Chủ tịch Dabaco và triết lý tự tạo vận may cho mình

(ĐTCK) Ở độ tuổi 60, sau gần 20 năm gây dựng CTCP Tập đoàn Dabaco (mã CK: DBC) thành thương hiệu lớn trong ngành chế biến thức ăn chăn nuôi và giống gia súc, gia cầm, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Như So vẫn giữ được chất “máu lửa”. 
Chủ tịch Dabaco và triết lý tự tạo vận may cho mình

Những kế hoạch kinh doanh, mục tiêu mới cần chinh phục luôn được ông đặt ra với tâm niệm “chỉ có nỗ lực mới tạo được vận may cho mình”.

Có thể nói, ứng viên xuất sắc của Giải thưởng EY – Bản lĩnh Doanh nhân Lập nghiệp 2014 này là một trong những nhân chứng tiêu biểu của một thế hệ doanh nhân xuất thân từ người lính.

Tay trắng làm nên

Sau khi rời quân ngũ và lấy được tấm bằng cử nhân kinh tế, năm 1988, Nguyễn Như So được điều về làm Phó giám đốc Công ty Vật tư Hà Bắc. Tới năm 1996, ông được đưa về làm Giám đốc Công ty Dâu tằm tơ Hà Bắc. Lúc này, ngành dâu tằm tơ đang rơi vào giai đoạn thoái trào vì không cạnh tranh được với tơ lụa giá rẻ Trung Quốc. 

“Khi đó, Công ty không còn hoạt động sản xuất, chỉ còn lại vài công nhân. Cơ sở vật chất hầu như không có gì ngoài mấy cái máy hàn và khu đất cỏ mọc xanh um”, ông So nhớ lại.

Tiếp nhận một doanh nghiệp mà tài sản gần như con số không, ông So quyết tâm tìm hướng đi mới cho doanh nghiệp: sản xuất thức ăn chăn nuôi và con giống và ông đổi tên Công ty thành Công ty Nông sản Hà Bắc. Mục tiêu đầu tiên ông đặt ra là xây dựng được một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và một trại gà giống, nhưng việc triển khai kế hoạch này khó khăn hơn nhiều so với dự liệu ban đầu. Đề án xây dựng nhà máy có tổng vốn đầu tư 20 tỷ đồng thì tỉnh chỉ đồng ý cấp kinh phí 1 tỷ đồng. Lập hồ sơ dự án xin vay vốn ngân hàng, ông bị ngân hàng thẳng thừng từ chối. Phải đến khi có sự bảo lãnh của UBND tỉnh, ông mới vay được 500.000 USD từ ngân hàng để nhập khẩu dây chuyền sản xuất và thiết bị.

Biết không thể sử dụng các kỹ thuật lạc hậu trong nước, ông So đã cùng đội ngũ kỹ thuật sang Thái Lan và một số nước có công nghệ nông nghiệp tiên tiến để tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Sau rất nhiều nỗ lực, đến cuối năm 1997, mẻ sản phẩm thức ăn chăn nuôi đầu tiên của Công ty cũng hoàn thành. Nhưng thành công đâu dễ đến như vậy. Thời gian đầu, do công thức pha trộn chưa chuẩn, sản phẩm của Công ty lợn không chịu ăn, còn gà ăn vào xù lông, chậm lớn.

Đứng trước nguy cơ mất vốn, ông So một lần nữa lại lặn lội sang Thái Lan mời một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi sang hướng dẫn kỹ thuật.

Suốt một ngày một ngày đêm, ông So cùng đội ngũ kỹ sư “không rời chuyên gia nửa bước, ăn uống tại chỗ” để học hỏi cách thức pha trộn của họ.

Có được công thức pha trộn chuẩn, Công ty thực sự đi vào giai đoạn phát triển sản xuất và chỉ một năm sau đó, sản lượng đã tăng lên gần gấp đôi.

Đến cuối năm 1998, ông So tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy thứ hai. Sản lượng tăng theo từng năm và ông liên tục mở thêm các nhà máy mới. Đến nay, Dabaco đã trở thành một trong những thương hiệu thức ăn chăn nuôi công nghiệp lớn nhất trong nước, có sức cạnh tranh ngang ngửa với các thương hiệu thức ăn chăn nuôi lớn của nước ngoài.

Sáu tháng đầu năm nay, mảng kinh doanh này đã đem về cho Dabaco 1.447 tỷ đồng, đóng góp khoảng 60% tổng doanh thu cho Tập đoàn.

Đi theo mô hình chuỗi giá trị khép kín, ông So cũng đầu tư mạnh vào sản xuất con giống và chăn nuôi, với việc thành lập xí nghiệp gà giống siêu trứng tại Tiên Du, Bắc Ninh (2002), xí nghiệp lợn giống hướng nạc Thuận Thành (2003) và xí nghiệp ngan giống Pháp tại Tiên Du, Bắc Ninh (2004). Từ năm 2010, Dabaco đã đưa vào vận hành nhà máy giết mổ gà có công suất 2.000 con/giờ tại Tiên Du, Bắc Ninh. 

Tăng trưởng đi đôi với bền vững

Từ năm 2010, theo xu thế chung của các doanh nghiệp, Dabaco cũng lấn sân sang mảng kinh doanh bất động sản. Nhưng nhạy bén với những bất ổn của thị trường, ông So đã nhanh chóng điều chỉnh chiến lược, dừng việc đầu tư và đẩy mạnh thu hồi vốn ở các dự án đã hoàn thành. Tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên năm 2014, ông So đã cam kết trước cổ đông sẽ hoàn thành kế hoạch thu hồi vốn đầu tư vào bất động sản trong quý IV/2014. Gặp chúng tôi mới đây, ông khoe, kế hoạch này đang được Tập đoàn triển khai rất tích cực.   

“Tôi nghiệm ra rằng, tăng trưởng nóng không phù hợp với mô hình của Dabaco. Mức tăng trưởng bình quân hàng năm 15% là đạt mục tiêu”, ông So nói và cho biết thêm, Dabaco vẫn đặt trọng tâm vào sản xuất con giống và thức ăn chăn nuôi; chăn nuôi gia súc, gia cầm và công nghệ giết mổ tập trung, hiện đại để cung cấp cho nhà máy chế biến thực phẩm. Chế biến thực phẩm, dù là ngành mới nhưng sẽ là trọng tâm phát triển ở chuỗi giá trị cuối của Tập đoàn. Hiện sản phẩm xúc xích của Dabaco đã có mặt trên thị trường và đang tìm được chỗ đứng.

Ông bảo, con người còn sống, còn phải ăn thịt thì ông tin Dabaco vẫn còn cơ hội phát triển. Năm qua, Dabaco đã đầu tư xây dựng trung tâm giống gia cầm, cung cấp cho thị trường 38 triệu con/năm. Ban Nghiên cứu phát triển thị trường cũng được thành lập, với 15 nhân viên được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp. 

Thành công nhờ niềm tin của nông dân

Ông So rất tự hào về việc xây dựng được hệ thống đại lý thức ăn chăn nuôi rộng lớn và bền vững, trong đó, có nhiều đại lý gắn bó với Dabaco từ những ngày đầu.

Hỏi ông làm thế nào để Dabaco có thể “giữ chân” đại lý trong suốt 18 năm nay, câu trả lời từ ông thật đơn giản: “Khi lựa chọn đại lý, tôi phải đặt ra một số tiêu chí. Đầu tiên là độ tuổi, thứ hai là lòng say mê, thứ ba là uy tín trong vùng, thứ tư mới là khả năng tài chính. Nếu họ có đam mê thì mới có khả năng thuyết phục người khác mua sản phẩm, họ có uy tín thì sẽ không dễ dàng đánh mất uy tín. Mặt khác, Dabaco có chính sách rõ ràng với các đại lý nên họ yên tâm làm việc cho mình”.

Để mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi tăng trưởng tốt, ông So bảo, đâu phải chỉ hệ thống đại lý mạnh, mà phải tạo dựng được niềm tin của người chăn nuôi. Đó chính là tiền đề tạo nên thành công cho Dabaco ngày hôm nay. 

Chưa hài lòng với những gì đang có

Ở tuổi gần 60, sau gần 20 năm gây dựng Dabaco thành thương hiệu lớn trong ngành chế biến thức ăn chăn nuôi và sản xuất giống gia súc, gia cầm, song chất “máu lửa” của người lính trong ông dường như không hề giảm nhiệt. Ông vẫn say sưa nói về những mục tiêu mới cá nhân ông cũng như Dabaco cần chinh phục: “Chưa có điều gì khiến tôi hài lòng, nên lúc nào tôi cũng tìm cách để phát triển Công ty hơn nữa”. Hàng tháng, ông đều tổ chức họp với nhóm lãnh đạo phụ trách các mảng việc của Công ty, nhóm gà giống riêng, nhóm lợn giống riêng… Ngày nào ông cũng đến nhà máy để thực mục sở thị, có vấn đề gì phát sinh thì kịp thời giải quyết luôn. 

Thị trường ngày càng khắc nghiệt , đặc biệt là có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính mạnh, ông So xác định, chỉ có sáng tạo mới giúp Dabaco tăng sức cạnh tranh. Với việc thành lập trung tâm nghiên cứu giống, Dabaco đang nỗ lực đưa ra thị trường giống gà đặc biệt, có chất lượng cao như gà 9 cựa và giống gà ri A tới đây.

Dù xác định vẫn tập trung vào thị trường trong nước do tiềm năng còn rất lớn, nhưng thời gian tới, Dabaco sẽ phát triển ngành thực phẩm sạch để xuất khẩu sang các thị trường khó tính, mà đầu tiên sẽ là Hoa Kỳ. Ông So tự tin với hướng đi này, bởi Dabaco đã xây dựng được chuỗi khép kín từ con giống đến thức ăn, giết mổ.

“Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện cho việc tận dụng cơ hội khi Việt Nam chính thức gia nhập TPP”, ông So hồ hởi khoe.


EY Entrepreneur Of The Year

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục