Chủ tịch Dragon Capital, ông Dominic Scriven: Còn nhiều điểm tựa để vượt qua thách thức

(ĐTCK) Theo Chủ tịch Dragon Capital, ông Dominic Scriven, kinh tế Việt Nam đang đứng trước những thách thức chung của kinh tế thế giới là tính chu kỳ, lãi suất sẽ tăng trở lại, nhưng Việt Nam có một số vấn đề mà nếu giải quyết được theo hướng tốt hơn sẽ là điểm tựa để vượt qua thách thức. 
Chủ tịch Dragon Capital, ông Dominic Scriven: Còn nhiều điểm tựa để vượt qua thách thức

Thưa ông, những thách thức lớn nhất có thể nhận diện trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay là gì?

Như chúng ta đã biết, Mỹ đang kết thúc các gói nới lỏng định lượng (QE), hút tiền về, đồng thời tăng lãi suất USD. Chưa có nhà kinh tế học nào có thể dự đoán được hết ảnh hưởng của điều này. Các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, khó dự đoán được diễn biến của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và vấn đề nội tại của một số nước, điển hình như Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). 

Vậy nền kinh tế Việt Nam có gì đáng lo ngại, theo ông?

Nội tại kinh tế Việt Nam cho đến thời điểm này chưa có gì đáng lo ngại. Giá trị vốn hoá của thị trường Việt Nam là 70% GDP, xứng đáng với thị trường mới nổi và tỷ lệ giao dịch hàng ngày trên giá trị vốn hóa thuộc loại thị trường có thanh khoản, tức được xếp ngang Trung Quốc và Thái Lan, thậm chí hơn cả Singapore xét về tỷ lệ này.

Ông Dominic Scriven

Số công ty niêm yết ngày càng nhiều, chất lượng quản trị công ty, công bố thông tin càng ngày càng được cải tiến. Với những gì đã làm được trong 10 năm qua, Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào. 

Nhưng trong bối cảnh nền kinh tế đặt ra nhiều thách thức, Việt Nam có thể làm gì để thúc đẩy thị trường phát triển ?

Việc lớn nhất là cần xây dựng được mạng lưới nhà đầu tư tổ chức trong nước. Nhưng đây là vấn đề khó, vì cơ sở pháp lý đã có, nhưng điều kiện đủ là phải có các tổ chức giàu kinh nghiệm, có uy tín, có sức thu hút nhà đầu tư bằng sản phẩm hấp dẫn.

Bên cạnh đó, phải có nhu cầu trong dân chúng là chuyển từ tích lũy sang sang đầu tư. Dù có các biện pháp thúc đẩy, Việt Nam vẫn cần chờ đợi hội tụ đủ các điều kiện cần và đủ cho quỹ hưu trí, quỹ đại chúng… Hiện nay, doanh số giao dịch hàng ngày chủ yếu là từ nhà đầu tư cá nhân.

Các công ty quản lý quỹ trong nước trong năm 2018 đã có sự phát triển, sau nhiều năm khá khó khăn. Đây là dấu ấn rất tốt. Nếu không có nhà đầu tư tổ chức trong nước, thị trường chủ yếu trông đợi vào nhà đầu tư tổ chức nước ngoài thì sẽ phát sinh hàng loạt vấn đề.

Một động cơ không nhỏ thúc đẩy sự phát triển của thị trường nói chung là cổ phần hóa, thoái vốn của nhà nước. Năm 2018, do một số yếu tố mà lộ trình này chững lại. Việc này nằm ngoài chuyên môn của ngành chứng khoán. Nếu hoạt động này được đẩy mạnh sẽ tạo thêm sức hấp dẫn cho thị trường.

Đáng chú ý, việc nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và vị thế của nền kinh tế có tính chu kỳ, lãi suất tăng trở lại sẽ ảnh hưởng đến thị trường tài chính tiền tệ. Trong bối cảnh này, chúng ta phải nhìn nhận lại sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hiện chưa tương xứng với nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp. Một trong những vướng mắc quan trọng là thị trường chưa tin vào khả năng đánh giá định mức tín nhiệm doanh nghiệp. Đây là câu chuyện “con gà quả trứng” cần được giải quyết. 

Giới đầu tư đang kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ vào danh sách xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI. Ông có kỳ vọng điều này?

Vướng mắc lớn nhất ở đây chính là giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại trong công ty niêm yết. Việc giới hạn và giới hạn như thế nào là quyết định của Việt Nam, không nằm trong giới hạn chuyên môn của giới chứng khoán.

Nhưng không thể không nói, có những thông điệp hơi lệch nhau xuất phát từ cấp cao nhất liên quan đến vai trò dự kiến của nhà đầu tư nước ngoài và lộ trình thực hiện. Điều này có thể khiến nhà đầu tư nước ngoài trở nên thất vọng. Tôi tin nếu giải quyết được điều này, thị trường Việt Nam sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều. 

Điều gì khiến ông lạc quan nhất về Việt Nam khi nhìn về năm mới?

Dù có nhiều khó khăn thách thức lớn, khó định lượng đến từ bên ngoài, nhưng thị trường Việt Nam có nhiều điểm trọng yếu mà chỉ cần tác động tích cực vào đó sẽ tạo ra các động lực mới giúp thị trường phát triển mạnh mẽ.

Thu Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục