WB cho rằng, tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và lĩnh vực ngân hàng chậm lại có thể gây tác động bất lợi đến tình hình tài chính - vĩ mô, làm suy giảm triển vọng tăng trưởng và tạo ra các nghĩa vụ lớn cho khu vực nhà nước.
Theo đó, các nhà hoạch định chính sách cần tận dụng môi trường kinh tế thuận lợi để đẩy mạnh các chính sách nhằm nâng cao khả năng chống chịu về kinh tế vĩ mô, đồng thời tạo nền tảng để tăng trưởng bền vững trong tương lai.
Chính sách tiền tệ cần rút bớt thanh khoản trong khu vực ngân hàng, sao cho lãi suất liên ngân hàng diễn biến theo lãi suất chính sách và tăng trưởng tín dụng được duy trì cho phù hợp với các yếu tố căn bản… Đối với chính sách tài khóa, các biện pháp giảm bội chi cần được bổ trợ bằng một chiến lược toàn diện nhằm nâng cao hiệu suất chi tiêu và duy trì bền vững tiềm năng thu trong trung hạn.
Mặc dù dự báo GDP của Việt Nam năm 2018 đã được WB nâng lên 6,8% so với 6,5% từ lần dự báo trước đó, nhưng vẫn thấp hơn dự báo của ADB là 7,1% và tương đồng với dự báo của Standard Chartered Bank ở mức 6,8%, trong khi HSBC vẫn giữ quan điểm GDP dự kiến giảm xuống còn 6,5% vào thời điểm cuối năm 2018.
Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam nói: “Tăng trưởng cao và lạm phát thấp là cơ hội đặc biệt để đẩy mạnh cải cách. Các chính sách kinh tế vĩ mô cẩn trọng cần song hành với những cải cách cơ cấu sâu và toàn diện, bao gồm cải cách các quy định để loại bỏ rào cản và giảm chi phí hoạt động của khu vực tư nhân, đầu tư cho nguồn nhân lực và hạ tầng chất lượng cao, đồng thời tiếp tục cải cách để nâng cao năng suất của khu vực doanh nghiệp nhà nước”.
Được hỗ trợ bởi năng lực quản lý kinh tế vĩ mô, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định, Việt Nam sẽ bứt phá trong năm 2018 và trở thành một trong những quốc gia có tăng trưởng kinh tế mạnh nhất của khu vực, nhưng vẫn phải đối mặt với không ít rủi ro, thách thức.
“Hiện kinh tế Việt Nam chưa có dấu hiệu tăng trưởng nóng, nhưng lạm phát đang có chiều hướng đi lên. Việt Nam cần phải tính toán để vừa có tăng trưởng cao, nhưng không để lạm phát cao, nếu không sẽ ảnh hưởng đến phát triển dài hạn”, ông Eric Sidgwick nói.
Tương tự như WB, ADB cũng nhấn mạnh đến nguy cơ lớn liên quan đến sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại toàn cầu. Cụ thể, theo ADB, kim ngạch thương mại hàng năm hiện vượt mức 185% GPD khiến Việt Nam trở thành nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại cao thứ hai ở Đông Nam Á, sau Singapore. Bên cạnh phụ thuộc về thương mại, Việt Nam còn có tính liên kết cao với các thị trường Mỹ và Trung Quốc. Do đó, chỉ một sự cố nghiêm trọng trong thương mại giữa 2 quốc gia này sẽ có thể dẫn tới những tác động lan tỏa đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu.
Còn HSBC phân tích, kỳ vọng hoạt động sản xuất công nghiệp của Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh trong năm nay, nhưng vẫn còn đó một số dấu hiệu cho thấy sự giảm tốc. Đơn cử, Việt Nam có lẽ không miễn nhiễm với một số hàng rào thuế quan do Chính phủ Mỹ áp đặt như máy giặt, thép và nhôm… và việc tăng cường áp thuế bổ sung từ phía Mỹ có thể tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu trong vài tháng tới.
“Sự giảm tốc mang tính chu kỳ của lĩnh vực thiết bị điện tử đang dần xuất hiện, xét tới việc chỉ số sản xuất công nghiệp PMI và kim ngạch xuất khẩu các linh kiện điện tử có phần suy giảm trong thời gian gần đây… Việc ký kết Hiệp định đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gần đây giúp Việt Nam giảm bớt tác động tiêu cực từ các biện pháp bảo hộ thương mại ở bên ngoài, nhưng không hỗ trợ quá nhiều trong năm nay”, HSBC nhận định.