Chủ tịch Fed tạo thêm nỗi sợ cho giới đầu tư

(ĐTCK) Chứng khoán toàn cầu tiếp tục sụt giảm mạnh trong phiên thứ Tư (13/5) với lo ngại về đợt bùng phát thứ 2 của đại dịch Covid và những cảnh báo của ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Ảnh AFP Ảnh AFP

Phát biểu trong ngày thứ Tư, ông Powell bất ngờ đánh giá lạc quan về triển vọng nền kinh tế Mỹ, đồng thời bác khả năng Fed sử dụng lãi suất âm để hỗ trợ nền kinh tế.

Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ của Mỹ cũng cảnh báo kinh tế Mỹ sẽ đối mặt với suy thoái kép và cho rằng, mình Fed hỗ trợ là không đủ, mà phải cần có sự ra tay của Quốc hội.

Bài phát biểu của ông Powell, cùng với những cảnh báo trong ngày trước đó của các chuyên gia y tế về khả năng đợt bùng phát đại dịch Covid-19 mới khi Chính phủ Mỹ vội vàng mở cửa nền kinh tế khiến giới đầu tư lo lắng, đẩy mạnh bán ra, kéo các chỉ số chính của phố Wall giảm mạnh, trong đó Dow Jones mất hơn 2%.

Kết thúc phiên 13/5, chỉ số Dow Jones giảm 516,81 điểm (-2,17%), xuống 23.247,97 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 50,12 điểm (-1,75%), xuống 2.820,00 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 139,38 điểm (-1,55%), xuống 8.863,17 điểm.

Chứng khoán châu Âu lao dốc khi nhóm cổ phiếu du lịch, ô tô và ngân hàng bị bán tháo do lo ngại về đợt bùng phát mới của đại dịch Covid-19.

Kết thúc phiên 13/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 90,72 điểm (-1,51%), xuống 5.904,05 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức giảm 276,84 điểm (-2,56%), xuống 10.542,66 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 127,54 điểm (-2,85%), xuống 4.344,95 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, sự phân hóa diễn ra khá rõ nét giữa các thị trường. Trong khi chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông tiếp tục giảm do nỗi lo đợt bùng phát thứ 2 của đại dịch Covid-19, thì chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hàn Quốc lại đảo chiều tăng điểm. Trong đó, chứng khoán Trung Quốc tăng nhờ nhóm cổ phiếu dược, y tế, còn chứng khoán Hàn Quốc tăng với thông tin Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc sẽ tăng trần chương trình cho vay đặc biệt thêm 5.000 tỷ won, lên 35.000 tỷ won để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ.

Kết thúc phiên 13/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 99,43 điểm (-0,49%), xuống 20.267,05 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 6,49 điểm (+0,22%), lên 2.898,05 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 65,38 điểm (-0,27%), xuống 24.180,30 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 18,25 điểm (+0,95%), lên 1.940,42 điểm.

Giá vàng có phiên giao dịch khá biến động, lình xình trong phiên châu Á và châu Âu để đợi bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell, sau đó tăng mạnh khi bước vào phiên Mỹ do chứng khoán sụt giảm mạnh.

Tuy nhiên, đà tăng sau đó bị hãm bợt khi ông Powell cho biết, Fed sẽ không sử dụng lãi suất âm để hỗ trợ kinh tế.

Kết thúc phiên 13/5, giá vàng giao tăng 13,9 USD (+0,29%), lên 1.715,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 9,6 USD (+0,56%), lên 1.716,4 USD/ounce.

Sau khi tăng mạnh trong phiên thứ Ba với thông tin Ả Rập Xê út cắt giảm sản lượng nhiều hơn thỏa thuận đã cam kết với OPEC+, giá dầu thô đã đảo chiều giảm trở lại trong phiên thứ Tư khi nỗi lo về đợt bùng phát mới của đại dịch Covid-19 sẽ khiến nhu cầu dầu mỏ vừa le lói thắp lên hy vọng bị dập tắt.

Kết thúc phiên 13/5, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,49 USD (-1,94%), xuống 25,29 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,79 USD (-2,71%), xuống 29,19 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục