Phần chìm của tảng băng
Thị trường bất động sản là một trong những thị trường đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội của một quốc gia, bởi có mối quan hệ mật thiết với nhiều thị trường khác như vật liệu xây dựng, lao động, khoa học công nghệ và đặc biệt là thị trường tài chính – tiền tệ. Vì vậy, việc xây dựng được một thị trường bất động sản lành mạnh sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế – xã hội.
Tại Việt Nam, hệ thống thể chế quản lý thị trường bất động sản đang từng bước được hoàn thiện đã tạo hành lang pháp lý điều tiết thị trường bất động sản như Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006 và Nghị định số 153/2007/NĐ-CP của Chính phủ; các quy định trong Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Doanh nghiệp, các luật về thuế...
Tuy nhiên, trên thực tế, sự minh bạch trên thị trường bất động sản mới chỉ là phần nổi của “tảng băng”. Người ta vẫn lo ngại “phần chìm” là lợi ích nhóm và nhiều vấn đề khác mang lại sự bất lợi cho khách hàng. Điển hình là câu chuyện “sai phạm” của các dự án chung cư đã được mang ra để bàn luận và “mổ xẻ” quá nhiều thời gian qua.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, Kiến trúc sư Vũ Quốc An cho biết: “Một loạt các dự án chung cư sai phạm thời gian vừa qua đã chứng minh cho sự thiếu trung thực của nhiều chủ đầu tư danh tiếng, tầm cỡ trên thương trường. Vẫn là những lời quảng cáo dự án hoa mỹ, những hứa hẹn tươi đẹp, nhưng càng tiến sát đến bước hoàn thiện, thì thực tế “phũ phàng” lại hiện ra càng rõ, cho thấy dự án bất động sản ấy không hề giống như cam kết trước đó của chủ đầu tư. Một kiểu kinh doanh “lý thuyết suông”, tức là ở đó giá trị thực của sản phẩm, dự án bị đánh tráo với lời mời ban đầu, kiểu treo đầu dê, bán thịt chó”.
Theo chia sẻ của giới chuyên gia, việc kinh doanh là con đường sinh lợi ngắn nhất, nhưng cái cốt của kinh doanh vẫn luôn phải xoay quanh trục “minh bạch”, hướng thẳng tới chữ “tâm”, chữ “tín”. Do đó, với kiểu kinh doanh “nửa nạc, nửa mỡ” như vậy thì “chẳng chóng thì chầy”, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra.
Đơn cử, vừa qua, Dự án Usilk City (Chủ đầu tư: Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long) không có hệ thống phòng cháy chữa cháy; Dự án CT4 Vimeco (Chủ đầu tư: Công ty cổ phần Vimeco) không có hệ thống cây xanh dọc các sảnh; Dự án Thăng Long Victory cũng trong tình trạng kém chất lượng, sai thiết kế, công năng tòa nhà (Chủ đầu tư: Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Phúc Hà); gần đây nhất là 11 dự án ở quận Thanh Xuân và 25 dự án ở quận Bắc Từ Liêm cũng bị “treo cáo thị” – thanh tra đề nghị thu hồi. Đáng lo ngại, những vấn đề này không chỉ xảy ra ở những dự án trên mà còn xảy ra ở nhiều dự án khác.
Thực trạng khi cư dân được bàn giao nhà và phát hiện ra nhiều sai phạm của chủ đầu tư liên tục diễn ra thời gian qua. Nhiều hạng mục trong chính căn hộ hoặc toàn bộ tòa nhà không giống như trong bản thiết kế, cam kết trước đó của chủ đầu tư.
Ở góc độ khác, nhiều chuyên gia cho rằng, dù những cải thiện đã được ghi nhận nhưng tiến trình minh bạch hóa trên thị trường bất động sản Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả, do còn thiếu đồng bộ, nhất quán và chưa triệt để trong quá trình thực hiện cũng như giám sát. Có chăng, sự bất thường nằm ở các dự án không đủ điều kiện huy động vốn nhưng vẫn bán nhà hoặc dự án bán nhà vẫn thế chấp nhưng không nói với khách hàng là đã thế chấp, không thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định với cơ quan chức năng.
Theo PGS, TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, việc cung cấp thông tin về một số doanh nghiệp có dự án đang thế chấp trong các ngân hàng cũng tạo ra dư luận trái chiều khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, dư luận đôi khi chưa hiểu thấu đáo về bản chất của vấn đề này, kể cả khách hàng mua nhà cũng vậy.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng nhận định, năng lực của các chủ thể tham gia thị trường bất động sản từ quản lý nhà nước đến các nhà đầu tư, hệ thống môi giới... có tiến bộ, nhưng về cơ bản vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường. Và theo nhận định của giới chuyên gia, những chủ đầu tư “bất minh” trong kinh doanh sẽ bị trả giá đắt cho những hoạt động “lệch chuẩn” của mình.
Tuân thủ tiêu chí minh bạch
Đi ngược lại mặt trái của thị trường bất động sản, không ít các chủ đầu tư được vinh danh một cách đúng nghĩa, vì họ luôn làm thỏa mãn các nhu cầu của khách hàng và thị trường. Đương nhiên, những đơn vị này sẽ được khách hàng, thị trường đền đáp xứng đáng và không ngoa nếu nói cách kinh doanh của các chủ đầu tư này là “hướng thiện ắt thành”.
Một trong những cái tên nhận được sự chú ý lớn của thị trường là Tập đoàn Vingroup, đơn vị này đã dẫn đầu thị trường hầu hết các phương diện, sở hữu danh mục sản phẩm đa dạng nhất, từ các loại hình truyền thống như nhà ở, văn phòng, thương mại, nghỉ dưỡng đến đón đầu xu hướng như: condotel, shophouse, officetel… Ở tất cả các loại hình sản phẩm, chủ đầu tư này đều được đánh giá có chất lượng dịch vụ đồng bộ, với hệ thống tiện ích vượt trội.
Bên cạnh đó, có thể kể tới những cái tên tạo được tiếng vang như Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt trời (Sun Group), khởi điểm từ Đà Nẵng, sau 10 năm khởi nghiệp, chủ đầu tư này đã ghi dấu ấn tại nhiều địa danh du lịch nổi tiếng trên toàn quốc. Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng hiện vẫn là doanh nghiệp dẫn đầu cuộc đua “căn hộ đẳng cấp, giá bình dân”, đem lại nhiều cơ hội sở hữu nhà giá rẻ cho cư dân đô thị. Hay Tập đoàn Novaland, đơn vị hiện đang sở hữu hơn 40 dự án với hàng nghìn sản phẩm đa dạng đang triển khai.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết: Mục tiêu của Vingroup là liên tục kiến tạo ra những sản phẩm bất động sản có chất lượng vượt trội, đem lại trải nghiệm sống theo tiêu chuẩn quốc tế cho khách hàng tại Việt Nam. Và đương nhiên, việc minh bạch, chữ tâm, chữ tín trong kinh doanh có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành, bại của chiến lược và thương hiệu Công ty.