% giá trị sổ sách như vừa qua. Việc mua cổ phiếu quỹ đã duy trì giá cổ phiếu phù hợp để Công ty có thể phát hành cổ phiếu, tăng vốn hoạt động, đồng thời cổ đông không bị thiệt hại về tài chính khi giá cổ phiếu giảm quá đà.

Việc Công ty trả cổ tức 10% bằng tiền mặt tương ứng với 17 tỷ đồng lấy từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối, chỉ bằng 11% lợi nhuận sau thuế năm 2011 và khoảng 5 - 6% dòng tiền thu hàng tháng từ các dự án thi công, nên không ảnh hưởng gì đến thanh khoản của HBC. Thời điểm chi trả đã công bố là ngày 10/7/2012. Theo chu kỳ kinh doanh, dòng tiền HBC thu vào tập trung vào hai quý sau của năm, nên việc chi cổ tức bằng tiền mặt lại càng ít ảnh hưởng đến tình hình tài chính Công ty. Có thể nói, khả năng huy động nguồn tài chính để giải quyết nhu cầu hoạt động thi công của HBC là rất lớn, nhưng HBC vẫn luôn quan tâm đến nhu cầu trả cổ tức bằng tiền mặt của cổ đông.

 

BCTC năm 2011 và quý I/2012 cho thấy, HBC dùng vốn vay ngắn hạn tài trợ cho các dự án thi công. Ông đánh giá tình hình tài chính Công ty như thế nào và đã có những giải pháp gì để quản lý công nợ trong tình hình khó khăn hiện nay?

Được sự tin tưởng của khách hàng, trong 5 năm qua, doanh số thi công của Hòa Bình tăng trưởng vượt bậc, cùng với sự gia tăng của lợi nhuận. Tăng trưởng bình quân doanh thu là 68%/năm và lợi nhuận tăng bình quân 166%/năm. Tuy nhiên, quy mô vốn của HBC còn chưa tương xứng với quy mô tăng trưởng của Công ty, nên việc sử dụng vốn vay ngân hàng là điều tất yếu. Chúng tôi khẳng định, tình hình hoạt động tài chính hiện nay cũng như trong quá trình 25 năm hoạt động của HBC rất ổn định và luôn đảm bảo thanh khoản, có sự kiểm soát, quản lý về công nợ chặt chẽ, hiệu quả.

Thứ nhất, do sử dụng vốn vay một cách hiệu quả, HBC tạo được uy tín với các ngân hàng, nên được cấp hạn mức tín dụng và bảo lãnh rất lớn với lãi suất và phí bảo lãnh cạnh tranh nhất. HBC luôn hoàn trả các khoản vay đúng hạn cho ngân hàng, các khoản tạm ứng khách hàng, các cam kết bảo lãnh thực hiện hợp đồng chưa bao giờ ngân hàng phải trả thay cho Công ty. Vì thế, HBC luôn được xếp hạng tín dụng cao nhất là mức AAA. Hiện tại, HBC được cấp tổng hạn mức tín dụng và bảo lãnh lên đến hơn 3.000 tỷ đồng. Chỉ riêng hai hợp đồng cấp hạn mức tín dụng của BIDV và Vietinbank đã lên đến 1.600 tỷ đồng, nhưng HBC cũng chỉ sử dụng chưa tới 60% số đó. Đồng thời, hạn mức tín dụng ở các ngân hàng khác mà HBC có quan hệ tín dụng hiện vẫn chưa được sử dụng đến.

Thứ hai, HBC có một số lượng cổ phiếu quỹ lớn và có thể bán ra khi cần thiết, đồng thời HBC có thể chủ động phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn. Hơn nữa, trên 80% bất động sản mà HBC đang nắm giữ chưa phải cầm cố tại ngân hàng nên dễ dàng sử dụng khi cần thiết để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh.

Tôi cũng lưu ý thêm là việc mua cổ phiếu quỹ của Hòa Bình không ảnh hưởng đến hoạt động tài chính của Công ty vì được chia làm 4 đợt, trải dài từ tháng 12/2009 cho đến cuối tháng 4/2012. Nguồn tiền mua cổ phiếu quỹ lấy từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối của Hòa Bình, chứ không phải là khoản tiền vay từ ngân hàng. Hơn nữa, khoản vay và nợ ngắn hạn của Hòa Bình trong BCTC quý I hơn 900 tỷ đồng là khoản vay vốn hoạt động. Khoản nợ ngắn hạn này nằm trong giới hạn an toàn tài chính, chỉ bằng 1,3 lần vốn chủ, trong khi đó chỉ số này trung bình ngành là 2,5 lần.

Chủ tịch HĐQT HBC: “Mọi việc đều nằm trong tầm kiểm soát” ảnh 1Phối cảnh Bệnh viện An Giang do HBC đảm nhiệm thi công

 

Trong giai đoạn phát triển trước mắt, việc giải quyết nguồn vốn trong tương lai và quản lý các rủi ro như thế nào, thưa ông?

Hơn một năm qua, trước chính sách thắt chặt tín dụng và tình hình kinh doanh bất động sản khó khăn, chúng tôi cũng đã lường trước và đánh giá được các rủi ro, đặt ra nhiều biện pháp quản trị hữu hiệu. Hòa Bình đã định hướng lại các phân khúc thị trường, mở rộng lĩnh vực thi công các công trình công nghiệp, y tế, trung tâm thương mại bán lẻ… Chính sự đa dạng thị trường này giúp HBC giảm bớt rủi ro ở mảng xây dựng dân dụng. Từ đầu năm đến nay, HBC đã nhận được nhiều hợp đồng thi công xây dựng công nghiệp gồm Nhà hỗn luyện cao su và kho nguyên liệu của Casumina, Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương II, Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1... Đặc biệt, HBC từng bước mở rộng thị trường nước ngoài, đây cũng là chiến lược hoạt động của Công ty nhằm hướng đến phát triển thị trường một cách an toàn, bền vững. Hiện nay, Hòa Bình đang tham gia quản lý thi công Dự án Sri Petaling ở thủ đô Kuala Lumpur và sắp tới sẽ nhận thêm một dự án mới nữa ở Malaysia .

Việc áp dụng hệ thống hoạch định các nguồn lực ERP của HBC đã mang lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt tiết kiệm chi phí, kiểm soát dòng tiền, kiểm soát thu nợ khách hàng ngày càng được nâng cao. Mới đây, chúng tôi đã ký kết hợp đồng tư vấn với Công ty Ernst&Young dự án xây dựng quy chế tài chính, lập ngân sách dự báo dòng tiền và báo cáo quản trị. Dự kiến, dự án sẽ đưa vào vận hành từ tháng 9 năm nay.

Ngoài ra, các hợp đồng ký kết có mức thỏa thuận tạm ứng ban đầu từ 15 - 30% giá trị hợp đồng, thời gian thanh toán khối lượng thi công được rút ngắn, không quá 28 ngày. Trường hợp trễ hạn thanh toán, hợp đồng có quy định chặt chẽ về việc trả tiền lãi chậm thanh toán đầy đủ. Bên cạnh đó, công ty thành viên là CTCP Nhà Hòa Bình, chuyên kinh doanh môi giới bất động sản, hiện có 2 sàn giao dịch, đã và sẽ giúp Hòa Bình nắm bắt những cơ hội kinh doanh cũng như có điều kiện hỗ trợ chủ đầu tư bán hàng nhanh chóng, đảm bảo khả năng thanh toán đúng hạn, thu hồi vốn, tiêu biểu là dự án Era Town, Lotus Garden, Thảo Loan…

Chúng tôi đang tiến hành thương lượng với các nhà đầu tư chiến lược để phát hành riêng lẻ 10 triệu cổ phiếu với mức giá không thấp hơn giá trị sổ sách tại thời điểm phát hành, nhằm bổ sung vốn lưu động và gia tăng tính ổn định tài chính lâu dài cho Công ty. Hiện HBC nắm giữ gần 4 triệu cổ phiếu quỹ. Tới thời điểm cuối tháng 10/2012 với báo cáo kinh doanh 3 quý dự báo đạt kết quả tốt thì lượng cổ phiếu này là một nguồn dự trữ tiền mặt có giá trị cao và tạo điều kiện cho HBC tìm đối tác chiến lược để chuyển nhượng.

 

Theo ông, việc tăng vốn điều lệ có hợp lý khi lợi nhuận khó tăng tương ứng và khả năng thực hiện kế hoạch năm nay của Công ty như thế nào?

Việc trả cổ tức 20% bằng cổ  phiếu và thưởng cổ phiếu tỷ lệ 1:1 đã làm tăng vốn điều lệ của HBC lên 413 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu lưu hành tăng tương ứng sẽ giúp tăng thanh khoản cổ phiếu HBC trên sàn, từ đó cổ phiếu HBC sẽ được nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn. Hiện nay, thanh khoản giao dịch cổ phiếu HBC bình quân phiên đã được cải thiện rất nhiều so với trước (lên đến trên 300.000 cổ phiếu/ngày giao dịch). Các yếu tố này tạo điều kiện tốt để HBC huy động vốn và tạo lợi thế cạnh tranh trong công tác dự thầu.

Khi xây dựng kế hoạch kinh doanh năm nay, chúng tôi đánh giá có 21 rủi ro, trong đó có 5 rủi ro lớn, là rủi ro khả năng thanh toán của chủ đầu tư làm chi phí tài chính tăng, tăng giá đầu vào, lãi suất cao, khả năng tài chính của nhà thầu phụ nhà cung cấp... Đến tháng 6, trong những rủi ro mà chúng tôi tính đến thì có một số yếu tố thuận lợi là lãi suất vay ngân hàng giảm, lạm phát xu hướng giảm nên chi phí đầu vào không tăng và giảm so với năm ngoái.

Tình hình kinh tế vĩ mô đang có xu thế được cải thiện, mối quan hệ tin cậy, gắn bó lâu dài với các ngân hàng, chủ đầu tư, nhà cung cấp và các nhà thầu phụ… đã tạo điều kiện để HBC tiếp tục trúng thầu các hợp đồng thi công công trình công nghiệp, bệnh viện, trung tâm thương mại bán lẻ… với tổng giá trị lên đến gần 3.000 tỷ đồng từ đầu năm đến nay.

Với tất cả các điều kiện thuận lợi cũng như khó khăn nằm trong tầm kiểm soát của mình, khả năng thực hiện thành công kế hoạch năm nay của HBC là rất cao.

Thu Hương thực hiện.
Thu Hương thực hiện.

Tin cùng chuyên mục