Sự đối lập với kinh tế thị trường
Hiện có rất nhiều cách hiểu về tư bản thân hữu. Tựu trung, tư bản thân hữu là sự cấu kết giữa các nhóm lợi ích với một số quan chức chính quyền để thu lợi bất chính. Tuy nhiên, đó chỉ là cách giải thích thuật ngữ về mặt hiện tượng và hành vi. Ở Việt Nam hiện nay hầu như chưa có nghiên cứu nào về tư bản thân hữu với góc độ là một phương thức (hệ thống) kinh tế.
Trong kinh tế thị trường, các quyết định đầu tư và phân bổ nguồn lực quốc gia phải mang lại giá trị sử dụng cao nhất. Làm được điều này không hề dễ. Trong từng lĩnh vực của nền kinh tế, chỉ có những người giỏi nhất mới nghĩ ra được bài toán tối ưu và từ đó dồn toàn bộ nguồn lực của mình, với tất cả những rủi ro phía trước, để tham gia sản xuất một loại hàng hóa hay dịch vụ nào đó với chất lượng tốt và giá cả hợp lý.
Tư bản thân hữu, ngược lại, do phải xử lý một bài toán quá khó mà kinh tế thị trường đặt ra, nên rất tự nhiên, sẽ xuất hiện những nhóm lợi ích lựa chọn con đường ngắn nhất, dễ nhất, ít rủi ro nhất để giải bài toán phân bổ nguồn lực. Còn con đường nào khác ngoài việc các nhóm thân hữu phải liên kết với các quan chức chính quyền?
Trái ngược hoàn toàn với kinh tế thị trường, tư bản thân hữu cũng là một phương thức kinh tế, nhưng chỉ là phương thức mà ở đó, nguồn lực quốc gia được phân bổ dựa trên tầm ảnh hưởng của quyền lực, hệ tư tưởng, tiền bạc và sự tham lam bất tận. Tư bản thân hữu vì vậy còn là kẻ thù của đổi mới và sáng tạo. Từ những ví dụ nhỏ nhất, như thu phí tự động bằng thẻ qua các trạm BOT hay thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng chẳng hạn, đã vướng phải những lập luận phản bác thiếu thuyết phục từ phía thân hữu.
Hệ lụy của chủ nghĩa tư bản thân hữu
Thứ nhất, tư bản thân hữu không bao giờ dừng lại ở một quy mô nào đó, mà luôn ẩn chứa một khuynh hướng phát triển mang tính hệ thống. Nếu chính quyền thiếu khả năng, hoặc thỏa hiệp, tư bản thân hữu phát triển giống như hệ sinh thái.
Theo thời gian, tư bản thân hữu sẽ bao trùm hầu hết lĩnh vực trọng yếu nhất của nền kinh tế: ở các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong lĩnh vực bất động sản, đầu tư hạ tầng, trong các ngành công nghiệp trọng yếu như ô tô, khai thác tài nguyên, tài chính ngân hàng...
Thứ hai, do toàn bộ nguồn lực và tâm trí của các nhóm lợi ích chỉ tập trung mua chuộc và hối lộ quan chức thoái hóa, nên lý thuyết kinh tế chỉ ra rằng, đến một lúc nào đó, các chủ thể thân hữu trong nền kinh tế, là các nhóm lợi ích, các công ty thân hữu lớn và một bộ phận các cơ quan quản lý, sẽ xác lập một tham số hành vi bất biến. Tham số hành vi bất biến là những tham số không bao giờ bị tác động bởi những cú sốc chính sách.
Một mặt, các chỉ thị từ các cấp lãnh đạo cao nhất sẽ gặp phải tính ỳ (tham số bất biến) từ các cơ quan quản lý. Mặt khác, mãi đến khi các cơ quan quản lý “chịu” triển khai, thì các chính sách kinh tế cũng không vì thế mà thay đổi được hành vi hối lộ, tham nhũng “bất biến” bấy lâu của tư bản thân hữu.
Chẳng hạn, chính phủ kỳ vọng ban hành các chuẩn mực quốc tế để hệ thống ngân hàng phát triển lành mạnh hơn, có khả năng chỉ có các ngân hàng kinh doanh chân chính bị ảnh hưởng, khi phải đầu tư nguồn lực, tăng vốn điều lệ, thiết lập cơ chế kiểm soát rủi ro nhiều tốn kém.
Ngược lại, các ngân hàng trong hệ thống tư bản thân hữu sẽ có phương cách hiệu quả nhất là lobby chính sách, ngày càng trở thành “quá lớn để không thể đổ vỡ”. H
ay với một cú sốc thuế nhập khẩu về 0% theo thỏa thuận từ các hiệp định thương mại tự do, thay vì tập trung nâng cao chất lượng, hạ giá thành cạnh tranh với hàng nhập khẩu, thì tư bản thân hữu lại tập trung nguồn lực tác động vào chính sách để mong nhận được những bảo hộ phi lý.
Tất cả điều này là một loại tham nhũng chính sách. Các nghiên cứu cho thấy, tham nhũng chính sách chính là những kẻ giết chết nền kinh tế một cách thầm lặng nhất.
Thứ ba, tư bản thân hữu còn được gọi là một nền kinh tế 1%. Theo nghĩa chỉ có 1% những người giàu và quyền lực nhất thâu tóm phần lớn của cải trong một quốc gia. Các tập đoàn và nhóm lợi ích, nếu không được ngăn chặn, tình trạng này sẽ phát triển đến mức “quá lớn để không thể không giải cứu”.
“Giải cứu” ngân hàng hay dự án giao thông BOT nào đó, “giải cứu” kinh doanh dịch vụ taxi hay một vài đại gia nào đó thua lỗ do đầu tư tràn lan… nên xem là một khuynh hướng nguy hiểm cần phải được chấm dứt.
Chủ nghĩa tư bản thân hữu và quy luật “Hòn tuyết lăn”
Để phát triển kinh tế tư nhân và chống lại tư bản thân hữu, các giải pháp thường thấy là chính phủ sẽ tăng cường kiểm soát, can thiệp để khống chế sự phát triển của các doanh nghiệp lớn thân hữu. Về mặt lý thuyết, giải pháp này thoạt đầu nghe qua thấy có lý nên ít ai chú ý đến những phản hồi ngược từ tư bản thân hữu với chính quyền.
Cứ mỗi khi phát hiện những bất cập từ các hành vi thao túng của tư bản thân hữu, cơ quan quản lý tìm cách tăng cường quyền lực để can thiệp và kiểm soát, thì các nhóm lợi ích lại càng tập trung thêm nguồn lực khổng lồ lobby chính sách. Các nghiên cứu cho thấy, quá trình này cứ tiếp diễn sẽ đủ để hình thành quy luật “Hòn tuyết lăn” (positive feedback loop).
Quy luật này nói rằng, nếu cơ quan quản lý dự định đưa thêm một quy định A để tác động kiểm soát hoạt động của một nhóm lợi ích B, thì B sẽ tìm cách tác động với cơ quan quản lý có liên quan để thay đổi quy định A theo hướng có lợi cho mình.
Kết quả là, cơ quan quản lý có thể vô tình tạo ra thêm nhiều quy định thế hệ A’ khác để có thể kiểm soát B. Cứ thế, tiếp tục, B sẽ tìm cách tác động làm thay đổi quy định A’. Cơ quan quản lý sẽ cố gắng cho ra đời thế hệ quy định mới A”.
“Trái ngược hoàn toàn với kinh tế thị trường, tư bản thân hữu cũng là một phương thức kinh tế, nhưng chỉ là phương thức mà ở đó, nguồn lực quốc gia được phân bổ dựa trên tầm ảnh hưởng của quyền lực, hệ tư tưởng, tiền bạc và sự tham lam bất tận. Tư bản thân hữu vì vậy còn là kẻ thù của đổi mới và sáng tạo”.
GS-TS. Trần Ngọc Thơ (Đại học Kinh tế TP.HCM)
Ý tưởng dùng quyền lực để kiểm soát tư bản thân hữu, cho dù với ý đồ tốt, nhưng hóa ra lại là biện pháp phi kinh tế thị trường. Cứ mỗi can thiệp của chính quyền, sau đó lại xuất hiện thêm các quy định điều tiết mới có lợi cho tư bản thân hữu nhiều hơn. Đến một lúc nào đó, tư bản thân hữu sẽ quay ngược trở lại kiểm soát từng phần hoặc phần lớn các cơ quan quản lý.
Ai sẽ là người chịu thiệt thòi nhiều nhất từ sự can thiệp và tập trung quyền lực quá mức? Không ai khác, đó là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các nhóm lợi ích, dĩ nhiên, có thừa nguồn lực đối phó với những quy định điều tiết của cơ quan chức năng.
Kết quả là, các doanh nghiệp nhỏ ngày càng rớt ra khỏi thị trường. Nền kinh tế đến lúc nào đó chỉ bao gồm những tập đoàn, công ty lớn thân hữu. Tư bản thân hữu tốn kém nhiều nguồn lực như thế cũng phải nghĩ kế thu hồi vốn thật nhanh.
Chỉ có bất động sản và làm ăn chụp giật là hoàn vốn nhanh nhất. Kêu gọi tư bản thân hữu đầu tư và các ngành công nghiệp xương sống quốc gia vì vậy là một ý tưởng bất khả thi, trừ phi cơ quan quản lý phải nhượng bộ rất lớn.
Thể chế, thể chế và thể chế
Thời gian qua cộng đồng doanh nghiệp như được tiếp thêm oxy khi Bộ Chính trị đã dành hẳn một nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân cũng như phòng chống sự lây lan của tư bản thân hữu. Chính phủ cũng đã có những quyết sách cải cách thể chế, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế tư nhân rất hợp lòng dân. Quyết tâm từ các cấp lãnh đạo cao nhất là có thật. Song có một câu chuyện cũng có thật sau đây xin được kể lại xem như lời kết của bài viết.
Những ngày cuối năm, tác giả cùng một đại biểu Quốc hội tại TP.HCM có chuyến khảo sát thực tế tại một Tổng công ty lớn (đã cổ phần hóa) trực thuộc Tỉnh ủy một tỉnh miền Đông Nam bộ. Lãnh đạo Tổng công ty này cho rằng, họ thực sự ngao ngán trước rừng thủ tục hành chính phải đối phó hàng ngày.
Vì so với trước đây, các thủ tục hành chính không giảm hơn, mà “tình hình ngày càng nghiêm trọng và tinh vi hơn trước đây nhiều”. Một tổng công ty lớn có uy thế mà vẫn hoang mang trước ma trận thủ tục hành chính thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa yếu thế sẽ thế nào?
Chỉ có cách duy nhất phát triển kinh tế tư nhân và cùng với đó chống lại tư bản thân hữu là hướng đến một nền kinh tế thị trường thực sự. Cải cách thể chế cũng phải là một cuộc cải cách thực sự. Nếu chúng ta có nhiều ý tưởng tốt và đột phá, nhưng vẫn có quá nhiều quy định phức tạp để điều tiết nền kinh tế thì sẽ không giải quyết được vấn đề. Như Thủ tướng đã từng nói, vấn đề của chúng ta suy cho cùng vẫn là “Thể chế, thể chế và thể chế”.