Chủ ngân hàng đã được phép dùng thẻ tín dụng của ngân hàng mình

(ĐTCK) Ý nghĩ không được phát hành thẻ tín dụng cho giới chủ của ngân hàng mình đã thành nếp quen, thậm chí kể cả khi Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung năm 2017 xóa đi ngăn cấm này thì nhiều ngân hàng vẫn chưa có sự cập nhật.

Nâng lên đặt xuống nhiều lần

Theo hàng loạt quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung năm 2017 và các Thông tư hướng dẫn về hoạt động thẻ, thì từ ngày 15/1/2018, các vị thành viên hội đồng quản trị, thành viên hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) và các chức danh tương đương sẽ không còn bị cấm dùng thẻ tín dụng của ngân hàng mình nữa.

Như vậy, cần tới 20 năm thì sự ngăn cấm này mới được dỡ bỏ, tính từ Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 đến Luật Các tổ chức tín dụng hiện nay. Quan điểm cấm cản xuất phát từ lý luận chung là việc phát hành thẻ tín dụng cũng là một hoạt động cấp tín dụng.

Do đó, tương tự như những hoạt động cấp tín dụng khác, đối tượng trọng điểm mà nhà băng không được mở thẻ tín dụng chính là những vị sếp trong ngân hàng mình.

Thực tế, trong giai đoạn Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 có hiệu lực, hoạt động phát hành thẻ tín dụng cho các vị sếp này của ngành ngân hàng vẫn diễn ra trơn tru, như một tiền lệ không bị hạn chế bởi Điều 77 về “Những trường hợp không được cho vay” của Luật này.

Sở dĩ như vậy là vì ai cũng nghĩ tài chính hùng hậu như giới chủ ngân hàng lý nào lại không trả nổi nợ thẻ tín dụng, đừng nói xa hơn là dùng thẻ tín dụng để lũng đoạn ngân hàng.

Chưa bàn ý nghĩ này đúng hay sai, nhưng rõ ràng trong giai đoạn này, Ngân hàng Nhà nước cũng không có bất kỳ động thái tuýt còi, cảnh báo nào.

Đến khi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 đi vào thi hành, quy định vẫn vậy, nhưng quan điểm của Ngân hàng Nhà nước lại thay đổi, chuyển từ bỏ lửng sang kiểm soát chặt chẽ việc mở thẻ tín dụng cho các đối tượng bị cấm cấp tín dụng.

Kết quả là thay vì được “đường hoàng” xài thẻ tín dụng của ngân hàng mình, các vị trong ban lãnh đạo phải đi đường vòng, thông qua thẻ đứng tên người khác, thậm chí là từ bỏ hẳn, chuyển sang ủng hộ sản phẩm thẻ tín dụng của ngân hàng bạn.

Đây là nghịch lý cho những người điều hành, quản lý ngân hàng. Bởi không ai khác, chính họ là những người quyết định mang các tiện lợi, hữu ích của sản phẩm thẻ tín dụng do ngân hàng mình xây dựng đến người sử dụng.

Thế nhưng bản thân họ lại không được phép tận hưởng và kiểm chứng các tiện ích này, với lý do là đối tượng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho ngân hàng.

Đến nay, một lần nữa Ngân hàng Nhà nước thay đổi quan điểm, khi khoản 19 Điều 1 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung năm 2017 nêu rõ quy định về việc cấm cấp tín dụng đối với ban lãnh đạo ngân hàng tại khoản 1 Điều 126 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 không áp dụng dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng cho cá nhân. 

Lưu ý khi dùng

Tuy rào cản đã được gỡ bỏ nhưng ngành ngân hàng không nên quá chủ quan, bởi vẫn có những giới hạn cần tuân thủ, điển hình là giới hạn về hạn mức và thẩm quyền phê duyệt phát hành thẻ. Hình dung đơn giản, từ chỗ bị cấm cấp thẻ tín dụng, giới chủ ngân hàng trở thành đối tượng hạn chế cấp thẻ tín dụng.

Điểm b, khoản 6, Điều 1 Thông tư số 26/2017/TT-NHNN ban hành ngày 29-12-2017 bổ sung vào khoản 1 Điều 15 của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hạn mức thẻ tín dụng đối với các cá nhân hạn chế cấp thẻ tín dụng.

Theo đó, nếu có tài sản bảo đảm thì hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ tối đa là 1 tỷ đồng Việt Nam, ngược lại nếu không có tài sản bảo đảm thì con số này là 500 triệu đồng Việt Nam.

Đây chỉ là giới hạn tối đa, ngân hàng không đương nhiên được cấp hạn mức 1 tỷ hay 500 triệu đồng thẻ tín dụng. Bởi tại quy định này, Thông tư số 26 còn yêu cầu các ngân hàng phải ban hành quy định nội bộ để xác định hạn mức tín dụng cấp cho các chủ thể đã nêu.

Như vậy, nếu không ban hành quy định nội bộ về vấn đề này thì rủi ro hiển hiện ngân hàng sẽ cấp sai hạn mức tín dụng cho đối tượng bị cấm cấp tín dụng.

Dưới một góc độ khác, việc ban hành quy định nội bộ này còn hỗ trợ ngân hàng làm rõ khái niệm “các chức danh tương đương” tại Điều 126 Luật Các tổ chức tín dụng, từ đó xác định được phạm vi các chức danh quản lý được mở thẻ tín dụng.

Với bản chất là cho vay, ngân hàng cũng phải thực hiện việc quản trị rủi ro tín dụng đối với hoạt động phát hành thẻ tín dụng như trường hợp thông thường.

Cụ thể, khoản 11 Điều 1 Thông tư số 19/2017/TT-NHNN yêu cầu ngân hàng phải thông qua hội đồng quản trị, hội đồng thành viên khi phát hành thẻ tín dụng cho thành viên hội đồng quản trị, thành viên hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soát, người điều hành và các chức danh quản lý khác, trừ khoản cấp tín dụng thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông.

Khoản cấp tín dụng thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông được hiểu là các khoản có giá trị trên 20% vốn điều lệ hoặc một tỷ lệ khác thấp hơn theo quy định tại điều lệ của ngân hàng, căn cứ theo điểm q, khoản 2, Điều 59 Luật Các tổ chức tín dụng đã được sửa đổi, bổ sung.

Nghịch lý đã được khắc phục, giới chủ ngân hàng nay đã được dùng sản phẩm của ngân hàng mình. Nhưng nhìn chung, khách hàng đặc biệt thì vẫn cần sự tuân thủ đặc biệt.

Luật 17/2017/QH14 ban hành ngày 20/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng
Điều 19, Sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 6 và bổ sung khoản 7 vào Điều 126 như sau:
“2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với quỹ tín dụng nhân dân và trường hợp cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng cho cá nhân.
Hạn mức thẻ tín dụng đối với cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
6. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng để góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng.
7. Việc cấp tín dụng quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5 và 6 Điều này bao gồm cả hoạt động mua, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
20. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1, bổ sung khoản 5 vào Điều 127 như sau:
“b) Kế toán trưởng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng quản trị, Trưởng ban và thành viên khác của Ban kiểm soát, Giám đốc, Phó giám đốc và các chức danh tương đương của quỹ tín dụng nhân dân;”
5. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng quy định tại khoản 2 Điều này bao gồm cả tổng mức mua, đầu tư vào trái phiếu do các đối tượng quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều này phát hành; tổng mức dư nợ cấp tín dụng quy định tại khoản 4 Điều này bao gồm cả tổng mức mua, đầu tư vào trái phiếu do các đối tượng quy định tại điểm e khoản 1 Điều này phát hành”.
- Thông tư số 19/2017/TT-NHNN, ban hành ngày 28/12/2017, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ban hành ngày 20/11/2014 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 11, Khoản 3 và khoản 4 Điều 10 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải báo cáo Đại hội đồng cổ đông, Đại hội thành viên các khoản cấp tín dụng cho các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 127 Luật các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung) phát sinh đến thời điểm lấy số liệu để họp Đại hội đồng cổ đông, Đại hội thành viên; báo cáo cho chủ sở hữu, thành viên góp vốn, người quản lý, người điều hành và Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng) khi có phát sinh khoản cấp tín dụng cho đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 127 Luật các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung).
4. Khoản cấp tín dụng cho công ty con, công ty liên kết (trừ trường hợp không được cấp tín dụng quy định tại Điều 126 Luật các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung)) và đối tượng trong danh sách quy định tại khoản 2 Điều này phải được Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc/Giám đốc (đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài) thông qua, trừ khoản cấp tín dụng thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông. Ban kiểm soát phải giám sát việc phê duyệt cấp tín dụng đối với các đối tượng này”.

Phan Thị Chu Uyên - Công ty Luật BASICO

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục