Chu kỳ bùng nổ đầu tư trên toàn cầu đã thoái trào?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hoạt động chi tiêu vốn từng bùng nổ mạnh mẽ trong giai đoạn đại dịch đã đi đến hồi kết.
Chu kỳ bùng nổ đầu tư trên toàn cầu đã thoái trào?

Hầu như ở bất cứ nơi nào, các công ty đang thu hẹp tham vọng của mình. Meta gần đây cho biết sẽ đầu tư ít hơn vào năm 2023 so với những gì đã hứa hẹn trước đó. Disney đang cắt giảm 10% kế hoạch vốn đầu tư cho năm nay. Calavo Growers, một nhà sản xuất lớn bơ và các loại trái cây khác cũng dự định cắt giảm chi phí vốn để điều hướng những bất ổn trong ngắn hạn.

Những động thái này cũng đang là một phần của xu hướng rộng lớn hơn. Một cuộc khảo sát toàn cầu về các nhà quản lý mua hàng theo dõi các đơn đặt hàng mới về hàng hóa đầu tư, một đại diện cho chi tiêu vốn đang chỉ ra nhu cầu chi tiêu cho đầu tư chỉ phù hợp với mức trung bình giai đoạn 2018-2019 sau khi tăng mạnh vào năm 2021.

Một công cụ của Goldman Sachs theo dõi vốn đầu tư của Mỹ đã cung cấp một bức tranh về chi tiêu của các doanh nghiệp, cũng như gợi ý về những dự định trong tương lai. Chỉ số này hiện đang ghi nhận mức tăng trưởng gần bằng 0. Một công cụ theo dõi chi tiêu cho đầu tư trên toàn cầu khác của JPMorgan Chase cũng chỉ ra sự giảm tốc rõ rệt. Sau khi phân tích dữ liệu chi tiêu vốn từ 33 quốc gia thuộc OECD, The Economist cho biết chi tiêu vốn trong quý IV/2022 đã giảm 1% so với quý trước đó.

Đầu tư là thành phần biến động nhất của GDP. Khi đầu tư tăng vọt, toàn bộ nền kinh tế có xu hướng gia tăng đầu tư. Chi tiêu vốn bổ sung và R&D sẽ giúp tăng năng suất, nâng cao thu nhập và mức sống. Đã từng có những hy vọng rằng đại dịch Covid-19 sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một “siêu chu kỳ chi tiêu vốn” mới. Để đối phó với khủng hoảng, các công ty đã tăng cường chi tiêu cho mọi thứ như số hóa, chuỗi cung ứng và hơn thế nữa. Đầu tư cố định ở các nước giàu chỉ mất 18 tháng để quay trở lại mức cao nhất trước đại dịch và chỉ bằng một phần nhỏ thời gian sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009.

Vào năm 2021 và 2022, các công ty thuộc chỉ số S&P 500 của Mỹ đã chi 2.500 tỷ USD, tương đương 5% GDP của đất nước cho chi tiêu vốn và R&D, mức tăng thực tế khoảng 20% so với giai đoạn năm 2018-2019.

Vì vậy, các số liệu mới nhất cho thấy chi tiêu vốn đang sụt giảm nghiêm trọng. Những gì mọi người từng nghĩ là sự khởi đầu của một xu hướng cấu trúc trên thực tế có thể là sự phấn khích sau thời kỳ phong tỏa. Các doanh nghiệp cũng đang điều chỉnh giảm chi tiêu vốn trong tương lai. Phân tích của The Economist về kế hoạch của khoảng 700 công ty lớn được niêm yết của Mỹ và châu Âu cho thấy chi tiêu vốn thực tế sẽ giảm 1% vào năm 2023.

Tại sao sự bùng nổ của chi tiêu vốn lại sắp kết thúc? Có 3 lời giải thích tiềm năng là thuyết phục nhất.

Thứ nhất, các công ty hiện đang có ít tiền “để đốt hơn” so với vài tháng trước. Các công ty trên khắp thế giới giàu có đã tích lũy số dư tiền mặt cao bất thường trong thời kỳ đại dịch, một phần là do các khoản tài trợ và khoản vay từ chính phủ. Tuy nhiên, theo tính toán từ The Economist, kể từ cuối năm 2021, số dư tiền đã giảm khoảng 1.000 tỷ USD theo giá trị thực.

Thứ hai liên quan đến điều kiện nền kinh tế toàn cầu. Tình trạng thắt chặt chuỗi cung ứng không tệ như năm 2021, do đó các công ty không cần phải đầu tư thêm năng lực hoặc dự trữ hàng tồn kho. Số liệu từ công ty cung cấp dữ liệu PitchBook cho thấy rằng trong quý IV/2022, số lượng giao dịch đầu tư mạo hiểm vào công nghệ chuỗi cung ứng đã giảm khoảng một nửa so với năm trước. Lạm phát đã ăn sâu vào thu nhập thực tế của người tiêu dùng và các doanh nghiệp ít có khả năng đầu tư vào các sản phẩm và dịch vụ mới vì họ lo lắng rằng sẽ không có ai mua chúng. Trong khi đó, dữ liệu khảo sát cho thấy lãi suất cao hơn cũng đang thúc đẩy cắt giảm hoạt động chi tiêu vốn.

Yếu tố thứ ba có thể là quan trọng nhất. Sự bùng nổ chi tiêu vốn phần lớn dựa trên giả định rằng lối sống trong đại dịch sẽ kéo dài mãi mãi và thúc đẩy việc tái phân bổ kinh tế đòi hỏi số lượng công nghệ mới ngày càng lớn hơn. Tuy nhiên, theo nhiều cách, nền kinh tế sau đại dịch trông rất giống với nền kinh tế trước đại dịch.

Bên cạnh đó là một số trường hợp ngoại lệ, nhất là các công ty dầu mỏ có khả năng tăng vốn đầu tư trong năm nay, nhưng những công ty này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng chi tiêu. Các công ty dẫn đầu về phí đầu tư hiện đang rút lui. Đặc biệt, các công ty bán dẫn đã nhận ra rằng họ đã đầu tư ồ ạt quá mức vào năng lực và hiện đang rút lui. Trong quý IV/2022, chi tiêu vốn thực tế của người Mỹ cho thiết bị xử lý thông tin đã giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi theo các nhà dự báo, các công ty công nghệ lớn có khả năng cắt giảm 7% vốn đầu tư theo giá trị thực vào năm 2023.

Ở Mỹ, Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) sẽ khuyến khích lớn cho chi tiêu xanh trong khi EU đang tiết lộ các khoản trợ cấp riêng. Xung đột Nga-Ukraine đang khuyến khích người châu Âu đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế. Và trong một nỗ lực để bớt phụ thuộc vào Trung Quốc, nhiều công ty đang tìm cách xây dựng các nhà máy ở nơi khác. Theo thời gian, những thay đổi khác nhau này có thể khiến đầu tư tăng trở lại. Nhưng không thể tránh khỏi thực tế là sự bùng nổ của chi tiêu vốn đã thất bại.

Vũ Duy Bắc
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục