Chủ tịch Bản Việt Nguyễn Thanh Phượng “Tôi luôn lạc quan”

(ĐTCK-online) Rất ít khi xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng chị đã vui vẻ sắp xếp cho chúng tôi một cuộc hẹn ngay khi bay về từ Malaysia, khoảng thời gian trống hiếm hoi trong lịch làm việc dày đặc.

Tới tòa nhà Centec Tower trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, nơi Công ty Quản lý quỹ Bản Việt (VCAM) đặt văn phòng chính,  chúng tôi vẫn hơi băn khoăn với tin nhắn đã nhận: "Hẹn anh 4 giờ chiều tại quán cà phê tầng trệt, để tiện ăn trưa luôn…". Chị đến muộn 15 phút với phân trần rằng "hôm nay nhiều việc hơn bình thường nên không có giờ ăn trưa, đói run tay nhưng vẫn cố gắng trả lời được gần 40 email". Câu chuyện giữa chúng tôi đã bắt đầu như thế.

Chị dùng bữa trưa lúc 4 giờ chiều. Một ngày của chị làm việc như thế nào?

Chỉ thỉnh thoảng mới thế này thôi (cười). Bình thường bắt đầu từ 7 giờ sáng và luôn cố gắng về nhà lúc 7 giờ tối. Mỗi ngày trung bình nhận khoảng 100 email, tôi cố gắng xử lý một nửa, còn lại nhờ hỗ trợ từ thư ký. Nhiều email như vậy vì tôi chỉ dùng một địa chỉ duy nhất cho cả hai nơi, CTCP Quản lý quỹ Bản Việt (VCAM) và CTCK Bản Việt, và còn rất nhiều việc khác nữa. Hết công việc, về nhà, tôi vẫn là người phụ nữ bình thường, phải quán xuyến nhiều việc gia đình.

 

Ngoài công việc, gia đình, thú vui của chị là gì?

Tôi yêu thích nhiều loại hình nghệ thuật, quan tâm nhiều về thời sự chính trị, xã hội. Ngoài ra, tôi rất thích đi du lịch và đến nay đã đặt chân đến gần 40 quốc gia rồi. Nếu thật sự rảnh rỗi, ngoài những thú thư giãn “rất phụ nữ” như tập gym, spa, shopping, ngồi café…, tôi thích vẽ tranh và thú thật chưa dám quảng bá nhiều về sở thích này, vì trình độ vẫn đang trong giai đoạn cần phải thực hành nhiều hơn nữa. Gần đây, tôi nghiên cứu nhiều về Phật giáo và gần như bị mê hoặc bởi Phật giáo Mật tông  ở Tây Tạng và ở những lãnh thổ thuộc dãy Hymalaya hùng vĩ. Tôi tìm hiểu sâu về phật pháp trong cuộc sống, những loại hình nghệ thuật của Mật tông đa dạng, đầy màu sắc và huyền bí. 

 

Giữa vị trí Chủ tịch HĐQT một CTCK và một quỹ đầu tư, chị thấy cương vị nào nhiều thách thức hơn?

Hiện có hơn 100 CTCK đang hoạt động, vì vậy định hình được chiến lược cạnh tranh sẽ rất áp lực. Tổ chức để CTCK triển khai 4 mảng chức năng chính, hoạt động đồng bộ, đều có đóng góp hợp lý vào doanh thu chung của Công ty là việc không dễ dàng. Chưa kể các nghiệp vụ đều có sự hỗ trợ lẫn nhau, chỉ cần một dịch vụ kém phát triển thì sẽ gây khó khăn cho những dịch vụ khác ngay. Còn trong hoạt động quản lý quỹ, các quỹ đầu tư huy động trong nước thì thu nhập từ việc tính phí quản lý và phí thành công của quỹ vẫn dựa trên trên giá trị tài sản ròng (NAV) và được tính trên giá giao dịch của cổ phiếu trên TTCK. Nhưng nếu quỹ đầu tư vào DN tư nhân chưa niêm yết hoặc cổ phiếu của DN chưa có giao dịch chính thức thì NAV của quỹ sẽ không thay đổi trong thời gian dài. Còn nữa, TTCK Việt Nam luôn biến động rất mạnh. Sự điều chỉnh giá cổ phiếu không dựa hoàn toàn trên các yếu tố cơ bản từ DN, mà bị chi phối rất lớn từ cung cầu và tâm lý trong từng thời điểm. NĐT Việt Nam có những kỳ vọng và yêu cầu rất cao và… rất Việt Nam, vì vậy áp lực quản lý các quỹ đầu tư của người Việt Nam không hề đơn giản.

 Nói vậy, nhưng tôi nghĩ mình vẫn đang làm tốt ở vị trí của mình và vẫn luôn lạc quan!

 

Còn các quỹ đầu tư  nước ngoài hoạt động tại Việt Nam thì sao?

Chứng chỉ quỹ của nhiều quỹ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang được niêm yết tại nhiều sàn giao dịch chứng khoán quốc tế. Hiện nhiều chứng chỉ quỹ bị chiết khấu rất lớn. Điều này có nguyên do từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và cả câu chuyện vĩ mô khá riêng của Việt Nam. Các NĐT ở những quỹ này thay đổi từng ngày và họ cũng có những chiến lược riêng khi quyết định mua bán. Mức chiết khấu tạo áp lực lớn lên chính hoạt động của quỹ tại Việt Nam, ngay cả khi NAV của quỹ tăng trưởng tốt, giá chứng chĩ quỹ giao dịch vẫn giảm. Thực tế này đã kéo dài 2 năm nay, đó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho việc huy động quỹ đầu tư mới vào Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

 

Các NĐT nước ngoài mà chị tiếp xúc nhìn nhận cơ hội tại TTCK Việt Nam ra sao?

Tôi đã gặp nhiều NĐT dù chưa đặt chân tới Việt Nam nhưng họ vẫn xem đây là quốc gia có tên trong danh sách để nghiên cứu. Các NĐT xem xét, phân tích cơ hội ở Việt Nam dựa trên một số yếu tố cơ bản và đánh giá tích cực dựa trên 3 điểm chính. Thứ nhất, Việt Nam có vị thế, đặc điểm vị trí tự nhiên, cơ cấu dân số thuận lợi và hệ thống chính trị mang tính kế thừa cao nên ổn định. Thứ hai, kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng cao, nhưng trên nền quy mô nhỏ, vì vậy cơ hội tiếp tục duy trì tăng trưởng còn rất cao. Thứ ba, Việt Nam tuy hội nhập kinh tế thế giới chưa lâu, nhưng có khả năng xoay xở khá tốt và ngày càng tốt hơn khi đối mặt với khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Mặc dù Việt Nam cần phải tích cực giải quyết nhiều vấn đề bất cập, nhưng về lâu dài, họ vẫn đặt niềm tin vào triển vọng phát triển bền vững của Việt Nam.

 

Dòng vốn nóng hay được được nhắc đến gần đây. Quan điểm của chị về dòng vốn này thế nào?

Nhiều quốc gia khác cũng có mối quan tâm tương tự. Cũng có nhiều phân tích, bình luận nên hay không nên tiếp nhận dòng vốn này. Cá nhân tôi suy nghĩ, khi hội nhập thì bất cứ thị trường nào cũng không tránh khỏi dòng vốn nóng quốc tế. Khác chăng chỉ ở số lượng. Vốn nóng bản chất không cố định, luôn chảy vào, chảy ra liên tục, từng thời điểm và luôn gắn với chiến lược đầu tư vào các thị trường biến động mạnh. TTCK Việt Nam là một thị trường như thế.

 

Hoạt động của VCAM có gì mới trong năm nay?

Với các quỹ đang hoạt động, VCAM sẽ có một số thay đổi mang tính chiến lược. Chúng tôi sẽ điều chỉnh lại chiến lược phân bố tài sản của các danh mục. Chẳng hạn, Quỹ đầu tư Y tế trước đây tập trung vào các cổ phiếu ngành dược phẩm, sắp tới sẽ chuyển hướng sang các DN hoạt động trong lĩnh vực y tế có dòng tiền tốt như phòng khám, bệnh viện chuyên ngành, phân phối dược phẩm và thiết bị y tế…. VCAM sẽ tập trung hơn đến phát triển nghiệp vụ quản lý danh mục đầu tư. Trong điều kiện hiện tại, tôi nghĩ loại hình này triển khai hiệu quả và dễ dàng hơn việc lập quỹ đầu tư mới.

VCAM cũng sẽ chuyển hướng đầu tư vào các công ty tư nhân theo hướng chuyên ngành. Cụ thể, VCAM đã tìm được đồng thuận của một số NĐT tổ chức trong và ngoài nước muốn nhắm tới các lĩnh vực đầu tư tài chính sinh lợi, mang tính xã hội cao như dự án về giáo dục trung và cao cấp.

Giữa cuộc trò chuyện của chúng tôi, nhiều lần chuông điện thoại của chị rung lên, nhưng duy nhất chỉ một lần chị bắt máy. Chị phân trần rằng, chị không muốn ôm đồm quá nhiều, nhưng việc cứ đến. Mới đây, sau khi được nghe một vị Rinpoche ở Bhutan của dòng Drukpa (một trong những dòng truyền thừa lớn thuộc Phật giáo Mật tông và là quốc giáo của Vương quốc Bhutan) thuyết giảng về hạnh phúc và khổ đau trong cuộc sống, chị dường như cảm giác rằng bản thân mình và cả số đông mọi người xung quanh đang sống quá nhanh, quá hối hả đến mức chẳng mấy khi có thời gian cho những cảm nhận của chính mình với cuộc sống và cuộc đời. Dù vậy, chị cho rằng, đó là phân công xã hội dành cho mình, trách nhiệm công việc mình phải làm cùng với nhiều người để duy trì một tổ chức nếu không muốn bị đào thải. Đó cũng là trách nhiệm của người lãnh đạo đối với khách hàng, cổ đông, nhân viên và với chính mình!

Nguyên Hồng - Giang Thanh thực hiện.
Nguyên Hồng - Giang Thanh thực hiện.

Tin cùng chuyên mục