Đó là nhận định của bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam chia sẻ bên lề Diễn đàn thường niên về Quản trị Công ty lần thứ 5 (AF5) chủ đề: “Củng cố năng lực lãnh đạo trong một thế giới đầy thách thức”, do Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) và Báo Đầu tư đồng tổ chức ngày 9/12 tại TP.HCM.
Vì sao bà đưa ra nhận định nhiều thành viên HĐQT công ty niêm yết thực hành quản trị công ty theo kinh nghiệm nhiều hơn là theo thông lệ và tuân thủ?
Muốn thực hành được quản trị công ty tốt, thì các thành viên HĐQT phải được đào tạo. Đào tạo căn bản về quản trị công ty hiện chưa có trong các trường đại học và VIOD đang thực hiện mô hình đào tạo quản trị công ty được Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) hỗ trợ, theo kinh nghiệm thế giới dựa trên tuân thủ luật doanh nghiệp và các thông lệ tốt.
Chương trình này rất tốt để các thành viên HĐQT thực hành quản trị công ty vì chỉ cần làm đúng như thế đã rất tốt. Tuy nhiên, chỉ 40% lượng học viên của VIOD đến từ thị trường chứng khoán, 60% đến từ các công ty tư nhân, các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp nước ngoài.
Điều này cho thấy mức độ quan tâm về thực hành quản trị công ty tốt là chưa tới. Rất nhiều thành viên HĐQT ngồi trong HĐQT công ty niêm yết, nhưng chưa bao giờ qua các khóa đào tạo về quản trị công ty, mà thực hành quản trị công ty theo kinh nghiệm nhiều hơn là theo thông lệ và tuân thủ.
Vì thế chúng tôi cho rằng, cần phải nâng cao hơn nữa mức độ thực hành quản trị công ty tốt.
Để thúc đẩy việc này, các quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Luật Chứng khoán có cần phải đưa ra những quy định không, thưa bà?
Nghị định 55 trước đây quy định các thành viên HĐQT bắt buộc phải có chứng chỉ đào tạo, nhưng câu chuyện ở đây là đơn vị nào đào tạo. Cần khuyến khích các hoạt động đào tạo đấy. Nếu đào tạo thực sự để thực hành quản trị công ty tốt thì hiện chỉ có VIOD, mà cũng phải nói rằng một mình VIOD với quy mô này là chưa đủ. Ít nhất chúng tôi rất ưu tiên để đào tạo cho các thành viên HĐQT đang thực hành trên thị trường chứng khoán, nhưng họ cũng chưa quan tâm quá nhiều.
Trong năm 2023, VIOD sẽ trình UBCKNN cùng với IFC hỗ trợ để thực thi như Viện thành viên HĐQT của Úc. Ví dụ, trao chứng chỉ thành viên thì chứng chỉ đó có số, khi các thành viên HĐQT liên tục có nhiều số, thì được hoạt động theo số chứng chỉ đấy.
Khi số chứng chỉ được đăng ký nhiều hơn thì chứng tỏ hoạt động của thành viên HĐQT đó mang tính chuyên nghiệp hơn. Chúng ta thực sự đang thiếu nguồn lực về thành viên HĐQT độc lập có chất lượng và có tính chuyên nghiệp cao. Tuy nhiên, thực tế thì các thành viên HĐQT thường muốn thành viên HĐQT độc lập phải quen biết trước khi ngồi vào HĐQT để đảm bảo họ có tư tưởng phản biện, nhưng không phản bác.
Diễn đàn thường niên về Quản trị Công ty lần thứ 5 (AF5). Ảnh: Lê Toàn. |
Xin bà cho biết sự cần thiết của việc củng cố năng lực lãnh đạo trong bối cảnh vai trò ESG (bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững của doanh nghiệp) trên thế giới ngày càng tăng ?
Sự phát triển một cách bền và vững của các doanh nghiệp phải xuất phát từ năng lực của HĐQT. Ở đó, việc thực thi quản trị công ty một cách hiệu quả, minh bạch bền vững là một thách thức vô cùng lớn của HĐQT.
Trên thế giới, các nhà đầu tư đang tiến dần tới câu chuyện đầu tư có trách nhiệm với mô hình các công ty cổ phần và các công ty niêm yết phát triển gắn với 3 trụ cột phát triển bền vững gắn với trách nhiệm xã hội, môi trường. Người tiêu dùng đã dịch chuyển ưu tiên sản phẩm của các doanh nghiệp có mang hàm lượng ESG cao lên.
Khi mà nhận thức của các nhà đầu tư cá nhân tăng lên, rõ ràng là vai trò của HĐQT trong việc thực thi quản trị công ty gắn với phát triển bền vững ESG chắc chắn là một yếu tố tất yếu.
Thách thức lớn nhất của thành viên HĐQT là được đào tạo và hiểu thực chất về ESG gắn với từng hoạt động doanh nghiệp. Thứ hai, họ cần đưa nó vào chương trình nghị sự, chiến lược phát triển công ty. Thứ ba, vì nó là vấn đề mới nên nó cần áp dụng thông lệ tốt hơn là chờ sự hướng dẫn theo luật định.
Nếu có thành viên HĐQT thực sự muốn thực hiện vai trò của mình một cách đích thực, thì họ cần được đào tạo và phải có cam kết. Trên cái cam kết đấy họ mới thực sự hành động và điều đó sẽ củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư. Hành động của họ sẽ tạo ra các sản phẩm và các dịch vụ mang tính trách nhiệm xã hội cao mà người ta sẽ dùng nó để đo lường trách nhiệm xã hội.
Theo đánh giá của bà, mức độ quan tâm và thực hành ESG của các doanh nghiệp đến thời điểm này đang ra sao?
Nếu ESG gồm 3 yếu tố: Môi trường gắn trực tiếp với biến đổi khí hậu và giảm thải carbon; Xã hội là vấn đề mà văn hóa kinh doanh cam kết phát triển bền vững, để ở đó người lao động được bảo vệ một cách tốt nhất về lợi ích trong hiện tại và một cách bền nhất về công việc trong tương lai, thì đây là các yếu tố mà các công ty ở nước ngoài, các thị trường đang rất quan tâm, bên cạnh yếu tố thứ ba là về quản trị công ty.
Trong thực tế Việt Nam, người ta mới tập trung vào chữ “G”, là quản trị công ty mà chưa có tác động và kết nối nhiều với chữ “S” và “E”. Tuy nhiên tôi tin tưởng, chúng ta đi chậm, nhưng sẽ tăng tốc được khi nhận thức được nâng cao .
Các thành viên HĐQT phải nhận thức được đây là trách nhiệm của họ, là cách để củng cố nội tại năng lực của doanh nghiệp. Sự hành động đồng bộ giữa doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ là một tương tác rất lớn. Tuy nhiên, trong lúc chờ Chính phủ hành động, từng doanh nghiệp cần nhận thức và hành động đó là vì lợi ích của chính họ, trước khi là vì lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp và nó gắn với lợi ích quốc gia.