Sự chủ động và quyết liệt đó không chỉ thể hiện ở việc lần đầu tiên, Bộ Chính trị sẽ có một nghị quyết về vấn đề này, mà còn ở sự nỗ lực của Chính phủ trong xây dựng Đề án Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Để kịp thời hoàn thiện và trình Bộ Chính trị cho ý kiến vào tháng 4/2019, liên tiếp các hội nghị tham vấn về các nội dung của Đề án đã được tổ chức tại Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội và mới đây là Bình Dương. Những tiếng nói từ địa phương, nhất là những địa phương đang đứng đầu cả nước về thu hút FDI, cũng như những kiến nghị từ cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ góp phần quan trọng để Việt Nam có một chiến lược thu hút và quản lý, sử dụng vốn FDI trong giai đoạn tới một cách chính xác và hiệu quả hơn.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, tại Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút FDI vào tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh rằng, Việt Nam sẽ thu hút FDI với nội hàm mở rộng hơn, không chỉ là thu hút vốn, mà còn hợp tác về quản lý, tăng cường mua lại, sáp nhập, hợp tác bảo vệ môi trường, hợp tác về lao động, đảm bảo công bằng xã hội. Và rằng, hợp tác FDI là sự chủ động, bình đẳng, có tính lựa chọn của Việt Nam, không phải nhà đầu tư nước ngoài mang gì là ta nhận nấy, mà cần nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế quốc gia.
Thông điệp đã được phát đi từ thời điểm đó và hiện là giai đoạn để Việt Nam chuẩn bị cho sự đón nhận dòng vốn FDI thế hệ mới, bằng tâm thế chủ động, không phải là thu hút FDI bằng mọi giá. Thể chế, chính sách sẽ thay đổi để thu hút được FDI đúng mục tiêu, thậm chí “bắt” dòng vốn FDI phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Ở đây, xin không nhắc lại những thành tựu quan trọng mà Việt Nam đã đạt được sau 30 năm thu hút FDI, bởi đó là điều đã được khẳng định lâu nay, ít nhất bằng con số 27.643 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký trên 340 tỷ USD, còn vốn giải ngân là gần 192 tỷ USD. Cũng không cần phải nhắc lại những đóng góp to lớn của khu vực FDI cho kinh tế - xã hội Việt Nam, bởi những con số như đóng góp 70% kim ngạch xuất khẩu, 18-25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 20% GDP… đã được nói tới rất nhiều.
Nhưng tồn tại, hạn chế là có. Từ chuyện tác động lan tỏa chưa được như kỳ vọng, đến ít thu hút được các tập đoàn lớn, hay chuyện chuyển giao công nghệ còn hạn chế, còn có những vấn đề về ô nhiễm môi trường… Tất cả những hạn chế này, cộng thêm những thay đổi nhanh chóng và phức tạp của kinh tế thế giới, đặc biệt là dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 buộc Việt Nam phải có một chiến lược mới về thu hút FDI.
Giờ đây, chiến lược đó đang được hoàn thiện. Chưa nói tới chuyện cần có những định hướng và thể chế, chính sách phù hợp, nhất là trong thu hút vốn FDI từ các đối tác lớn, tập đoàn lớn, hay làm sao để tạo gắn kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước…, việc thực thi chiến lược này như thế nào cũng là chuyện cần tính tới. Bởi chính Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, sau khi tới các địa phương để tham vấn về Đề án, cũng đã phải đặt câu hỏi rằng, tại sao cùng một thể chế, chính sách, có địa phương thành công, có nơi không?
Đây thực sự là những vấn đề cần đặt ra, một khi Việt Nam muốn xây dựng định hướng chiến lược mới về thu hút FDI thế hệ mới và thực hiện thành công định hướng chiến lược đó.