Trong ngày điều trần thứ 2 trước Quốc hội Mỹ, Chủ tịch Fed Jerome Powell tiếp tục lặp lại thông điệp về những rủi ro toàn cầu có thể khiến Fed có thể cắt giảm lãi suất trong tuần tới, giúp phố Wall tiếp tục tăng điểm, thiết lập kỷ lục mới.
Tuy nhiên sau đó, nhóm cổ phiếu công nghệ sinh học và dược phẩm sụt giảm sau quyết định của chính quyền Tổng thống Trump đem lại lợi ích cho các công ty bảo hiểm y tế, nhưng không có lợi cho nhóm sản xuất thuốc, đã khiến S&P 500 hạ nhiệt, còn Nasdaq thậm chí quay đầu giảm điểm.
Theo số liệu vừa công bố, CPI tháng 6 đã tăng 0,1% so với tháng 5 với con số lạm phát lõi tăng 0,3% so với tháng 5, cao hơn dự kiến. Dữ liệu này khiến nhiều người lo ngại sẽ cản bước giảm lãi suất của Fed, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn kỳ vọng vào chính sách ôn hòa của Fed.
Kết thúc phiên 11/7, chỉ số Dow Jones tăng 227,88 điểm (+0,85%), lên 27.088,08 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,84 điểm (+0,23%), lên 2.999,91 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 6,49 điểm (-0,08%), xuống 8.196,04 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, các thị trường cũng tăng điểm khá tốt lúc đầu với kỳ vọng Fed giảm lãi suất trong tuần tới, nhưng ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu dược phẩm đã khéo các chỉ số quay đầu giảm trở lại và đóng cửa trong sắc đỏ.
Kết thúc phiên 11/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 20,87 điểm (-0,28%), xuống 7.509,82 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 42,29 điểm (-0,33%), xuống 12.332,12 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 15,64 điểm (-0,28%), xuống 5.551,95 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc kỳ vọng Fed giảm lãi suất trong tháng 7 được thắp lên trở lại giúp chứng khoán khu vực đồng loạt tăng điểm tốt trong phiên thứ Năm.
Kết thúc phiên 11/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 110,05 điểm (+0,51%), lên 21.643,53 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 2,46 điểm (+0,08%), lên 2.917,76 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 227,11 điểm (+0,81%), lên 28.431,80 điểm.
Trong khi đó, dù thông điệp của Chủ tịch Fed củng cố thêm khả năng cơ quan này sẽ giảm lãi suất tuần tới, nhưng áp lực chốt lời khiến giá vàng quay đầu giảm trở lại trong phiên thứ Năm.
Kết thúc phiên 11/7, giá vàng giao ngay giảm 15,2 USD (-1,07%), xuống 1.403,2 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 5,8 USD (-0,41%), xuống 1.406,7 USD/ounce.
Tương tự, sau phiên khởi sắc hôm thứ Tư, giá dầu thô đã quay đầu điều chỉnh trong phiên thứ Năm khi OPEC dự báo nhu cầu dầu thô sẽ giảm trong năm tới.
Kết thúc phiên 11/7, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,23 USD (-0,38%), xuống 60,20 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,49 USD (-0,74%), xuống 66,52 USD/thùng.