Chủ tịch ECB không cho rằng Mỹ sẽ vỡ nợ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bà Christine Lagarde cho biết, bà rất tin tưởng rằng Mỹ sẽ không cho phép quốc gia này vỡ nợ, tuy nhiên nếu việc đó xảy ra sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho toàn thế giới.
Bà Christine Lagarde, Chủ tịch ECB Bà Christine Lagarde, Chủ tịch ECB

"Mỹ là một nước dẫn dắt chính trong tăng trưởng kinh tế trên thế giới nên không thể để điều đó (vỡ nợ - PV) xảy ra", bà Lagarde khẳng định, nhưng cho biết, nếu điều đó xảy ra, nó sẽ có tác động rất tiêu cực không chỉ đối với riêng nước Mỹ mà còn trên toàn thế giới.

"Tôi hiểu chính trị, bản thân tôi đã từng tham gia chính trị. Nhưng sẽ có lúc lợi ích cao của quốc gia phải được đặt lên hàng đầu”, bà Lagarde nói thêm.

Trước đó, Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) cảnh báo Mỹ có thể đối mặt với nguy cơ vỡ nợ trước tháng 7, trừ khi trần nợ công hiện ở mức 31.400 tỷ USD được nâng lên hoặc dừng áp dụng. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden khẳng định sẽ không có cuộc đàm phán về trần nợ công với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy trong bối cảnh Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đang yêu cầu cắt giảm sâu ngân sách liên bang để đổi lấy việc dỡ bỏ trần nợ công.

CBO cũng nhận định thâm hụt ngân sách hằng năm của Mỹ sẽ ở mức trung bình 2.000 tỷ USD trong các năm 2024-2033. Số liệu mới nhất về thâm hụt ngân sách của Mỹ trong 3 tháng đầu năm 2023 đã đạt 384 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái, một số liệu có thể khiến các nghị sĩ đảng Cộng hòa yêu cầu cắt giảm chi tiêu.

Bộ Tài chính Mỹ đang áp dụng các biện pháp đặc biệt để tránh vi phạm trần nợ công, nhưng mức trần này phải được nâng lên trong quý này để tránh vỡ nợ. Các quan chức và các nhà lãnh đạo các ngân hàng nổi tiếng của Mỹ đã cảnh báo trong nhiều tháng về việc Mỹ đang đi đến bờ vực vỡ nợ.

Một cuộc đối đầu tương tự diễn ra vào năm 2011 đã làm rung chuyển thị trường tài chính Mỹ và khiến Standard & Poor's lần đầu tiên hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của chính phủ Mỹ. Sau đó, Tổng thống Barack Obama đã đồng ý cắt giảm chi tiêu hơn 2.000 tỷ USD trong một thập kỷ để chấm dứt "cuộc chiến" này.

Bà Lagarde đưa ra lời cảnh báo sau khi tham dự các cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Washington (Mỹ), nơi các bộ trưởng tài chính thảo luận về triển vọng kinh tế trong bối cảnh những thách thức do lạm phát, kinh tế hậu đại dịch Covid-19 và xung đột ở Ukraine gây ra.

Đối mặt với áp lực cần tăng lãi suất khu vực đồng tiền chung Euro hơn nữa để chống lại lạm phát, bà Lagarde cho biết, việc thắt chặt cho vay tín dụng ở mức độ hạn chế có thể khiến nhiệm vụ của ECB trở nên dễ dàng hơn.

“Nếu các ngân hàng không cho vay quá nhiều và nếu họ quản lý rủi ro của mình tốt hơn, sẽ làm giảm bớt công việc mà chúng ta phải làm để có thể tập trung giảm lạm phát. Nhưng nếu họ siết quá chặt mảng tín dụng, thì nó sẽ đè nặng lên tăng trưởng kinh tế”, bà Lagarde nói.

Các nhà kinh tế dự đoán các ngân hàng đang trở nên thận trọng hơn trong việc cho vay sau sự sụp đổ của một số ngân hàng trong tháng 3, làm gia tăng lo ngại về một cuộc khủng hoảng tín dụng. Bà Lagarde cho biết, ECB sẽ theo dõi sát sao hoạt động ngân hàng ở Mỹ và Thụy Sĩ. Sự sụp đổ của nhiều ngân hàng đã gây ra tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng toàn cầu.

IMF dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại từ 3,4% vào năm 2022 xuống chỉ còn 2,8% trong năm 2023, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1 vừa qua.

Diệp Anh
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục