Tăng trưởng trở lại
Theo đánh giá của công ty nghiên cứu thị trường FiinGroup, lĩnh vực tài chính tiêu dùng đã đối diện với một năm đầy thử thách khi dư nợ cho vay tiêu dùng trong năm 2023 chỉ tăng 11,3% so với năm 2022. Đây là mức tăng khiêm tốn so với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm đạt 25%/năm trong giai đoạn 2016 - 2019.
Tuy nhiên, thị trường tài chính tiêu dùng vẫn đang có nhiều triển vọng phát triển khi quy mô tín dụng tiêu dùng của Việt Nam mới đạt trên 10% GDP, thấp hơn rất nhiều so với không ít nước và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc hơn 40% GDP, Hồng Kông (Trung Quốc) hơn 20%...
Bên cạnh đó, FiinGroup nhận định, với triển vọng phục hồi đậm nét của nền kinh tế, năm 2024 sẽ mở đường cho sự phục hồi của lĩnh vực tài chính tiêu dùng, dựa trên sức mua mở rộng, nhu cầu tín dụng gia tăng và thu nhập hộ gia đình cải thiện.
Đồng thời, các chuyên gia của FiinGroup cho rằng, năm 2024 sẽ mở ra một giai đoạn tăng trưởng tín dụng mới, đề cao sự cẩn trọng trong hoạt động giải ngân, hướng tới lộ trình tăng trưởng bền vững, thay vì tăng trưởng nóng như một số năm trước.
Hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính cải thiện dần. Cụ thể, năm 2023 đánh dấu mốc quan trọng của FE Credit trong quá trình tái cấu trúc và tinh chỉnh trên toàn hệ thống. Những điều chỉnh kịp thời trong hoạt động kinh doanh, tối ưu chi phí vận hành và tăng cường kiểm soát quản trị rủi ro đã bước đầu mang lại các thành tựu cho công ty tài chính tiêu dùng chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam.
Nửa cuối năm 2023, FE Credit đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực trong hoạt động kinh doanh. Kết thúc quý I/2024, quy mô giải ngân của FE Credit tăng trưởng tích cực so với trung bình năm 2023.
Với chiến lược cho vay thận trọng hơn, tập trung vào tệp khách hàng có rủi ro thấp, chất lượng các khoản vay của FE Credit đã được cải thiện qua từng quý. Cùng với đó, việc áp dụng mô hình tập đoàn đã và đang giúp FE Credit tối ưu chi phí hoạt động. Quý I năm nay, chi phí hoạt động của Công ty giảm 10,5%, trong khi chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) giảm đáng kể 27,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2024, FE Credit sẽ tập trung tối ưu mô hình kinh doanh hiện hữu, cải tiến khung kiểm soát rủi ro và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Công ty cũng đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, hướng đến mục tiêu tiếp cận khách hàng trên diện rộng.
Song song với đó, FE Credit cho biết, sẽ tăng cường hợp tác với các chuỗi bán lẻ danh tiếng trên thị trường, nhằm cung cấp các sản phẩm đa dạng, linh hoạt phù hợp với phân khúc khách hàng, trong nỗ lực nâng cao doanh số bán hàng.
Theo đánh giá của Moody’s, FE Credit vẫn đang đối diện với một số thách thức, nhưng sự hậu thuẫn tích cực từ ngân hàng mẹ VPBank (xếp hạng tín nhiệm Ba3, triển vọng ổn định) và SMBC sẽ góp phần bù đắp cho các khó khăn này. Triển vọng của FE Credit được Moody’s duy trì như lần đánh giá gần đây. Trong bối cảnh nền kinh tế biến động, việc giữ nguyên đánh giá xếp hạng B1 cho thấy Moody’s đã ghi nhận nỗ lực phục hồi của FE Credit trong thời gian vừa qua.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank (ngân hàng mẹ của FE Credit), Việt Nam là một thị trường tiềm năng với tài chính tiêu dùng.
Mặc dù có 16 công ty tài tiêu dùng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, nhưng ông Vinh cho rằng, vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi khó khăn trong năm 2023, hầu hết các công ty đều sụt giảm thu nhập. FE Credit có quy mô lớn nhất nên phải gánh chịu nhiều nhất.
“Hai năm qua, tài chính tiêu dùng có chiều hướng suy giảm, một phần do nhu cầu thị trường, một phần do sự hiểu biết về tài chính tiêu dùng còn chưa đầy đủ bởi sự ảnh hưởng của tín dụng đen. Mặt trái của một số biện pháp siết nợ của tín dụng đen khiến công tác thu hồi nợ giảm 50% hiệu quả”, ông Vinh nói và cho rằng, đà hồi phục của tín dụng tiêu dùng đang dần quay trở lại trong năm 2024.
Không chỉ FE Credit, một số công ty tài chính tiêu dùng khác cũng dần hồi phục trên chu kỳ lấy lại đà tăng trưởng của ngành tín dụng tiêu dùng trong năm nay.
Kết quả kinh doanh hồi phục
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của VPBank tổ chức mới đây, lãnh đạo VPBank đã công bố mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng của ngân hàng mẹ và các công ty con.
Cụ thể, năm 2024, FE Credit đặt mục tiêu lãi 1.200 tỷ đồng, dư nợ tín dụng dự kiến vượt 66.500 tỷ đồng. Đây là kế hoạch kinh doanh được cho là khá bất ngờ và cũng phản ánh sự tự tin của Ban lãnh đạo FE Credit sau hai năm thua lỗ lớn.
Cơ sở đưa ra mục tiêu này một phần nhờ thành quả chuyển lỗ thành lãi trong quý IV/2023. Đây là tham chiếu quan trọng cho kế hoạch kinh doanh của FE Credit trong năm 2024.
Tính tới cuối năm 2023, FE Credit đã giải ngân cho 15,6 triệu khách hàng, trong đó có 5,9 triệu khách hàng từng sử dụng dịch vụ tài chính của Công ty trước đó.
Kết quả giải ngân tăng trưởng qua từng quý: cuối quý II, quý III và IV/2023 lần lượt đạt 4%, 13% và 17%, đi kèm với chi phí dự phòng rủi ro cải thiện thông qua định hướng giải ngân vào phân khúc an toàn và thúc đẩy hoạt động xử lý tín dụng.
Đi sâu vào phân tích kết quả hoạt động trong năm 2023, Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận xét, các dấu hiệu phục hồi trở nên rõ nét tại FE Credit trong quý IV/2023.
Các công ty tài chính đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tiếp cận rộng rãi khách hàng. |
Công ty tài chính tiêu dùng với thị phần lớn nhất Việt Nam trong nhiều năm đã ghi nhận hơn 4.200 tỷ đồng thu nhập hoạt động, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng lại tăng 0,6% so với quý liền trước.
Mức giảm này đã cải thiện đáng kể so với mức giảm 15,4% và 27,1% so với cùng kỳ trong quý II và quý III/2023. Cùng với đó, chi phí hoạt động trong quý cuối năm 2023 giảm 32,8% so với cùng kỳ và giảm 10,2% so với quý trước đó.
Quý IV/2023 cũng là quý thứ hai liên tiếp FE Credit ghi nhận chi phí trích lập dự phòng giảm so với cùng kỳ, từ đó cải thiện lợi nhuận trước thuế. Lũy kế cả năm 2023, lỗ trước thuế dừng ở mức gần 3.700 tỷ đồng, theo VPBank.
MBS cho rằng, việc FE Credit ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế dương hai quý liên tiếp và chất lượng tài sản có dấu hiệu tạo đáy cho thấy áp lực trích lập trong những quý tiếp theo sẽ giảm dần.
Ngoài ra, đà giảm của tăng trưởng dư nợ cũng bắt đầu chậm lại và tạo đáy trong quý III/2023 cũng gia tăng kỳ vọng FE Credit có thể lấy lại đà tăng trưởng dương trong năm 2024 và đóng góp đáng kể vào khả năng sinh lợi của VPBank. MBS dự báo, dư nợ của FE Credit có thể tăng 16,1% trong năm nay.
Việc FE Credit đặt ra mục tiêu tăng trưởng dương trong năm 2024 không phải không có cơ sở, khi lĩnh vực tài chính tiêu dùng được dự báo sẽ tìm lại được chu kỳ tăng trưởng mới, hướng tới sự bền vững trong dài hạn.
Theo Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh, FE Credit hiện có 49% vốn của SMBC, 50% là VPBank, là “đứa con chung của hai tổ chức nên sự tham gia hỗ trợ có cam kết cao”. VPBank hỗ trợ FE Credit về hệ thống, nhân sự, chiến lược... và quan trọng là về vốn, tạo ra chi phí vốn (COF) thấp hơn.
Cụ thể, trong hơn một năm qua, VPBank đưa COF của FE Credit từ 9-11%/năm xuống còn 6-7%/năm, cao hơn COF của các ngân hàng nhưng ở mức thấp trong ngành tài chính tiêu dùng. Điều này cho phép FE Credit nhắm vào khách hàng có mức độ rủi ro thấp hơn.
Đáng chú ý, VPBank dự kiến, từ năm 2025, lợi nhuận của FE Credit sẽ quay lại mức 3.000 - 4.000 tỷ đồng, còn hiện tại phải đa dạng hoá các mảng kinh doanh, hạn chế phụ thuộc vào tài chính tiêu dùng.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's Ratings (Moody's) mới đây công bố giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm B1 cho FE Credit. Cụ thể, Moody’s công bố giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm CFR (Corporate family rating - Đánh giá tín nhiệm dựa trên mối tương quan với các thành viên trong cùng tập đoàn) của FE Credit ở mức B1.